24/08/2023 11:06 GMT+7

Ấn Độ và tham vọng gửi vào Mặt trăng

Giới chuyên gia nhận định những nỗ lực của Ấn Độ trong việc khám phá cực nam Mặt trăng sẽ có những đóng góp rất lớn cho nền khoa học vũ trụ của nhân loại.

Nguồn: Al Jazeera - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Al Jazeera - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Tối qua (23-8), Ấn Độ đã làm nên lịch sử: Tàu đổ bộ trong sứ mệnh Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã đáp thành công xuống phần cực nam Mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên làm được như vậy. Thành tựu này được kỳ vọng sẽ là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong khám phá không gian.

Xin gửi đến tất cả người dân của mọi quốc gia và khu vực: Sứ mệnh Mặt trăng thành công này không chỉ của riêng Ấn Độ, mà thành công này thuộc về toàn nhân loại.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Niềm phấn khích dâng cao tại Ấn Độ

Lãnh đạo ISRO S. Somanath tự hào tuyên bố: "Chúng tôi đã có màn hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt trăng. Ấn Độ đang ở trên Mặt trăng!". Giờ đây bộ đôi tàu đổ bộ - xe tự hành (hoạt động bằng năng lượng mặt trời) sẽ khám phá bề mặt cực nam Mặt trăng trong 2 tuần và gửi dữ liệu về Trái đất.

Đây là lần thứ hai Ấn Độ nỗ lực đưa tàu đổ bộ đáp xuống Mặt trăng. Sứ mệnh này được coi là rất quan trọng đối với việc khám phá Mặt trăng và vị thế của New Delhi trong cuộc đua chinh phục vũ trụ. Vào năm 2019, ISRO từng thực hiện sứ mệnh Chandrayaan-2, phóng thành công tàu quỹ đạo, nhưng lúc đó tàu đổ bộ đã gặp sự cố và bị rơi.

Chandrayaan-3 là sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng lần thứ ba của Ấn Độ, tiêu tốn ngân sách 6 tỉ rupee (khoảng 73 triệu USD), bao gồm tàu đổ bộ Vikram, rover (xe tự hành) nhỏ Pragyan và mô đun đẩy.

Tâm trạng phấn khích dâng cao tại Ấn Độ trong ngày 23-8 khi người dân ngóng đợi thời khắc lịch sử. Những tiêu đề nổi bật về sự kiện "đổ bộ" trên khắp mặt báo, trong khi các kênh tin tức chạy đồng hồ đếm ngược để chờ khoảnh khắc tàu đáp xuống Mặt trăng.

Các buổi cầu nguyện cũng được tổ chức tại đền, chùa, nhà thờ. Học sinh Ấn Độ háo hức chờ xem buổi phát sóng trực tiếp. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo dõi sự kiện từ Nam Phi vì ông đang dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại đó.

Các chuyên gia Ấn Độ tự tin là họ có thể làm được điều mà các nước khác chưa từng làm được tại cực nam Mặt trăng. Cựu chủ tịch ISRO Kailasavadivoo Sivan cho biết tổ chức này đã có những điều chỉnh sau thất bại cách đây 4 năm. "Chúng tôi tự tin và chúng tôi hy vọng mọi thứ diễn ra suôn sẻ", ông nói.

Ông Anil Kumar Bhatt, tổng giám đốc Hiệp hội Vũ trụ Ấn Độ, tin tưởng tàu đổ bộ trong sứ mệnh lần này sẽ có cú hạ cánh thành công xuống Mặt trăng sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, và Ấn Độ cũng sẽ trở thành nước đầu tiên có thể đáp tàu thăm dò xuống cực nam Mặt trăng.

Ông giải thích: "Ấn Độ đã thực hiện hai sứ mệnh Mặt trăng. Trong đó, sứ mệnh Chandrayaan-1 hoàn toàn thành công. Sứ mệnh Chandrayaan-2 thành công một phần khi tàu đổ bộ của chúng tôi lúc đó đã bị rơi. Tôi rất tin tưởng các nhà khoa học Ấn Độ đã tiếp thu rất tốt những bài học đó và lần này họ đã đưa vào tất cả các cơ chế an toàn. Tôi tin sẽ có tin tốt lành".

Đóng góp cho khoa học

Cực nam Mặt trăng là điểm xa nhất về phía nam trên Mặt trăng, được cho là có sự hiện diện của băng nước, thứ có thể dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống - vốn rất cần cho các sứ mệnh khác trong tương lai. Tuy nhiên, địa hình gồ ghề khiến việc đáp xuống cực nam Mặt trăng trở nên khó khăn, và thời gian qua chưa nước nào làm được điều này.

Hôm 14-7, tên lửa LVM3 mang theo sứ mệnh Chandrayaan-3 đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan. Bộ đôi tàu đổ bộ - xe tự hành (Vikram - Pragyan) đã đi vào quỹ đạo Mặt trăng hôm 5-8 và tách khỏi mô đun đẩy vào ngày 17-8.

Sứ mệnh này đã được khởi động cách đây gần sáu tuần nhưng mất nhiều thời gian hơn để đến được Mặt trăng so với các sứ mệnh Apollo của Mỹ trong những năm 1960 và 1970 - vốn đến chỉ trong vài ngày.

Ấn Độ đang sử dụng tên lửa không mạnh hơn nhiều so với tên lửa mà Mỹ đã dùng trước đây. Điều này có nghĩa tàu thăm dò Mặt trăng của họ phải quay quanh Trái đất nhiều lần để đạt được tốc độ cần thiết trước khi đi vào quỹ đạo Mặt trăng. Với màn hạ cánh thành công ngày 23-8, đây là bước tiến lớn trong cuộc đua vũ trụ của Ấn Độ.

"Việc đáp xuống cực nam của Mặt trăng thực sự sẽ cho phép Ấn Độ khám phá xem có băng nước trên đó không. Điều này rất quan trọng đối với khoa học và kho dữ liệu tích lũy về địa chất của Mặt trăng" - ông Carla Filotico, giám đốc điều hành tại Công ty tư vấn SpaceTec Partners, nhận định.

Trước đó, người ta cứ tưởng Nga sẽ vượt qua Ấn Độ để trở thành nước đầu tiên đáp xuống cực nam Mặt trăng, nhưng hôm 20-8 sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm đã thất bại khi tàu vũ trụ Luna-25 của họ bị mất kiểm soát và đâm vào Mặt trăng.

Chương trình không gian "tiết kiệm"

Ấn Độ sở hữu chương trình không gian với kinh phí tương đối thấp. Theo Đài Al Jazeera, sứ mệnh Chandrayaan-3 tiêu tốn khoảng 73 triệu USD, thấp hơn nhiều so với sứ mệnh của các nước khác và là minh chứng cho thấy kỹ thuật không gian "tiết kiệm" của Ấn Độ.

Giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể duy trì chi phí thấp bằng cách sao chép và điều chỉnh công nghệ vũ trụ hiện có, đồng thời nhờ vào lực lượng kỹ sư có tay nghề cao và đang hưởng mức lương thấp so với các đồng nghiệp ở nước ngoài. Năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao Hỏa.

Tàu Ấn Độ đổ bộ thành công lên Mặt trăngTàu Ấn Độ đổ bộ thành công lên Mặt trăng

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng vào khoảng 19h33 ngày 23-8 (giờ VN), chưa đầy một tuần sau khi sứ mệnh Luna-25 của Nga thất bại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên