Bỏ phố về lại vườn thôi

NGỌC HẠNH ghi 29/10/2015 02:10 GMT+7

TTCT - Tui sinh ra đã nhìn thấy cỏ cây, ruộng vườn rồi. Gia đình tui làm nông đã mấy đời, đến đời chị em tui tưởng đã bỏ luôn cái nghề dãi nắng dầm sương này rồi chứ!

Chị Trần Thị Kim Liên, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, Bình Dương-N.H.
Chị Trần Thị Kim Liên, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, Bình Dương-N.H.

Hồi mười tám, ba má cho tui ra thành phố học may, ra nghề rồi tui làm việc luôn ở đó. Đến lượt hai người em tui đứa đi học sư phạm, đứa vô xí nghiệp làm. Nhà có ba chị em rủ nhau đi hết, bỏ hai ông bà già ở nhà thui thủi với nhau.

Dạo đó, mươi bữa nửa tháng tui về thăm nhà một lần. Mỗi lần về nhìn thấy cảnh ruộng vườn bỏ hoang, cỏ mọc linh láng mà lòng dạ xốn xang quá, rồi nghĩ thấy như mình phụ bạc cái nơi đã nuôi mình lớn lên. Tui cảm giác như mình có lỗi nên mỗi lần quay lên thành phố là tâm can tôi cứ ray rứt thế nào. Cứ luẩn quẩn với bấy nhiêu suy nghĩ không dứt được nên tôi thu xếp rồi quyết định phải bỏ phố về lại vườn thôi...

Mấy loại rau màu tui hay trồng là khổ qua, mướp hương, bí đao, cà nâu, cà pháo... Phải trải qua nhiều công đoạn vất vả lắm mới có trái để thu hái. Tui trồng trọt nhưng rất cân nhắc việc mỗi khi cần phải phun, xịt cho rau màu.

Tui cứ gieo trồng và chăm sóc tự nhiên vậy thôi, họa hoằn lắm mới phải phun thuốc trừ sâu chứ nếu không thì rầy, bọ sẽ phá hết mùa màng. Tui tuyệt đối không dùng thuốc kích thích cho hoa màu mau ra trái hay cho tốt trái, sai trái. Tui trồng bán thứ gì thì ăn thứ đó, không có chuyện trồng một khoảnh để dành riêng cho mình đâu.

Sức khỏe người khác cũng như là sức khỏe của mình mà. Những người sống bằng nghề nông bản chất vốn thật thà, thiệt bụng lắm! Tui nghĩ cũng có một số người vì muốn mau thu lợi nhuận nên có lạm dụng các loại thuốc kích thích mau ra trái, cho trái to, trái đẹp... Ở đâu thì tui hổng biết, chứ xứ này chắc không mấy ai làm vậy đâu...

Hồi thời ba má tui, trồng đến hồi có trái thì hái mang ra chợ bán. Thời đó người trồng được quyết định giá bán. Còn bây giờ đến ngày thu hoạch có thương lái mang xe đến tận vườn mua. Khổ nỗi là họ đưa ra giá nào thì phải bán theo giá đó chứ người trồng không ai được định giá bán.

Hôm nay họ trả giá này, mai họ trả giá khác, lên xuống là do họ quyết thôi. Trồng trọt ai cũng mong được trúng mùa, ngặt nỗi thứ gì trúng mùa thì thứ đó lại bị trả giá rẻ bèo. Mấy thứ tui trồng bình thường họ mua chỉ năm, sáu ngàn một ký, vậy mà có những lúc xuống chỉ còn hai ngàn đồng.

Bán rẻ như cho cũng phải hái bán... Nhiều khi vừa hái vừa ứa nước mắt vì nghĩ nghề nông thời này sao mà nghiệt ngã...

Tui chỉ ước cách nào cho những người làm nghề nông như tụi tui được quyền đưa ra giá bán các loại nông sản mà mình làm ra và được đến thẳng tay người tiêu dùng. Tui còn ước một cái điểm thu mua nông sản, có hệ thống làm lạnh gần mấy vùng trồng trọt để đến ngày thu hoạch bà con nông dân có chỗ tập trung hàng, như vậy mới không bị ép giá mà người tiêu dùng có thể đến đó mua trực tiếp...

Vợ chồng nhỏ em tui làm xí nghiệp bên Khu công nghiệp Mỹ Phước, ở nhà trọ một thời gian, ngán quá giờ cũng quay về nhà rồi. Lương làm xí nghiệp của tụi nó mỗi tháng hơn chục triệu đồng, giờ về vỡ đất trồng trọt cũng chẳng khá hơn.

Được cái là sống ở nhà mình, không phải cảnh nhà trọ tạm bợ, không phải làm tăng ca. Hai đứa tụi nó nằm trong số hiếm hoi những người trẻ chịu quay về chuyện đồng áng, chứ người trẻ ở đây lớn lên là rủ nhau lên thành phố hoặc vào mấy khu công nghiệp làm, chẳng có đứa nào chịu làm cái công việc mà suốt ngày cứ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời này đâu...

Khổ qua này là tui hái phụ nhỏ em tui, chứ mấy giàn mướp hương của tui hôm trời mưa bão bị đánh sập hết rồi. Tui phụ nó thu hoạch xong vụ khổ qua này rồi nó sẽ phụ tui bắc lại mấy cái giàn. Đợt này tui không trồng mướp hương nữa mà sẽ trồng bí đao. Chị em tui thường hay làm vần công qua lại với nhau. Cái nghề nông này chủ yếu lấy công làm lời mà...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận