19/09/2018 12:37 GMT+7

Chấm chéo, rọc phách bài trắc nghiệm có hạn chế tiêu cực?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Từ các trao đổi thẳng thắn xuất phát từ kinh nghiệm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đại diện một số sở GD-ĐT đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.

Chấm chéo, rọc phách bài trắc nghiệm có hạn chế tiêu cực? - Ảnh 1.

Tổ chức thi, chấm thi các môn trắc nghiệm được nhiều sở GD-ĐT góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia. Trong ảnh: thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 18-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ

GD-ĐT - cho biết bộ tiếp thu tất cả các góp ý và sẽ cân nhắc để chốt việc điều chỉnh quy định trong tổ chức kỳ thi năm tới.

Làm phách bài trắc nghiệm và chấm chéo

Về giải pháp được đặt ra: giáo viên không chấm bài thi của học sinh tỉnh mình mà sẽ chấm chéo hoặc chấm theo cụm, đa số các giám đốc sở GD-ĐT đều cho rằng nếu Bộ GD-ĐT thấy cần thì họ sẵn sàng.

Tuy vậy, một số giám đốc cho rằng việc này không cần thiết. Bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho rằng trên thực tế đã có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế, có thể lắp thêm camera giám sát nhằm hạn chế tiêu cực. 

"Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra bộ, thanh tra sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian đối của cán bộ chấm thi" - bà Hằng nêu quan điểm.

Bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, băn khoăn: chỉ có một số địa phương tiêu cực thì việc thay đổi cách thức chấm cũng nên cân nhắc để không gây thêm những xáo trộn. 

"Nếu chấm theo cụm có sự tham gia chấm của cán bộ giảng viên trường ĐH, cũng phải tính đến việc giám khảo của trường ĐH không quen chấm cho học sinh phổ thông dẫn tới chấm quá chặt, không phù hợp với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của thí sinh" - bà Thắm nói.

Tại cuộc họp với các giám đốc sở ngày 17-9, có một số ý kiến băn khoăn về việc các năm trước giải pháp chấm chéo cũng đã được đặt ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng ngay lập tức xảy ra tình trạng tiêu cực. Điển hình là chuyện 11 tỉnh ĐBSCL "bắt tay" chấm lỏng... 

Về điều này, ông Mai Văn Trinh khẳng định với các giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì có thể khắc phục được tiêu cực khi chấm thi theo cụm, chấm chéo.

Việc lắp camera, rọc phách bài thi trắc nghiệm tìm được đồng thuận của nhiều người hơn. Bà Hằng cho rằng khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong. 

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cũng đề xuất nên làm phách với bài thi trắc nghiệm để đảm bảo an toàn ở khâu chấm thi. Ý kiến này cũng "gặp" ý kiến nhiều chuyên gia trong cuộc họp trao đổi về kỳ thi do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào tháng trước.

Sở thụ động vì trường ĐH điều động cán bộ

Bà Trần Hồng Thắm cho biết vấn đề trên không chỉ xảy ra ở Cần Thơ mà khi trao đổi với các giám đốc sở khác, bà thấy họ cũng gặp phải. 

"Đó là khi triệu tập thành phần coi thi thì chúng tôi mới biết thành phần đi coi thi được điều động từ các trường ĐH phối hợp không đúng với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Số lượng người tham gia trước khi hội đồng coi thi hoạt động thường bị giảm, có khi giảm nhiều. Lý do nhiều khi chỉ được thông báo là cán bộ kẹt việc riêng không tham gia được" - bà Thắm cho biết.

Cũng theo bà Thắm, ở Cần Thơ trong kỳ thi qua dù ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tổ chức tập huấn cho giám thị hai lần nhưng "có những cán bộ vẫn chưa nắm vững quy chế". Vì thế bà Thắm đề nghị trong kỳ thi tới bộ cần quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là chế tài đối với các trường hợp thực hiện không đúng chỉ đạo, không đúng quy chế.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cũng cho rằng việc lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi cần có quy định chặt chẽ, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để có giải pháp xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng việc phối hợp giữa sở GD-ĐT và trường ĐH không nên cứng nhắc chỉ điều động người của trường ĐH đóng trên địa bàn mà có thể hoán đổi dưới nhiều hình thức. "Trong các đoàn thanh tra của trường ĐH làm việc tại địa phương nhất thiết cần một người của Bộ GD-ĐT để việc tác nghiệp đảm bảo khách quan, độ tin cậy cao hơn" - ông Vĩnh đề nghị.

Ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho rằng các trường ĐH - CĐ không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì không nên tham gia. Còn các trường đã đăng ký lấy kết quả thi để xét tuyển thì cần tham gia như một đơn vị phối hợp chứ không phải người đi giám sát địa phương vì các trường có hưởng lợi ích từ kết quả kỳ thi. Vì vậy, việc phối hợp này không chỉ chia sẻ trách nhiệm mà cả tài chính.

Mỗi môn trắc nghiệm một phiếu trả lời

Ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho rằng: "Nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn, tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh".

Ông Nguyễn Đình Vĩnh bày tỏ: "Các phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả các bộ môn tổ hợp vào một phiếu. Thực tiễn làm công tác thi, chúng tôi thấy phần này cũng gây nên phiền toái cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh có thể sau thời gian thi hết môn các em lại hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ 2 các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa và không giám sát được".

Ông Cao Xuân Hùng cho biết vì là kỳ thi "2 trong 1" nên ở bài thi tổ hợp có thí sinh đăng ký thi 1 bài, có thí sinh đăng ký 2 bài, có thí sinh chỉ thi môn thành phần... nên việc tổ chức không tập huấn kỹ sẽ dễ dẫn tới sơ hở, tiêu cực.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên