24/01/2024 13:44 GMT+7

Buồn, lo già hóa dân số: Nhiều người 60, 70 tuổi phải ra đường kiếm sống

Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người cao tuổi.

Người cao tuổi đi du lịch cùng con cháu - Ảnh: T.T.D.

Người cao tuổi đi du lịch cùng con cháu - Ảnh: T.T.D.

Từ năm 2024, TP.HCM sẽ triển khai khám sức khỏe cho tất cả người trên 60 tuổi. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã cho biết như vậy tại hội thảo "Thích ứng già hóa dân số tại TP.HCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" được tổ chức vào ngày 23-1 tại TP.HCM.

Còn theo ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra với tốc độ rất nhanh. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Trong ba thập niên từ năm 1979 đến năm 2009, số người dân trên 60 tuổi tăng 0,06%/năm. Trong khi chỉ riêng hai năm 2019-2021, dân số Việt Nam tăng thêm 2,07 triệu người, cùng lúc số người trên 60 tuổi cũng tăng thêm 1,7 triệu người, trung bình tăng 0,5%.

Theo số liệu thu thập từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an tính đến hết ngày 9-2-2022, số người trên 60 tuổi của nước ta là 16.179.824 người.

Thời gian chuyển đổi từ "già hóa dân số" sang "dân số già" tại Việt Nam ngắn hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Dự báo năm 2036 Việt Nam sẽ có dân số già và năm 2069 dân số sẽ rất già.

Riêng tại TP.HCM, số người cao tuổi đang tăng rất nhanh về số lượng, bắt đầu tăng từ năm 2017. Theo số liệu thu thập từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an tính đến hết ngày 1-12-2023, TP.HCM có 1.338.680 người trên 60 tuổi, chiếm tỉ lệ 12,24% trên tổng số dân số.

"Một điều đau buồn hiện nay là còn nhiều người 60, 70 tuổi phải ra đường buôn bán" - ông Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP, nêu thực trạng. Đa số người cao tuổi nhận mức lương hưu thấp. Tỉ lệ người cao tuổi không được hưởng bảo hiểm xã hội, không được nhận trợ giúp xã hội còn cao và có xu thế tăng dần.

Cũng theo ông Thành, hiện nay loại hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình chiếm 99,5%. Tuy nhiên, nguồn lực chăm sóc của gia đình có chiều hướng suy giảm. Do vậy, trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi từ gia đình sẽ chuyển dần sang xã hội.

Ông Thành cho rằng với tốc độ già hóa nhanh như hiện nay, TP.HCM cần có một chương trình hành động cụ thể.

Trước thực trạng này, bà Nguyễn Quang Việt Ngân, phó khoa địa lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng một trong những giải pháp toàn diện cho vấn đề già hóa dân số chính là lựa chọn một số tiêu chí để hướng tới xây dựng cộng đồng và thành phố thân thiện với người cao tuổi.

Theo bà Việt Ngân, nên thiết kế quy hoạch về không gian phù hợp cho người cao tuổi, phát triển hệ thống nhà dưỡng lão và các cơ sở bảo trợ xã hội, hạ tầng giao thông dành cho người cao tuổi, hỗ trợ cộng đồng và dịch vụ y tế...

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc giúp Việt Nam giải quyết tình trạng Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc giúp Việt Nam giải quyết tình trạng 'già hóa dân số'

TTO - Ngày 25-8, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) đã ký thỏa thuận quan hệ đối tác mới để giải quyết tình trạng già hóa dân số và các vấn đề về dân số lớn khác tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên