Bán điện mặt trời cho hàng xóm: Luật không cấm, cơ quan chức năng e dè

LÊ PHAN 29/06/2023 05:43 GMT+7

TTCT - Điện lưới thiếu, nhà hàng xóm tối thui trong khi nhiều cơ sở sản xuất điện mặt trời thừa mứa vì chưa kết nối với lưới điện. Muốn bán điện mặt trời cho nhà hàng xóm được không?

Điện mặt trời: một nhà lắp, hai nhà xài được không?

Căn nhà mới của bà Trần Thu Hà ở TP Thủ Đức được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Với hệ thống điện mặt trời này, gia đình bà dùng chạy những thiết bị công suất nhỏ như quạt máy, thắp sáng… mà vẫn không hết điện. Bà Hà muốn kết nối đường dây chia sẻ nguồn điện mặt trời này với nhà người em bên cạnh nhưng không biết lắp dặt như thế nào cho an toàn và đúng quy định.

Lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh: LÊ PHAN

Lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh: LÊ PHAN

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, kỹ sư điện Trần Nguyên Châu (Công ty Thí nghiệm điện Sài Gòn - Miền Tây) nói về mặt kỹ thuật, hai nhà lắp đặt chung một hệ thống điện mặt trời hoặc một nhà lắp rồi chia sẻ cho nhà khác dùng hoàn toàn có thể làm được. Lúc này, điện từ hệ thống điện mặt trời sẽ chia làm hai nhánh đi qua hai CB khác nhau vào hai gia đình. 

Nhưng với trường hợp hệ thống điện mặt trời có nối với điện lưới, họ sẽ vướng một số điều trong hợp đồng mua bán điện của người dân và ngành điện. Vì hiện tại, ngành điện quản lý cấp điện cho mỗi gia đình bằng một hợp đồng, mua điện từ hệ thống điện mặt trời cũng có hợp đồng. Nếu chia sẻ hoặc dùng chung điện mặt trời thì lưới điện hai nhà sẽ liên kết, họ rất khó quản lý.

Ngược lại, với trường hợp điện mặt trời không nối lưới, người dân tùy nghi sử dụng theo thỏa thuận giữa các gia đình với nhau. Điện mặt trời không nối lưới là dòng điện một chiều, người dân muốn sử dụng có thể lưu điện vào ắc quy và thông qua hệ thống chuyển đổi để thành dòng điện xoay chiều để mời hàng xóm dùng chung. Tuy nhiên, việc kết nối các hệ thống điện mặt trời phải do người có chuyên môn đảm nhận để bảo đảm an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Khải, khoa điện - điện tử Đại học Bách khoa TP.HCM, ví việc xài chung một hệ thống điện mặt trời như việc "một căn nhà có hai cửa ra vào", sẽ khó quản lý. Theo tiêu chuẩn an toàn điện, mỗi nhà phải lắp đặt một hệ thống điện riêng, để khi nhà này gặp sự cố thì không gây ảnh hưởng đến nhà khác, nhất là những trường hợp hệ thống điện gây cháy nổ.

Lãnh đạo một số công ty điện lực tại TP.HCM cho biết hiện chưa ghi nhận trường hợp nào đến xin đăng ký lắp đặt một hệ thống điện mặt trời áp mái để dùng chung nhiều nhà. Quy định về lắp đặt điện mặt trời áp mái cũng chưa có. Nếu người dân có nhu cầu thì các công ty con sẽ báo cáo về tổng công ty và đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn. 

Lắp điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh LÊ PAN

Lắp điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh LÊ PAN

"Nếu điện mái nhà không kết nối với lưới điện thì người dân tự làm tự chịu trách nhiệm, ngành điện lực không quản lý. Về kỹ thuật thì việc này có thể thực hiện nhưng ngành điện vẫn khuyến cáo không nên. Việc lắp đặt chung sẽ khó trong truyền dẫn, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy", một giám đốc điện lực cho biết.

Ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cũng khẳng định quy định hiện hành chưa đề cập đến trường hợp này. Tuy nhiên, ông Kiên khuyến cáo người dân không nên làm như vậy. Việc này có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống điện gia đình và khi được nối lưới thì cũng sẽ gặp khó khăn.

Bài toán kinh tế điện mặt trời

Gia đình ông Trịnh Quang Dũng ở quận Tân Bình là một trong những hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái đầu tiên tại TP.HCM. Đến nay, ông Dũng đã sử dụng điện mặt trời gần 20 năm.

Ông Dũng cho biết hệ thống điện mặt trời gói 10kWh/ngày có chi phí lắp đặt khoảng 160 triệu đồng. Nếu xài điện lưới, mỗi tháng gia đình ông phải trả khoảng 1,5 triệu tiền điện, nhưng có hệ thống điện mặt trời có nối lưới thì số tiền điện lực trả cho ông và số tiền ông phải trả cho điện lực hằng tháng gần như bù trừ nhau. Như vậy, khoảng bảy năm thì ông "lấy lại vốn" đầu tư hệ thống điện mặt trời.

Với tuổi thọ của hệ thống pin điện mặt trời khoảng 15 năm thì 8 năm còn lại, gia đình ông Dũng xài điện miễn phí. Theo ông Dũng, thời gian thu hồi vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời ở miền Trung thì khoảng năm năm, miền Bắc khoảng tám năm do số ngày nắng và khí hậu từng vùng miền khác nhau.

Chỉ khuyến khích "xài một mình"

Đang mùa nắng, nhiều nơi thiếu điện phải tính đến việc cắt điện luân phiên, ban ngày dành điện cho sản xuát, ban đêm dành điện cho sinh hoạt. Nhiều hệ thống điện mặt trời áp mái đã được lắp đặt chưa thể kết nối với điện lưới quốc gia vì chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương. Nếu hệ thống điện mặt trời của các nông trại, nhà dân có thể chia sẻ cho hàng xóm dùng chung thì sẽ giảm được sự bất tiện trong sinh hoạt của người dân khi bị cắt điện ban ngày.

Lắp điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh: LÊ PHAN

Lắp điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh: LÊ PHAN

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8) đặt mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). 

Việc được phép bán điện mặt trời cho nhà hàng xóm, láng giềng cũng là một cách khuyến khích nhà dân, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời.

Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương cũng trình Thủ tướng một số cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, trụ sở doanh nghiệp, công sở để sử dụng tại chỗ. Theo đó, bên lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; hệ thống điện mặt trời áp mái tại công sở ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. 

Tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này sẽ được miễn hoặc giảm các loại thuế phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Tuy nhiên, trong đề xuất trên, Bộ Công Thương cũng quy định những trường hợp này chỉ sản xuất điện tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc sản xuất điện mặt trời không kết nối với lưới điện không ảnh hưởng đến an toàn điện chung. Hiện tại, quy định không cấm thì người dân có thể thỏa thuận với nhau để hai nhà cùng đầu tư và dùng chung một hệ thống điện mặt trời. 

Theo quy định thì người dân tự chịu trách nhiệm về an toàn cháy nổ trong nhà của mình nên việc lắp hệ thống điện dùng chung cho hai nhà phải bảo đảm về mặt kỹ thuật. Đối với các tòa nhà lớn, công trình tập trung đông người, có quy định chặt chẽ về an toàn phòng cháy chữa cháy thì việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải tuân thủ các quy định này. ■

TP.HCM xin thí điểm sản xuất điện mặt trời ở công sở

Dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù, thí điểm để TP.HCM phát triển do Quốc hội thảo luận vừa qua có nội dung cho TP.HCM sử dụng mái nhà của các trụ sở công để sản xuất điện mặt trời.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định việc sử dụng mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (tài sản công) để lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Tại các quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam cũng không quy định cho các doanh nghiệp sử dụng mái nhà của trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để thực hiện dự án điện mặt trời và bán điện cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì vậy TP.HCM cần có cơ chế, chính sách đặc thù để ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà trên các trụ sở công để từ đó lan tỏa và kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Theo Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM năm 2030, TP.HCM có lượng bức xạ trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày. Tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Thế nhưng, theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính đến hết năm 2022 toàn TP mới có 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận