15/04/2013 09:30 GMT+7

Bỏ mạng xứ người

L.GIANG - Q.NAM - Đ.DỤC
L.GIANG - Q.NAM - Đ.DỤC

TT - Có lẽ không làng trầm nào có người xuất ngoại mà lại không có người bỏ thây nơi đất khách. Theo số liệu thống kê từ UBND xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), chỉ trong hai năm trở lại đây đã có 16 phu trầm của làng Trúc Ly bỏ mạng khi đi tìm trầm ở nước ngoài. Chủ yếu trong số đó bị chết ở Thái Lan.

Kỳ 1: Vừa thoát chết, vẫn quay lại rừng Kỳ 2: Phu trầm “xuất ngoại”

lyvgViZx.jpgPhóng to
Bé Hồng, con gái đầu lòng của anh Quốc, thắp hương cho người cha xấu số. Anh bị bắn chết khi đi tìm trầm trong rừng Thái Lan - Ảnh: QUỐC NAM

Cả làng có hộ chiếu “du lịch”

Làng thuần nông, nhưng Trúc Ly có điều độc đáo: gần 90% số hộ trong làng có hộ chiếu đi... du lịch nước ngoài, thậm chí nhiều hộ có người đi du lịch nước ngoài quanh năm. Cầm hộ chiếu du lịch đi nước ngoài với người khác là niềm hứng khởi của sự khám phá, nhưng với đàn ông và thanh niên Trúc Ly lại phải đối mặt với những cái chết bất thường và những năm tháng bị cầm tù.

Ông Phạm Hậu, một người dân Trúc Ly, kể chuyện đi “du lịch” đầy đắng đót: “Làm hộ chiếu đi nước ngoài là chui vô rừng các nước tìm trầm, mưu sinh là chính chứ du lịch du liệc chi chú ơi. Có rứa mới nguy hiểm, mới bị chết, bị cầm tù”. Ông Hậu có thâm niên hơn 30 năm đi tìm trầm. Rừng Việt Nam, Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan... ông lội cả rồi. Mỗi lần đi tìm trầm ở các nước là mỗi lần đối mặt với chết chóc, còn hiểm nguy hơn cả trong chiến tranh.

Thợ tìm trầm vốn chỉ xuất ngoại bằng cách làm hộ chiếu du lịch qua các nước trong khối ASEAN với thời hạn một tháng. Đã chui vào rừng tìm trầm thì không ai còn quan tâm đến giới hạn quy định nên người nào cũng trở thành “người nhập lậu”, trong khi thời gian tìm trầm với các phu trầm là dài... quanh năm. Khi bị cảnh sát địa phương hay người dân bản địa bắt gặp trong rừng phải cố mà thoát (nếu may mắn thoát được), nếu không sẽ bị bắn chết, đôi khi bị đánh đập đến tàn thân, hên lắm là bị bắt giam. Sau đó “chịu khó” ngồi tù chờ người nhà gửi tiền đóng phạt (thường là vài chục triệu đồng/người) và chờ ngày “được” trục xuất về quê. Người đi tìm trầm ở Trúc Ly không thể đếm hết số lần họ bị trấn lột, đánh đập ở nước ngoài khi... đi du lịch. “Thấy mình trong rừng, thích là họ bắn mình ngay, như bắn con chim con cò trên rừng. Đã chấp nhận đi tìm trầm trong rừng là không nghĩ đến luật pháp nữa. Chỉ có... luật rừng thôi” - ông Hậu nói.

Đi tìm trầm, không có trầm thì buồn. Nhưng nếu tìm được mà không may mắn thì càng... khổ hơn vì sẽ phải đối mặt với bọn cướp giết để chiếm đoạt hàng. Muốn đưa hàng ra khỏi rừng thì chỉ có cách duy nhất là cắt rừng, chui lủi trong rừng mà trốn, đừng cho ai biết. Ông Hậu đã không ít lần bị trấn lột, bị bắt giam khi ở nước ngoài. “Vậy nhưng mỗi chuyến đi về cũng chỉ đưa cho vợ con được hơn chục triệu đồng. Tìm trầm không phải lúc mô cũng có, với nhiều người thường là may ít rủi nhiều” - ông Hậu buồn bã cho biết. Quá ám ảnh với cái chết của người đi trầm trong làng, nay ông Hậu ở nhà làm đồ chế tác từ cây trầm dó cho người khác.

Chủ tịch xã Võ Ninh, ông Lê Thanh Hải, nói với chúng tôi rằng Trúc Ly trước đây vốn làm nghề chài lưới, cuộc sống bấp bênh. Nhưng từ khi theo nghề trầm, cuộc sống nhiều nhà thay đổi hẳn. Có nhà thành “đại gia” trong vùng. “Nhìn thì cũng vui đó, nhưng mà đau lòng không ít.Chấp nhận xuất ngoại tìm trầm là chấp nhận đổi mạng. Người dân Trúc Ly đã đổi mạng không ít để được những cơ ngơi như thế này...” - ông Hải ngậm ngùi!

Đổi mạng vì trầm

Người dân Trúc Ly cho biết từ ngày theo nghiệp làm trầm đến nay, cả làng đã có gần 50 người chết, riêng hai năm qua có 16 người chết ở xứ người. Nhiều kiểu chết: bị bắn, đá lăn nát người, hổ gấu cấu xé, cây đổ... Mới nhất là trong năm 2012, vào đầu năm có hai người, đến tháng 8 lại hai người nữa bị bắn chết ở Thái Lan.

Người chết, toàn bộ số trầm tìm được bằng mồ hôi nước mắt và cả máu cũng bị cướp mất. Sau những cái chết đó là gia cảnh nợ nần, nghèo túng, vợ góa con côi rất đau lòng.

Hai năm qua, con số 16 phu trầm của làng Trúc Ly bỏ mạng khi đi tìm trầm ở nước ngoài quả là một thảm họa, nhưng hình như dân đi trầm trong làng chưa ai thấy vậy mà chùn bước.

Mới một năm trước, anh Bùi Văn Quốc (sinh năm 1976) và anh Nguyễn Văn Triền (sinh năm 1982) theo hội tìm trầm qua Thái Lan. Chưa được bao lâu thì gia đình nhận tin hai anh em bị bắn chết khi đang ở trong lán giữa rừng. Nửa năm sau, một nhóm tìm trầm khác trong làng vừa qua Thái được mấy ngày cũng bị bắn. Hai người trong số đó bỏ mạng. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà anh Quốc vừa mới xây xong chỉ còn bóng dáng phụ nữ và trẻ con. Bàn thờ anh vẫn còn mới toanh. Bà Đặng Thị Giỏ, 70 tuổi, mẹ anh Quốc, nói như nghẹn: “Nó đi làm thợ hồ lâu nay không sao. Muốn đổi đời nhanh nên theo chúng bạn đi Thái Lan tìm trầm, mới chuyến đầu thì bị nạn”. Chị Nguyễn Thị Lựu, vợ anh, mới 28 tuổi đã phải góa chồng. Hai đứa con nhỏ cứ bám lấy mẹ làm nũng. Chị kể khi nghe tin chồng bị bắn mà đứng không vững. Nhìn hai đứa con nheo nhóc càng như muốn khuỵu xuống.

Anh Bùi Văn Quân, người được ủy thác đi qua Thái Lan đưa thi thể anh Quốc về, kể khi qua đến nơi thì chính quyền Thái Lan đã làm việc với sứ quán Việt Nam tại đó rồi. “Tui chỉ kịp nhìn anh Quốc trong chốc lát tại bệnh viện, sau đó nhanh chóng làm thủ tục nhận xác đưa về quê an táng”. Khi ra về, phía đại diện nước bạn còn níu anh lại nói: “Về nói dân làng đừng qua đây tìm trầm nữa. Luật Thái Lan rất nghiêm và sẽ trừng trị thẳng tay”. Về, anh kể lại chuyện với những phu trầm, họ chỉ nghe và ậm ừ. Vài ngày sau anh lại thấy nhóm phu trầm xách gùi thẳng hướng Thái Lan mà tiến.

Anh Tình, một phu trầm Thái Lan đã giải nghệ ở Trúc Ly, nói qua Thái Lan tìm trầm là nơi nguy hiểm và dễ mất mạng nhất, bởi ở đây chỉ cần bỏ chạy là người ta sẽ nổ súng ngay. Đó là lý do khiến người Trúc Ly bỏ mạng nhiều.

Chiều xuống, làng Trúc Ly càng buồn hơn. Hàng chục phụ nữ bồng con nhỏ ra đứng ở mép đường trò chuyện với nhau cho bớt cái cô quạnh trong nhà vắng đàn ông. Từ đầu đường, bà Phạm Thị Chuyên (62 tuổi) kéo chiếc xe ba gác đi dọc con đường. Cứ thấy chai lọ nào vứt ra là bà lại cúi xuống lượm. Từ hơn năm nay xe ve chai của bà còn nặng hơn bởi một tay bà phải vật lộn nuôi con, nuôi cháu. Chồng bà, ông Lê Văn Tuấn (68 tuổi) và con rể Phạm Văn Dũng (sinh năm 1986) hiện đang bị cầm tù tại Thái Lan. Ông Tuấn và Dũng bị bắt nửa năm trước khi đang đi trầm. Cùng đi với hai cha con có hai người khác. Và hai người đó bỏ chạy nên đã bị bắn chết ngay tại rừng, hai cha con không chạy nên bị chính quyền Thái Lan bắt tù vì tội phá rừng. Bà Chuyên thở dài:”Nghe người ta nói khi được thả về cũng phải mất mấy chục triệu tiền chi phí. Không biết tui phải bán bao nhiêu ve chai nữa mới đủ tiền đưa chồng con về khi mãn hạn tù...”.

_______________

Kỳ tới: Trấn cướp nơi biên ải

Nếu phu trầm xuất ngoại luôn đối đầu với cái chết hay tù tội rình rập thì những phu trầm “nội địa” trên tuyến biên giới Việt - Lào luôn ám ảnh với sự trấn cướp mà cái chết của năm phu trầm tại vùng rừng Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa qua là một điển hình. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người thoát về từ họng súng của kẻ cướp nơi rừng sâu biên giới

L.GIANG - Q.NAM - Đ.DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên