Chiến tranh không phải là một trận banh

DU LONG 29/04/2024 09:32 GMT+7

TTCT - Có chiến tranh chính đáng, chiến tranh bất chính, chiến tranh xâm lược, chiến tranh tự vệ, chiến tranh ủy nhiệm... Song dù là gì đi nữa, cũng không thể mong chờ như kiểu đang chờ hiệp 2, hay đá luân lưu sau hai hiệp phụ.

Ảnh: Press TV

Ảnh: Press TV

Tuần rồi, sau vụ Iran hôm 14-4 phản kích việc Israel bắn trúng tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên tòa đại sứ nước này ở thủ đô Damascus hôm 1-4 khiến một số tướng lĩnh Iran thiệt mạng, một số dư luận xã hội tỏ ra sốt ruột có lẽ còn hơn cả những phe trong cuộc.

Những tựa đề nóng bỏng đã xuất hiện, nào là "Israel sẽ trả đũa, chiến tranh Trung Đông sẽ bùng nổ", thậm chí "chiến tranh thế giới", "chiến tranh hạt nhân", "Iran tiết lộ kế hoạch tấn công Israel lần thứ hai"..., cứ như thể một trận banh - bóng chuyền hay bóng rổ - bên A tấn công, bên B phản công, cuối cùng, bên A hay bên B thắng với tỉ số...!

Không, chiến tranh không phải là một trận banh! Trong một trận banh, bất quá đội này hay cầu thủ kia thua trận, mất điểm, mất huy chương, mất giải thưởng bấy nhiêu tiền. Thậm chí những trận tỉ thí có máu đổ như là đấu boxing hay MMA, bất quá một võ sĩ trúng thương nặng phải vô nhà thương cấp cứu. 

Còn thì thường trong một trận banh, không có bất cứ sinh mạng nào bị đe dọa hay kết liễu, cũng không có những thương vong của thường dân vô tội "bên lề", hoặc cảnh gồng gánh bỏ chạy tìm nơi an toàn, bỏ lại sau lưng nhà cửa, cầu đường đổ nát... và nhất là cuộc sống đang yên bình.

Tâm lý khán giả một trận banh có căng thẳng, bất quá do được thúc giục bởi một tinh thần "sô vanh" (yêu nước cao độ), thể hiện bằng những hò la văng nước bọt trên khán đài, mong ngóng một thứ hạng ở vòng chung kết hay chức vô địch, cũng đủ lãng quên cơn bão giá.

Ngược lại, chiến tranh là chết chóc. Kinh hoàng đến mức từ thời cổ đại, người Hy Lạp đã phải nâng lên hàng thần thánh: thần Ares như là hiện thân của tính bạo lực và man rợ của chiến tranh, nhân cách hóa cơn thịnh nộ và sự khát máu thuần túy thúc đẩy đàn ông và phụ nữ trên chiến trường.

Mấy tháng trước, trên Netflix có chiếu bộ phim Nữ thần chiến binh thuật lại câu chuyện hư cấu về Công chúa Diana, lớn lên tại đảo Amazon xứ Themyscira, sau khi cứu phi công người Mỹ Steve Trevor rơi xuống hòn đảo của cô, và được anh đã kể cho cô về cuộc Thế chiến đang diễn ra, đã rời bỏ quê nhà, đi tìm hiện thân của thần chiến tranh Ares, để ngăn cản cuộc chiến.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Có lẽ chiến tranh ở Việt Nam ta qua đã khá lâu rồi, và những cuộc chiến tranh hiện tại hoàn toàn không phải của ta, mà còn ở những nơi xa tít mù tắp, nên một số "nhà dư luận" thoải mái thả hồn "ăn miếng trả miếng" thay các bên trong cuộc: Bên A bắn mấy trăm quả tên lửa và drone, sao bên B chưa trả đũa, lâu quá vậy?!

Như vậy thì vô hình trung đã quên rằng, hay không biết rằng, ngay chính các bên trong cuộc, ngoài những tính toán chiến thuật, chiến lược quân sự, vẫn còn phải cân nhắc những hậu quả "bên lề", nơi thường dân, cả bên kia lẫn bên mình. Công ước Geneva về bảo hộ thường dân trong chiến tranh ngày 12-8-1949, mà Việt Nam gia nhập vào ngày 5-6-1957, vẫn còn đó.

Có thể trong lúc này, bên nào bên kia đang bỏ qua Công ước này như hiện ở Dải Gaza, ở Ukraine hay Iran, Israel, vịn lý do "ăn miếng trả miếng" đáp trả khủng bố khơi mào, song người phàm thì không thể chờ đợi diễn biến "A bắn B, giờ B sẽ bắn A". 

Đơn giản vì chiến tranh bùng nổ hơn, sẽ có thêm nạn nhân. Riêng tại Dải Gaza đã hơn 34.000 người, trên một dân số chỉ 2,3 triệu người, đã thiệt mạng từ khi khởi đầu chiến sự (Politico 21-4). 

Thương vong như vậy thậm chí còn cao hơn nhiều với cuộc chiến tranh Nga - Ukraine: 30.457 thương vong với thường dân, trong đó có 19.875 người bị thương, tính từ ngày 24-2-2022 tới 15-2-2024, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (OHCHR).

Tất nhiên, chiến tranh có lý do, nguyên nhân xa, gần của nó. Có chiến tranh chính đáng, chiến tranh bất chính, chiến tranh xâm lược, chiến tranh tự vệ, chiến tranh ủy nhiệm... Song dù là gì đi nữa, cũng không thể mong chờ như kiểu đang chờ hiệp 2, hay đá luân lưu sau hai hiệp phụ. Càng không thể không màng đến các nạn nhân, trong đó có thường dân!■

Theo Đài Đức DW, năm 2022 là năm chết chóc nhất vì chiến tranh trong thế kỷ 21, khi hơn 238.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Đó là một kỷ lục buồn có nguy cơ bị phá trong năm nay khi chiến sự ở Gaza, nơi đã có hơn 34.000 người thiệt mạng, và Ukraine, vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang.

Ảnh: LA Times

Ảnh: LA Times

Cũng năm 2022, trong khi 83.000 người thiệt mạng ở Ukraine vì chiến tranh, ít người biết đó vẫn không phải cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất: Cuộc nội chiến Ethiopia vào cùng năm đã giết chết 100.000 người.

Đáng nói hơn là xu hướng các cuộc xung đột kiểu này ngày một quốc tế hóa: 91 quốc gia trên thế giới hiện đang dính líu tới những cuộc chiến nóng dưới dạng này hay dạng khác.

Chiến tranh hiện đại cũng kéo dài và khó có kết cục ngã ngũ hơn so với quá khứ. Những cuộc xung đột ở Yemen và Syria chẳng hạn, đã diễn ra được 9 và 12 năm, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

"Gần như bất kỳ ai có hiểu biết kỹ thuật cơ bản ngày nay đều có thể cho phát nổ một quả bom từ xa, trong khi súng đạn đã chính xác hơn rất nhiều", Steve Killelea, người sáng lập và chủ tịch điều hành Viện Kinh tế học và Hòa bình (IEP) có trụ sở ở Úc, nói.

Không chỉ gây thiệt hại nhân mạng, chiến tranh còn dẫn tới những tổn thất của cải kinh hoàng. Báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu của IEP công bố năm 2023 cho thấy chiến tranh và xung đột đã khiến thế giới mất đi 17,5 nghìn tỉ đô la vào năm 2022.

Con số đó tương đương 12,9% GDP toàn cầu lẽ ra có thể đổ vào phát triển con người lại chuyển thành vũ khí, bom đạn, và hủy diệt. Với những nước bị tàn phá nặng nề nhất, như Ukraine, nền kinh tế gần như dừng lại, tổn thất GDP lên tới 63%, và không biết bao giờ mới có thể hồi phục.

Tất nhiên, nhiều công ty vũ khí cũng kiếm được tiền nhờ chiến tranh, nhưng lợi ích kinh tế của họ, xét tổng thể, không là gì so với phí tổn chiến tranh và quá trình vũ trang ồ ạt gây ra.

"Nếu tôi đóng một chiếc tàu sân bay, tôi có thể phải chi ra 20 tỉ đô la, và thêm 500 triệu đô la mỗi năm để vận hành", Killelea giải thích. "Điều tốt nhất có thể xảy ra với tôi là tôi sẽ không bao giờ phải dùng tới chiếc tàu sân bay đấy. Nhưng cũng tiền bạc đó lẽ ra có thể bỏ vào cho kinh doanh hay hệ thống y tế, nơi nó mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn cho nền kinh tế".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận