21/01/2020 10:40 GMT+7

Bắt đầu phiên tòa xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Luật sư của bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei, lập luận rằng nguyên tắc định tội danh kép (double criminality) là vấn đề trọng tâm của phiên tòa để quyết định liệu bà Mạnh có thể bị dẫn độ sang Mỹ hay không.

Bắt đầu phiên tòa xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei, rời phòng xử án tại Vancouver để nghỉ trưa trong ngày đầu tiên của phiên tòa xem xét dẫn độ ngày 20-1-2020 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, bà Mạnh (47 tuổi) ngày 20-1 đã đến một phòng xử án tại Vancouver vào ngày đầu tiên trong giai đoạn 1 của phiên tòa xem xét việc dẫn độ bà về Mỹ.

Luật sư bào chữa Richard Peck nói trước tòa rằng nguyên tắc định tội danh kép là trọng tâm của phiên tòa. "Trong trường hợp điển hình, nguyên tắc định tội danh kép không gây tranh cãi. Tuy nhiên, trường hợp này được thành lập dựa trên các cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà Canada rõ ràng không thừa nhận" - ông Richard nói thêm.

Theo Reuters, có hơn 150 người trong phòng xử án, gồm nhiều nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.

Giai đoạn 1 này sẽ kéo dài ít nhất 4 ngày trong khi Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi chính phủ Canada thả bà Mạnh ra ngay lập tức. Giai đoạn 2 của phiên tòa sẽ được mở vào tháng 6-2020 để tranh luận liệu quyết định bắt giữ bà Mạnh tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1-12-2018 có vi phạm quyền của bà hay không.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong giai đoạn 2008-2018, gần 90% số người bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ đã bị dẫn độ về Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết có thể phải mất nhiều năm trước khi có phán quyết cuối cùng của phiên tòa xét xử bà Mạnh bởi vì hệ thống tư pháp Canada cho phép kháng cáo nhiều quyết định của tòa.

Bắt đầu phiên tòa xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Ảnh 2.

Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà để đến phiên tòa xét xử ngày 20-1-2020 - Ảnh: REUTERS

Canada đã bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ hồi đầu tháng 12-2018. Bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại nhưng phải đeo vòng theo dõi điện tử và sống tại dinh thự của mình ở Vancouver trong suốt một năm qua khi chờ phiên tòa diễn ra.

Để được tự do, bà Mạnh và các luật sư của bà phải thuyết phục được thẩm phán rằng các cáo buộc của Mỹ nhằm vào bà là không phù hợp với luật pháp Canada và có động cơ chính trị.

Huawei nói trong một tuyên bố rằng tập đoàn này sẽ sát cánh cùng với bà Mạnh trong việc theo đuổi công lý và tự do. "Chúng tôi tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Canada, điều này sẽ chứng minh sự vô tội của bà Mạnh" - Huawei nói.

Trước đó, Mỹ cáo buộc bà Mạnh có hành vi lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei và chi nhánh tên Skycom tại Iran, đẩy HSBC vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Việc bắt giữ bà Mạnh đã đẩy Canada vào tình thế khó khăn khi bị kẹp giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Huawei là tập đoàn viễn thông hàng đầu tại Trung Quốc.

Nguyên tắc định tội danh kép là nguyên tắc đặc thù trong dẫn độ tội phạm được hầu hết các nước áp dụng. Đối tượng bị yêu cầu dẫn độ sẽ được dẫn độ khi hành vi của họ được định danh là hành vi tội phạm theo luật quốc gia của các nước yêu cầu và nước nhận được yêu cầu dẫn độ. Không đáp ứng được yêu cầu này, các quốc gia có quyền từ chối dẫn độ.

Trung Quốc nhắc lại yêu cầu Canada thả bà Mạnh Vãn Chu Trung Quốc nhắc lại yêu cầu Canada thả bà Mạnh Vãn Chu

TTO - Một ngày sau khi tuyên bố dừng nhập khẩu mọi sản phẩm thịt từ Canada, chính quyền Trung Quốc nhắc lại yêu cầu Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính toàn cầu của Tập đoàn Huawei.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên