Cấm túi nhựa dùng một lần: Bài học từ một lệnh cấm phản tác dụng

BÌNH MINH 18/03/2024 09:23 GMT+7

TTCT - Ở California, số túi nhựa thải đi vẫn tăng, xét về khối lượng, so với trước khi có lệnh cấm được thông qua.

Một người dùng cả túi dùng một lần lẫn túi tái sử dụng khi đi siêu thị ở California. Ảnh: Reuters

Một người dùng cả túi dùng một lần lẫn túi tái sử dụng khi đi siêu thị ở California. Ảnh: Reuters

"Phản tác dụng" là từ dùng để mô tả lệnh cấm túi nhựa sử dụng một lần, ban hành ở California cách đây gần một thập kỷ. Khi các nhà lập pháp California tìm cách sửa chữa sai lầm, người ngoài cuộc có thể rút ra đến hai bài học: vì sao nỗ lực này thất bại, và cách tốt hơn sẽ là gì.

Ngày 30-9-2014, California trở thành bang đầu tiên ở Mỹ áp dụng lệnh cấm toàn bang với túi nhựa dùng một lần, mở ra làn sóng luật chống nhựa ở nhiều khu vực khác. Gần 10 năm sau, một báo cáo tạt nước lạnh vào mặt những người từng đặt nhiều hy vọng vào lệnh cấm này: ở California, số túi nhựa thải đi vẫn tăng, xét về khối lượng, so với trước khi có luật được thông qua.

Lỗ hổng

Báo cáo của nhóm vận động người tiêu dùng CAPIRG cho thấy 157.385 tấn túi nhựa đã bị vứt bỏ ở California vào năm luật được thông qua. Tuy nhiên đến năm 2022, con số này vọt lên 231.072 tấn - tăng 47%. Ngay cả khi tính đến sự gia tăng dân số, mức trung bình đã tăng từ 4,08 tấn/1.000 người lên 5,89 tấn/1.000 người trong giai đoạn 2014-2022.

Nguyên nhân, theo New York Times, là vì những chiếc túi tái sử dụng và có thể tái chế - xuất hiện sau lệnh cấm túi mỏng, dùng một lần - đã không được dùng đúng với "chức năng nhiệm vụ" của chúng. 

Cụ thể, để tuân thủ luật cấm, nhiều nhà bán lẻ, các cửa hàng tạp hóa đã cung cấp cho khách hàng loại túi nhựa nặng và dày hơn, có thể dùng lại nhiều lần và tái chế. Vấn đề là chúng trông không khác mấy so với những chiếc túi ni lông mỏng manh và giá cũng rẻ (10 cent), nhiều người vẫn dùng xong rồi bỏ. Tệ hơn, dù các túi này đều được gắn biểu tượng tái chế, rất ít túi thực sự được tái chế.

Quy định về môi trường, rõ ràng là có ý nghĩa tốt của California, rốt cuộc không chỉ thất bại mà còn phản tác dụng, khiến tình hình rác thải nhựa thêm tồi tệ. "Các công ty túi nhựa đã phát minh ra những túi nhựa dày hơn, đáp ứng quy định về khả năng tái sử dụng theo lý thuyết, nhưng thực tế chúng không hề được dùng lại và trông cũng không giống túi tái sử dụng, cuối cùng chỉ để lách luật mà thôi" - Jenn Engstrom, giám đốc CALPIRG tại bang California, nói với Los Angeles Times.

Mark Murray, giám đốc của nhóm vận động vì môi trường Californians Against Waste, cho rằng có một chút nguyên nhân hoàn cảnh: đại dịch COVID-19 làm dấy lên lo ngại túi tái sử dụng có thể làm lây lan vi rút, dẫn tới "sự bùng nổ của những chiếc túi nhựa dày hơn" và chỉ được dùng một lần.

Chuyện tái chế những chiếc túi "lách luật" này cũng chẳng khá hơn. Lệnh cấm năm 2014 quy định rõ: chỉ cho phép bán túi nhựa dày cho khách hàng nếu chúng được tái chế ở California, nhưng thực tế là "không nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ túi nào có thể đưa ra bằng chứng về việc túi sẽ được tái chế", theo Jan Dell, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận The Last Beach Cleanup. 

Trong năm qua, Dell đã nỗ lực khởi kiện các nhà bán lẻ bán túi nhựa dày hơn với lập luận rằng việc kinh doanh này cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của lệnh cấm, theo New York Times.

Một số người nói rằng lệnh cấm ban đầu, được thông qua vào năm 2014, sẽ có hiệu lực nếu được thực thi đúng cách. Giờ thì mọi thứ hoàn toàn trật đường rầy. Các nhà lập pháp California đang cố cứu vãn tình hình với một dự luật mới. 

Theo dự luật công bố ngày 9-2, bang này sẽ cấm toàn bộ túi nhựa dùng để mua sắm từ năm 2026. Túi nhựa - dày hay mỏng - đều sẽ bị cấm cung cấp tại các quầy thanh toán; khách hàng có thể mua túi giấy.

"Lệnh cấm túi nhựa mà chúng tôi thông qua ở tiểu bang này vào năm 2014 đã không làm giảm việc sử dụng nhựa nói chung mà còn khiến chúng gia tăng. Chúng ta thực sự đang làm nghẹt hành tinh với rác thải nhựa" - thượng nghị sĩ Catherine Blakespear nói tại buổi công bố dự luật mới.

Jan Dell không mấy lạc quan về kế hoạch mới này. Hàng tỉ túi có thể sẽ được bán trước khi luật được thông qua. "Nếu [lệnh cấm 2014] được tuân thủ đúng đắn, ngày nay chúng ta sẽ không còn những chiếc túi nhựa dày nữa" - cô nói.

Các tiểu bang khác đã học được từ kinh nghiệm của California. Tại New York, nơi cấm túi nhựa tại hầu hết các quầy thanh toán tại cửa hàng vào năm 2020, những người ủng hộ môi trường đã thành công trong việc phản đối điều khoản cho phép các cửa hàng tiếp tục cung cấp túi nhựa dày.

Túi tái sử dụng, dày hơn túi mỏng dùng một lần, tại siêu thị Walmart. Ảnh: Chicago Tribune

Túi tái sử dụng, dày hơn túi mỏng dùng một lần, tại siêu thị Walmart. Ảnh: Chicago Tribune

Gốc rễ vấn đề

Theo Los Angeles Times, mặc dù chưa có nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua túi nhựa dày tại quầy thanh toán, trách nhiệm không chỉ thuộc về cá nhân. Những lời hứa hão của nhà sản xuất về khả năng tái chế và thực tế khắt nghiệt của việc thu gom và tái sử dụng nhựa, tất cả đều góp phần khiến rác thải nhựa vẫn là còn là vấn nạn.

California phải chờ thêm vài năm mới biết nỗ lực giảm rác thải nhựa của mình sẽ tới đâu, và nhiều nơi khác cũng sẽ tiếp tục hành trình tìm cách "tuyên chiến" với túi nhựa dùng một lần. 

Judith Enck, chủ tịch nhóm vận động Beyond Plastics, đồng thời là cựu quản trị viên khu vực tại Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), đưa ra lời khuyên: Các nhà lập pháp ở mọi cấp độ cần phải cảnh giác và biết rằng nhiều nhà sản xuất túi nhựa sẽ tìm mọi cơ hội để tiếp tục tràn ngập thị trường với những loại túi nhựa dày hơn.

Nhưng vấn đề có thể lớn hơn cả chiếc túi đựng. Những người mua hàng đựng trong túi giấy màu nâu có cảm giác mình đang góp phần bảo vệ môi trường và hành tinh, ngay cả khi các loại sản phẩm trong túi có thể được đóng gói bằng rất nhiều lớp nhựa. Mặt khác, nhiều người vẫn cho rằng các loại túi nhựa dày chỉ là túi dùng một lần, thay vì tái sử dụng.

Theo The Japan Times, một giải pháp tốt hơn sẽ là cho mọi người lựa chọn sử dụng những chiếc túi kiểu cũ với tác động đến khí hậu khi sử dụng một lần thấp nhất, sau đó tính mức giá cao đến mức đáng nản lòng cho tất cả các loại túi đựng, bất kể chất liệu của chúng là gì. Khi đó, mọi người sẽ suy nghĩ kỹ trước khi vứt túi vào thùng rác.

Xét cho cùng, việc vứt bỏ túi mua sắm sau khi sử dụng một lần là sự lựa chọn, chứ không phải do bản chất của vật liệu quyết định. Tuy nhiên, người đóng góp cho môi trường nhiều nhất không phải là người mua nhiều túi tái sử dụng, mà là người dùng đi dùng lại chiếc túi nhựa dùng một lần cho đến khi nó rách nát.

Có nơi nào hái quả ngọt?

"Lệnh cấm túi nhựa có hiệu quả" (Plastic Bag Bans Work) là tên báo cáo công bố vào tháng 1-2024 của ba tổ chức, trong đó có Trung tâm nghiên cứu và chính sách môi trường Hoa Kỳ.

Báo cáo cho biết lệnh cấm túi nhựa ở 5 bang và nhiều thành phố khắp nước Mỹ, với tổng cộng 12 triệu dân, đã giúp giảm tiêu thụ khoảng 6 tỉ túi nhựa dùng một lần mỗi năm, tương đương 300 túi nhựa sử dụng một lần mỗi người mỗi năm. Bí quyết thành công rất đơn giản: chỉ cần một chính sách được thiết kế tốt.

Một câu chuyện thành công đáng mơ ước: toàn bộ cư dân thành phố Denver (bang Colorado) đã quen với việc mang túi tái sử dụng khi mua sắm ở cửa hàng tạp hóa. "Với dân số 711.463 người, điều này có nghĩa đã giảm được 211.122.592 túi nhựa dùng một lần. Lệnh cấm đã giảm 33% số túi nhựa bị vứt đi và khuyến khích sử dụng các lựa chọn bền vững hơn" - Trung tâm nghiên cứu và chính sách môi trường Hoa Kỳ viết.

Cơ quan này cũng kể "chuyện hai thành phố" ở bang Utah, để thấy một lệnh cấm túi nhựa dùng một lần, nếu thực sự hiệu quả, sẽ có tác động tới mức nào. Utah không có luật cấm túi nhựa dùng một lần toàn bang, mà tùy theo từng thành phố.

Ở thành phố Salt Lake, nơi không có lệnh cấm, 204.657 cư dân thải ra hàng triệu túi ni lông mỗi năm, nếu xếp thành hàng, túi này cạnh túi kia thì dài gần 17.000km. Nếu Salt Lake cũng cấm túi nhựa dùng một lần như một số thành phố khác ở Utah, chẳng hạn Park City, sự khác biệt là rất lớn: số túi nhựa bị vứt ra bãi rác sẽ giảm 60 triệu.

Và nếu Utah ra luật cấm toàn bang sẽ ngăn được hàng tỉ túi nhựa dùng một lần thải ra mỗi năm. Tất nhiên phải thực thi hiệu quả, và đừng quên bài học kinh nghiệm từ California.

Cấm túi nhựa dùng một lần: Bài học từ một lệnh cấm phản tác dụng- Ảnh 3.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận