05/07/2023 10:23 GMT+7

Bị cho thôi việc, tổng giám đốc Pacific Gas kiện công ty ra tòa

Cho rằng hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Gas) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên tổng giám đốc của công ty này, khởi kiện ra tòa.

Dự kiến, ngày 7-7, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Tùng kiện Công ty Xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Gas) ra tòa, vì công ty đơn phương "sa thải" ông. 

Thời điểm bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng, ông Tùng giữ chức vụ tổng giám đốc. Vụ kiện này được Tòa án nhân dân TP Thủ Đức xét xử sơ thẩm đầu tháng 1-2023.

Bị "sa thải" khi đang làm tổng giám đốc Pacific Gas

Theo bản án sơ thẩm, tháng 1-2020, ông Katsumi Kajiwara (chủ tịch hội đồng quản trị công ty) thay mặt hội đồng quản trị Pacific Gas ký kết hợp đồng lao động với ông Nguyễn Thanh Tùng với chức danh tổng giám đốc, mức lương 300 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên đơn vụ kiện - Ảnh: H.N.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên đơn vụ kiện - Ảnh: H.N.

Nội dung bản hợp đồng thể hiện ông Tùng làm việc tại công ty với chức danh chuyên môn là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Thời hạn của hợp đồng là ba năm, đồng nghĩa ông Tùng sẽ giữ chức tổng giám đốc đến tháng 1-2023.

Tuy nhiên, theo đơn khởi kiện, ngày 23-2-2021, tại cuộc họp hội đồng quản trị, ông Masataka Murakami cùng 20 người đã dùng áp lực và ép buộc ông Tùng phải giao con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh và bàn giao lại hồ sơ, các phòng ban của công ty. Sau đó ông Tùng không được vào công ty để làm việc.

Cùng ngày trên, phía công ty cũng ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng.

Theo ông Tùng, việc làm của ông Masataka Murakami là vi phạm quy định pháp luật về lao động, vi phạm hợp đồng lao động đã ký. Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật.

Do đó, ông Tùng khởi kiện đề nghị tòa án tuyên quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Pacific Gas là trái quy định pháp luật, buộc công ty nhận ông trở lại làm việc như hợp đồng lao động đã giao kết… kèm việc trả lương và các khoản liên quan đến hợp đồng lao động.

Tòa sơ thẩm: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án được mở hồi tháng 1-2023, hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng lao động giữa công ty ký với ông Tùng không có nội dung trái quy định pháp luật. Do đó hợp đồng này có hiệu lực ràng buộc các bên thực hiện.

Để bảo vệ quan điểm của mình, phía bị đơn cung cấp biên bản cuộc họp hội đồng quản trị sa thải ông Tùng được thực hiện ngày 23-2-2021. 

Theo đánh giá của hội đồng xét xử tòa sơ thẩm thì cuộc họp này có nhiều nội dung nhưng không có nội dung thể hiện việc ông Tùng đồng ý thỏa thuận với công ty để chấm dứt hợp đồng lao động. 

Do đó quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty với ông Tùng căn cứ vào kết quả cuộc họp này là "không có căn cứ".

Hội đồng xét xử nhận định hợp đồng lao động giữa ông Tùng và công ty là một hợp đồng vừa phải tuân thủ các quy định của điều lệ, Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động. 

Công ty mới chỉ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp về việc bãi nhiệm ông Tùng khỏi chức danh tổng giám đốc, chứ chưa thực hiện việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Từ các nhận định trên, hội đồng xét xử xác định việc Pacific Gas ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Thanh Tùng thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Tòa sơ thẩm tuyên buộc công ty phải nhận ông Nguyễn Thanh Tùng trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn thỏa thuận.

Ngoài ra, hội đồng xét xử cũng cho rằng do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nên việc ông Tùng yêu cầu phía công ty phải thanh toán các khoản lương theo yêu cầu của ông Tùng là phù hợp quy định pháp lật.

Do đó, tòa tuyên buộc công ty phải trả cho ông Tùng các khoản tổng số tiền là hơn 5,4 tỉ. 

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, do cả hai bên cùng kháng cáo nên TAND TP.HCM đã mở  phiên phúc thẩm vào ngày 15-6, dự kiến tuyên án vào ngày  26-6. Tuy nhiên, sau đó  tòa  lại  lùi ngày mở lại phiên phúc thẩm vào  7-7.

Công ty Pacific Gas cũng có đơn phản tố

Ngoài nội dung ông Tùng khởi kiện công ty vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thì phía công ty cũng có đơn phản tố đối với ông Tùng.

Theo nội dung đơn phản tố và trình bày của bị đơn tại phiên tòa thì lý do công ty sa thải vì ông Tùng tự nâng lương cho mình, để đối tác nợ gây thiệt hại cho công ty.

Sau khi xem xét, đánh giá các chứng cứ theo nội dung phản tố thì bản án sơ thẩm cũng tuyên buộc ông Tùng phải trả lại cho công ty số tiền 615 triệu đồng tiền thưởng cuối năm và 1,35 tỉ đồng tiền chênh lệch lương đã nhận trong thời gian làm việc.

Tòa bác yêu cầu khởi kiện "cưỡng chế xét nghiệm" ở Bình DươngTòa bác yêu cầu khởi kiện 'cưỡng chế xét nghiệm' ở Bình Dương

Bà Phương Lan, người bị phường phá khóa căn hộ và cưỡng chế xét nghiệm COVID-19, nói sẽ kháng cáo sau khi bị tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên