25/11/2014 12:39 GMT+7

Bị áp thuế bán phá giá: Chủ động kiện để tự vệ

TRẦN MẠNH thực hiện
TRẦN MẠNH thực hiện

TT -  Xung quanh vấn đề bị áp thuế bán phá giá, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN.

Bị áp thuế bán phá giá: Chủ động kiện để tự vệ

Với hai lần liên tiếp kết luận Mỹ đã áp dụng các biện pháp không đúng trong cách tính thuế chống bán phá giá với tôm VN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy các nước nhỏ hoàn toàn có thể chiến thắng các mức thuế chống bán phá giá vô lý mà các nước nhập khẩu đưa ra.

Ông Trương Đình Hòe - Ảnh: T.MẠNH
Đối với những ngành có nguy cơ bị kiện bán phá giá, các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau phân tích về nguy cơ sẽ bị kiện chống bán phá giá để tìm cách đối phó chứ không đợi đến khi bị kiện mới tiến hành

Ông Trương Đình Hòe

Ông Hòe cho biết:

- Phán quyết mà WTO đưa ra hôm 17-11 không phải là lần đầu tiên VN thắng kiện Mỹ tại WTO. Trước đó, tháng 7-2011, WTO cũng ra phán quyết với nội dung tương tự trong vụ kiện của VN khởi xướng vào đầu năm 2010 với cách tính thuế chống bán phá giá vô lý mà Mỹ áp dụng với tôm VN.

Theo đó, WTO ủng hộ khiếu kiện của VN về phương pháp “quy về 0” mà Mỹ áp dụng trong các điều tra rà soát hành chính. Ban hội thẩm WTO kết luận phương pháp này của Mỹ (áp dụng trong các rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm VN) là vi phạm điều 2.4 và 9.3 Hiệp định về chống bán phá giá của WTO.

Kết luận này phù hợp với kết luận trong nhiều tranh chấp trước đây của WTO về vấn đề tương tự. Theo phán quyết này, Mỹ phải bỏ cách tính “quy về 0” trong các đợt xem xét thuế chống bán phá giá với tôm của VN.

Nhưng đáng tiếc là phán quyết của WTO lại đưa ra vào tháng 7-2011, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có mức thuế chống bán phá giá với tôm VN trong POR4 (năm 2010) và trong giai đoạn này DOC vẫn còn áp dụng phương pháp “quy về 0” nên tôm VN đã phải chịu thuế từ 2,95-4,89%.

Từ các đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR5) trở về sau, Mỹ đã bỏ cách tính “quy về 0” theo quy định của WTO.

Như vậy, với kết quả mà ban hội thẩm WTO đưa ra ngày 17-11 vừa qua, nhiều khả năng thuế chống bán phá giá trong giai đoạn POR4 đối với tôm của VN sẽ quy về 0 như hai lần trước đó, và như vậy không có lý do gì để Mỹ có thể tiếp tục kiện VN bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ.

* Phán quyết này của WTO sẽ tác động thế nào đến xuất khẩu tôm của VN vào Mỹ, thưa ông?

- Sẽ chưa có tác động ngay vì các bên còn kháng cáo. Đầu tiên, Hoa Kỳ sẽ có 60 ngày để kháng cáo lên ban phúc thẩm của WTO. Ngoài ra, VN có thể cũng kháng cáo vì vẫn còn 4/11 nội dung mà phía VN kiện Mỹ có kết quả không thuận lợi. Ban phúc thẩm của WTO sẽ xem xét trong 60 ngày nữa để đưa ra kết luận cuối cùng.

Nếu phán quyết của ban hội thẩm WTO tiếp tục có lợi cho VN, phải đợi kết quả thực thi từ phía Mỹ. Bản thân WTO là một định chế mang tính chất thỏa thuận, cam kết. Nếu vấn đề thay đổi của Mỹ liên quan đến sửa luật thì phải đợi thời gian để Quốc hội Mỹ sửa các luật liên quan.

* Vậy theo ông, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần làm gì để chủ động trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy ra trong thời gian tới?

- Hai vụ kiện thành công của VN trước Mỹ đều trong ngành hàng tôm là do cách tính “quy về 0” của Mỹ không phù hợp với các quy định của WTO. Trước VN, đã có nhiều nước kiện Mỹ về nội dung này và đã thành công.

Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp sẽ phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá không chỉ xảy ra với các mặt hàng thủy sản mà còn ở các mặt hàng khác, không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều thị trường khác.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp hay hiệp hội không phải là người khởi xướng vụ kiện mà Chính phủ phải đứng ra kiện, đưa vụ việc ra WTO để giải quyết tranh chấp.

Với các vụ kiện đã khởi xướng thời gian qua, VN đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với các bên và luật sư, cũng như trong chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tiến hành khởi kiện tương tự.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp và hiệp hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ khi xảy ra vụ kiện và còn ở việc có thể phòng tránh các vụ kiện chống bán phá giá. 

* Ngoài biện pháp khởi kiện, có nên định hướng giá xuất khẩu ở mức hợp lý nhằm tránh cho các doanh nghiệp rơi vào tình huống bị kiện bán phá giá?

- Biện pháp này rất khó thực hiện vì không thể có đồng thuận trong giá bán. Mỗi doanh nghiệp có một lợi thế khác nhau nên giá thành sản xuất khác nhau. Họ hoạt động theo Luật doanh nghiệp và phương châm thu lợi nhuận, không lỗ là được.

Nếu Nhà nước cho rằng giá bán của một sản phẩm nào đó là quá thấp so với thực tế thì có thể điều chỉnh bằng cách tính đúng, tính đủ tất cả chi phí sản xuất vào giá thành.

Ví dụ với con cá tra, nếu Nhà nước cho rằng giá cá tra hiện nay quá rẻ thì có thể đưa ra các mức phí về tài nguyên, môi trường vào giá thành.

Mức phí này sẽ thu của người nuôi hoặc người xuất khẩu và được dùng để hỗ trợ sản xuất. Khi giá thành cao lên thì giá xuất khẩu cũng tăng lên.

Doanh nghiệp cá tra chấp nhận thuế chống bán phá giá

Ngày 14-11 vừa qua, Mỹ đã phán quyết áp thuế chống bán phá giá với cá tra VN trong ít nhất năm năm nữa. Nguyên nhân một phần do trong quá trình rà soát của Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu VN không tham gia đưa ra bằng chứng, số liệu chứng minh mình không bán phá giá.

Theo ông Trương Đình Hòe, cá tra và tôm không giống nhau nên không thể áp dụng cùng một biện pháp là kiện Mỹ ra WTO. Bởi trong các tính toán biên độ bán phá giá của DOC với cá tra, Mỹ không áp dụng biện pháp “quy về 0”.

Ngoài ra, chúng ta không có khả năng chứng minh với Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (một trong hai cơ quan thực hiện đợt xem xét hoàng hôn - xem xét cuối kỳ - của Mỹ, cùng với DOC) rằng cá tra VN xuất khẩu vào Mỹ không gây thiệt hại hoặc không có khả năng gây thiệt hại cho ngành công nghiệp nội địa của họ... 

Việt Nam sẽ kiện Indonesia ra WTO?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Đức Khải - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) - cho biết đang chờ các ý kiến phản hồi sau khi VSA gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ cùng các bộ: Ngoại giao, Công thương, Tài chính và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) kiến nghị Chính phủ khởi kiện Indonesia về việc giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO.

Một cán bộ có thẩm quyền của Phòng xử lý các vụ kiện phòng vệ nước ngoài (VCA - Bộ Công thương) cũng cho hay vụ việc vẫn đang trong giai đoạn tham vấn các bên liên quan, “và vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng là Chính phủ có đồng ý khởi kiện hay không”.

Trước đó, ngày 24-10-2014, VSA có công văn gửi các cấp nêu trên, đề cập đến việc Chính phủ Indonesia vi phạm các quy định của WTO trong vụ việc điều tra tự vệ sản phẩm tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh, mã HS 7210.61.11.00, khổ rộng trên 0,6m), sau khi Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI) ban hành mức thuế tự vệ cuối cùng đối với sản phẩm nói trên nhập khẩu từ VN lên tới 150% so với giá bán trong năm đầu tiên (khoảng 430 USD/tấn), và còn khoảng 139% trong năm thứ ba (tương ứng 312 USD/tấn).

Về động thái của KPPI, đại diện luật sư của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, doanh nghiệp đang xuất khẩu tôn lạnh lớn nhất hiện nay và bị ảnh hưởng không nhỏ từ kết luận của KPPI, cho rằng: “Indonesia đã vi phạm quy trình thủ tục liên quan đến quyền được thông tin và tham vấn của nguyên đơn trong quá trình điều tra”.

Theo ông Chu Đức Khải, chính Tôn Hoa Sen đã chủ động thu thập thông tin gửi cho VSA và VSA đã có các buổi làm việc cần thiết với VCA lẫn Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC - VCCI), từ đó thống nhất đi đến kết luận: có thể cân nhắc kiện Indonesia lên WTO do đã vi phạm về thủ tục công khai thông tin và quyền bình luận của các bên liên quan, cũng như vi phạm về các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ.

Đánh giá về khả năng liệu có thắng kiện hay không, một chuyên viên của TRC cho rằng “khả năng thắng kiện là tương đối lớn”. Theo vị này, nếu VN đồng ý khởi kiện không chỉ giúp ngành tôn mạ VN ngăn chặn nguy cơ các vụ điều tra sắp tới từ chính thị trường Indonesia, mà còn từ các thị trường xuất khẩu khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Úc...

Chưa kể, đối với các ngành sản xuất xuất khẩu khác, Indonesia hiện là nước sử dụng biện pháp tự vệ nhiều nhất, nên khả năng quốc gia này sẽ tiến hành nhiều vụ điều tra tự vệ tương tự khác đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu là rất cao.

“Một vụ kiện ra WTO liên quan tới điều tra tự vệ của Indonesia, dù thành công hay không, có thể giảm bớt nguy cơ Indonesia lạm dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu, từ đó giúp giữ cánh cửa vào thị trường này cho nhiều loại hàng hóa của VN hiện tại và trong tương lai” - một thành viên của TRC nhận định.

Đặc biệt, đây cũng như một thông điệp của Chính phủ VN sẵn sàng ủng hộ tích cực quyền lợi của các nhà xuất khẩu của VN trước các vi phạm trong hoạt động tự vệ thương mại của các nước nhập khẩu, vốn đang có xu hướng gia tăng rất mạnh trong thời gian qua.

TRẦN VŨ NGHI

 

TRẦN MẠNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên