10/11/2023 16:52 GMT+7

Bạn đọc tranh luận về quy định 'Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe'

Quy định cấm tài xế có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi lái xe tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Lực lượng Công an Bình Dương và Cục Cảnh sát giao thông phát hiện hơn 900 lái xe vi phạm nồng độ cồn chỉ trong bốn ngày kiểm tra - Ảnh: T.D.

Lực lượng Công an Bình Dương và Cục Cảnh sát giao thông phát hiện hơn 900 lái xe vi phạm nồng độ cồn chỉ trong bốn ngày kiểm tra - Ảnh: T.D.

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được đưa ra trình bày tại buổi họp Quốc hội sáng 10-11. Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Lý do: Quy định như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại xe, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngược lại, một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

Bạn đọc Tuổi Trẻ Online có nhiều ý kiến tranh luận về quy định này.

Cần tham khảo các nước về quy định nồng độ cồn

Bạn đọc Minh cho hay: "Tôi là một người hoàn toàn không uống rượu bia và rất ghét những người uống rượu bia khi tham gia giao thông, cần phải phạt nặng hơn nữa. Nhưng việc cấm tuyệt đối (nồng độ cồn bằng không) là không hợp lý. 

Ví dụ, ăn một viên cơm rượu, một con tôm hấp bia, một con mực hấp rượu vang thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, nhưng nếu bị thổi nồng độ cồn, nếu cấm tuyệt đối, bạn đọc Minh băn khoăn khả năng vẫn có thể bị phạt.

Trong khi đó, không biết cơ quan quản lý đã thực hiện nghiên cứu nào về nồng độ cồn từ bao nhiêu là có ảnh hưởng đến ý thức người lái xe, chưa nói đến sai số thiết bị mặc nhiên phải có".

Cùng quan điểm, bạn đọc Lê Hiền Quân có ý kiến: Say đến mức không kiểm soát bản thân mà gây tai nạn là hành vi đáng lên án, nhưng nếu cấm tuyệt đối thì cứng nhắc và không thực tế. Vì có nhiều đồ ăn thức uống cũng có cồn như bia rượu. 

Để giảm thiểu tai nạn giao thông thì cách tốt nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục, tăng mạnh mức xử phạt và xử phạt công minh, duy trì thường xuyên rộng khắp. "Nên quy định nồng độ cồn cho phép ở mức tối thiểu, không nên tuyệt đối" - bạn đọc Anh Hoàng bình luận.

Còn theo bạn đọc NHL: "Cần phải xem xét và tham khảo quy định của các nước phát triển. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cả du lịch và xa hơn là phát sinh các tranh cãi không đáng có trong việc không uống bia nhưng vẫn có một chút cồn vì các thực phẩm khác.

Chúng ta cần có các báo cáo và phân tích khoa học dựa trên mức độ cồn cho phép. Tôi nghĩ nên tăng mức phạt, nhưng cần chấp nhận mức độ cồn tối thiểu, vậy mới khoa học và hợp lý. Ở một số nước phát triển, họ còn yêu cầu người lái xe thực hiện một số hành vi để chắc chắn ý thức tài xế bị ảnh hưởng nồng độ cồn".

Ủng hộ cấm người có nồng độ cồn lái xe

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến bạn đọc hoàn toàn ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe.

Bạn đọc Long cho rằng: "Tương lai tiến hẳn tới cấm tối đa chất cồn thì đúng hơn. Ủng hộ dự luật này, rất có ích cho xã hội. Đã lái xe thì nên học cách có trách nhiệm với xã hội trước rồi hẵng thỏa mãn cái thói vui của bản thân".

Nhấn mạnh đến tác hại của việc uống rượu bia rồi lái xe, bạn đọc Đoàn Hòa bày tỏ: "Lái xe mà uống rượu bia thì trong một lúc thiếu tỉnh táo dễ làm gia đình tan nát, vợ mất chồng, cha mất con... 

Dù hình phạt có nghiêm khắc cũng không thể giảm nỗi đau gia đình có người thân tử vong vì tai nạn giao thông do liên quan rượu bia".

Đồng tình, bạn đọc Vương Kiếm Đông dứt khoát: "Ủng hộ cấm tuyệt đối, có nồng độ cồn thì không được phép lái xe. Nồng độ cồn và mức độ ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của người lái xe còn tùy thuộc cơ địa mỗi người.

Cùng một nồng độ nhưng ở hai người khác nhau thì mức độ tỉnh táo có thể khác nhau. Vì vậy cấm tuyệt đối là phù hợp nhất để đảm bảo sự an toàn cho xã hội, hạn chế thương vong cho người vô tội".

Còn theo bạn đọc Thanh Lam: "Cấm uống rượu bia rồi lái xe là đúng, không nên du di, bởi thường người uống rượu bia không bao giờ biết dừng lại. Bao nhiêu mạng người nằm dưới bánh xe của kẻ vừa uống rượu xong lên lái xe".

"Đừng viện cớ phong tục tập quán mà bào chữa cho hành vi uống rượu bia được phép lái xe. Bạn có quyền uống và bạn có quyền đi xe ôm, taxi để về. Đừng đi ngược với ý thức pháp luật và văn minh thế giới" - bạn đọc Bực kết luận.

Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe, liệu quá nghiêm khắc?Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe, liệu quá nghiêm khắc?

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết có một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tài xế tuyệt đối không có nồng độ cồn trong máu, hơi thở vì quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên