23/04/2024 09:38 GMT+7

Bạo lực học đường, thầy cô cũng cần được 'chữa lành'

Thầy cô cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, với nhiều hình thức và ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau nên cũng cần được "chữa lành".

Phụ huynh vào trường tát cô giáo rồi đăng tải lên mạng xã hội - Ảnh cắt từ clip

Phụ huynh vào trường tát cô giáo rồi đăng tải lên mạng xã hội - Ảnh cắt từ clip

Xem như nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng

Bạo lực học đường mà giáo viên phải gánh chịu có thể ở hình thức ngôn từ, xuất phát từ cách nhìn nhận có phần lệch lạc, không đúng về bản chất của nghề giáo.

Điều này cũng bắt nguồn từ thực tế, khi có một sự cố giáo dục của một giáo viên bất kỳ, dư luận xã hội thường quy chụp tất cả vào nghề giáo nói chung. Lời lẽ phê phán cực đoan liên tục được đưa ra trên các diễn đàn thảo luận, lâu dần trở thành lối nhìn thiên kiến, thiếu khách quan.

Ở bối cảnh khác, viện lý do phải dành thời gian lo tài chính nuôi con, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng đẩy hết trách nhiệm giáo dục con cái lên vai các thầy cô.

Sự kỳ vọng đôi khi quá mức của phụ huynh đối với giáo viên khiến họ thản nhiên buông lời trách cứ, vội vàng kết tội giáo viên nếu xảy ra tình huống mà họ cảm thấy không hài lòng.

Mối quan hệ thầy trò ở nhiều nơi, thậm chí trở thành mối quan hệ nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng, dẫn đến lối hành xử không phù hợp chốn học đường.

Bạo lực ngôn từ khiến giáo viên cảm thấy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm bản thân và nghề nghiệp, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tinh thần. Không hiếm các giáo viên phải đối mặt với sự căng thẳng, lo âu, trầm cảm khi gặp các trường hợp phụ huynh, học sinh luôn có thái độ xem thường.

Nhiều phụ huynh tỏ ra cưng chiều con cái có phần thái quá. Tin tưởng con hoàn toàn mà không lắng nghe, không tìm hiểu câu chuyện từ hai chiều, cộng thêm sự nóng giận thiếu suy nghĩ trước sau. Đôi lúc kèm theo tính khí hung hăng, xem nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội, coi thường pháp luật, dẫn đến việc phụ huynh có hành động bạo lực bằng vũ lực đối với giáo viên dạy con mình.

Để rồi có trường hợp, nhìn vào gương xấu cha mẹ, học trò đã có hành động bạo lực với thầy cô của mình.

"Chữa lành" bằng cách nào?

Khi gặp phải các tình huống bị bạo lực học đường, giáo viên cần bình tâm, ghi nhận và báo cáo với các cấp quản lý để nhận được sự hỗ trợ. Giáo viên không nên tự mình giải quyết vì sẽ có thể khiến sự việc phức tạp hơn.

Các cấp quản lý khi nắm bắt sự việc, cần giải quyết thỏa đáng, công bằng, minh bạch. Sau đó, giáo viên cần được "chữa lành", giúp vượt qua các tác động tâm lý tiêu cực. Thậm chí, trong những trường hợp cần thiết, giáo viên cần được hỗ trợ về mặt pháp lý.

Cơ quan quản lý giáo dục cũng cần tổ chức thường xuyên các khóa tập huấn, cập nhật kiến thức kỹ năng về quản lý lớp, giao tiếp hiệu quả; giúp giáo viên có cách giải quyết xung đột, ứng xử với bạo lực học đường trong bối cảnh xã hội mới có nhiều biến đổi về văn hóa, hành vi văn hóa.

Đồng thời, cần cải tiến khung chương trình đào tạo sư phạm để kịp thời cập nhật các nội dung này trong quá trình đào tạo thế hệ giáo viên tương lai.

Ngoài ra, để phòng ngừa các tình huống bạo lực học đường có thể xảy ra đối với giáo viên, cần thiết lập các quy tắc, tăng cường giao tiếp hợp tác, tạo ra một môi trường học tập an toàn, thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng giữa các bên.

Cuối cùng, cần tăng cường nhận thức của phụ huynh nói riêng, xã hội nói chung về vai trò, vị thế của người thầy trong quá trình giáo dục con trẻ.

Ở chiều ngược lại, ngành giáo dục cũng cần nghiêm khắc chỉnh đốn những trường hợp thầy cô có ngôn từ, hành xử không đúng mực làm mất đi tình cảm, sự yêu thương quý mến của học trò và phụ huynh, ảnh hưởng đến uy tín của nghề giáo.

Vụ Vụ 'mẹ đến trường tát cô giáo': Phải chăng nhà giáo đang bị xem thường?

Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh câu chuyện "Con học lớp 1 bị cô giáo đánh, mẹ đến trường tát cô giáo". Trong đó, phần lớn đề nghị xử mạnh tay mới ngăn chặn được bạo lực học đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên