20/08/2023 14:22 GMT+7

Cách người Nhật lập bản đồ phòng chống thiên tai

Là một trong những nước thường phải gánh chịu thiên tai như động đất, núi lửa, mưa bão, lũ quét và sạt lở đất, Nhật Bản đã cố gắng phát triển các công cụ dự báo để giảm tối đa thiệt hại, một trong số đó là bản đồ phòng chống thiên tai.

Cổng thông tin bản đồ nguy cơ của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản

Cổng thông tin bản đồ nguy cơ của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản

Theo Viện Địa lý đất đai quốc gia, Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) trong những năm gần đây, các thảm họa quy mô lớn như núi lửa phun trào tại Shinmoedake và mưa lớn ở phía bắc Kyushu thường xuyên xảy ra.

Việc chuẩn bị các bản đồ nguy cơ đã trở thành vấn đề cấp bách, như là một phần của các biện pháp phòng chống thiên tai và quản lý khủng hoảng.

Lợi ích của bản đồ nguy cơ

"Bản đồ nguy cơ" (Harzard Map) thường được định nghĩa là bản đồ hiển thị vị trí các cơ sở phòng chống thiên tai, những khu vực có khả năng xảy ra thảm họa, địa điểm sơ tán và tuyến đường sơ tán giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, việc có sẵn bản đồ này cũng sẽ giúp người dân có thể tự kiểm tra thông tin về nguy cơ thiên tai bằng cách vào trang chủ website của từng thành phố, hoặc truy cập trang web của MLIT.

Bản đồ này ở định dạng online được chia thành "Bản đồ đa tầng" và "Bản đồ nguy cơ nơi tôi sống" để đáp ứng nhu cầu thông tin khác nhau của người dùng.

Với "Bản đồ đa tầng", trước tiên người dùng chọn một khu vực cụ thể, sau đó chọn loại thiên tai muốn tìm hiểu nguy cơ từ bốn loại hình thảm họa như lũ lụt (quy mô ước tính tối đa, quy mô theo kế hoạch), sạt lở đất, sóng thần và thông tin thiên tai đường bộ. Ngoài ra, trong bốn loại thảm họa sẽ hiển thị chi tiết các thông tin rủi ro thiên tai.

Chẳng hạn, với lũ lụt, sẽ hiển thị diện tích ngập lụt ước tính (quy mô tối đa ước tính), diện tích ngập lụt ước tính (quy mô dự kiến), thời gian ngập lụt (quy mô tối đa ước tính), diện tích ngập lụt ước tính như sập nhà (dòng lũ), và diện tích ngập lụt ước tính như sập nhà (xói lở bờ sông).

"Bản đồ nguy cơ nơi tôi sống" sẽ do từng khu vực thành phố, thị trấn xây dựng, nhưng vì các liên kết được tổng hợp trên trang web cổng thông tin bản đồ nguy hiểm tại trang web của MLIT nên có thể dễ dàng truy cập qua trang web cổng thông tin mà không cần tìm trang chủ của từng khu vực.

Một số chính quyền địa phương cung cấp bản đồ nguy hiểm dưới dạng tệp PDF trong trường hợp mạng bị ngắt kết nối trong thiên tai.

Bằng cách sử dụng bản đồ nguy cơ, người dân có thể biết được loại thiên tai nào sẽ đe dọa khu vực đang sống và cả những khu vực thường xuyên đi lại trong học hành, làm việc, mua sắm, giải trí.

Hơn nữa, họ cũng nắm được địa điểm sơ tán khẩn cấp được chỉ định và kiểm tra các tuyến đường sơ tán theo loại thảm họa vì lộ trình sơ tán tối ưu khác nhau tùy vào loại thiên tai.

Chẳng hạn, có những tuyến đường sơ tán hiệu quả khi động đất hoặc lở đất nhưng lại là khu vực ngập lụt trong mưa bão hoặc sóng thần. Nhờ vào bản đồ nguy cơ, người dân có thể chọn đúng tuyến đường sơ tán an toàn, phù hợp.

Trong trường hợp đá rơi, lở đất hoặc tuyết rơi dày, các tuyến đường sơ tán thậm chí còn có thể không dùng được.

Bản đồ nguy cơ có gì?

Để lập bản đồ nguy cơ thiên tai, cần phải có các thông tin như lịch sử của vùng đất, các đặc điểm của địa hình và nền đất, lịch sử các thiên tai trong quá khứ, địa điểm và tuyến đường sơ tán...

Viện Địa lý đất đai quốc gia Nhật Bản đã tạo ra các bản đồ chuyên đề (hiện trạng đất đai, hiện trạng đất núi lửa, bản đồ đứt gãy các mảng kiến tạo địa chất khu vực đô thị, hiện trạng đất khu vực ven biển và vùng biển...) và chia sẻ các thông tin này với công chúng.

Để xây dựng bản đồ nguy cơ, việc thu thập và tạo bản đồ hiện trạng đất đai (thông tin về độ cao mặt đất, địa hình vùng đất thấp) và bản đồ đứt gãy các kiến tạo địa chất khu vực đô thị (thông tin vị trí của các mảng kiến tạo địa chất) là cần thiết. Nói cách khác, việc thu thập thông tin và tạo lập bản đồ địa chất là rất quan trọng.

Bởi bản đồ địa chất thể hiện sự phân bố của các tầng lớp đất, đá dưới bề mặt mặt đất. Dựa vào bản đồ địa chất, có thể biết được tầng địa chất và tầng lớp đất đá của nơi đó như thế nào. Từ đó có thể đánh giá sơ bộ về tính thoát nước dựa vào độ thấm và vị trí mạch nước ngầm.

Ngoài ra việc nắm bắt được bản đồ địa chất có thể biết được mức sụt lún, sạt trượt làm đứt gãy, biến dạng mặt đường giao thông để từ đó đưa ra quyết định về việc tuyến đường lánh nạn nào an toàn và hợp lý.

Hơn 80% người dân thấy bản đồ nguy cơ hữu ích

Theo MLIT, các bản đồ nguy cơ khác nhau đã và đang được các thành phố xuất bản để người dân biết cách sơ tán phù hợp khi xảy ra thảm họa. Tới nay bản đồ nguy cơ lũ lụt đã được hoàn thành ở 98% các thành phố của Nhật.

Tháng 8-2021, MLIT đã thực hiện khảo sát trên web với 1.500 người dân đang sống tại các thành phố có bản đồ nguy cơ. Khoảng 70% trong số đó cho biết họ đã nhìn thấy bản đồ nguy cơ thiên tai do chính quyền thành phố cung cấp.

MLIT cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng chống thiên tai của những người dân còn kém là một thách thức.

Khảo sát về độ hữu ích của bản đồ nguy cơ trong việc sơ tán, lánh nạn, khoảng 80% người được hỏi cho rằng các bản đồ nguy cơ "cực kỳ hữu ích", hoặc "hữu ích ở một mức độ" nào đó với các quyết định sơ tán và sơ tán của họ.

Cần bản đồ cảnh báo sạt lở hay quy hoạch dân cư?Cần bản đồ cảnh báo sạt lở hay quy hoạch dân cư?

TTO - Câu trả lời là cần cả hai. Tuy nhiên, việc có được bản đồ cảnh báo sạt lở không phải là chuyện đơn giản, việc tính toán nhanh chuyện quy hoạch các khu dân cư miền núi cũng gặp khó khăn về nguồn lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên