17/04/2024 15:02 GMT+7

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tách vụ án hình sự có người phạm tội chưa thành niên là cần thiết

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay nếu người chưa thành niên phải ra tòa, một môi trường không thân thiện, tiếp cận với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là người lớn phạm tội sẽ tác động ngược chiều.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự luật mới.

Cân nhắc tiếp tục mở rộng hình phạt cảnh cáo

Góp ý vào nội dung cụ thể liên quan hình phạt cảnh cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói dự luật mở rộng đối tượng được áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý.

Bà tán thành với dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị cân nhắc tiếp tục mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án, đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Việc này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội.

Về hình phạt tiền, bà Thanh nhận thấy bất cập chủ yếu trong quy định về hình phạt tiền hiện nay liên quan đến đối tượng người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Bà nói theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên và người từ đủ 18 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.

Trong khi đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng thì vẫn có thể được áp dụng hình phạt tiền, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên chỉ được áp dụng hình phạt tiền nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Nếu không có, có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn. Bà cho rằng quy định như vậy cũng chưa nhân văn, chưa công bằng trong chính sách xử lý.

Do đó, bà đề nghị cân nhắc sửa đổi điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội là từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tương tự như điều kiện đối với người trưởng thành.

Lý do cần tách vụ án hình sự người phạm tội chưa thành niên

Giải trình thêm sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu không tách vụ án hình sự, trên thực tế các cháu phải bị xét xử ở trong một phòng xét xử không thân thiện và tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án.

Đặc biệt là những vụ án xâm hại sức khỏe, tính mạng hay buôn lậu ma túy.

Ông cho rằng nếu các cháu phải ra tòa, một môi trường không thân thiện, tiếp cận với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là người lớn phạm tội sẽ tác động ngược chiều, chứ không phải tác dụng tốt cho các cháu.

Cùng với đó, ấn tượng xảy ra một phiên tòa như thế, không phải phiên tòa thân thiện sẽ nặng nề hơn việc phải tổ chức phiên tòa thân thiện.

Thêm vào đó, những vụ án này do các thẩm phán không hiểu về tâm lý trẻ em nên không đảm bảo các lợi ích của các cháu. Cho nên việc tách phiên tòa rất cần thiết.

"Còn các cháu phải ra tòa 2 lần có nặng không? Báo cáo là không nặng hơn. Đây là tách về đối tượng, chứ không phải tách hành vi. Nếu tách hành vi bất lợi nhưng tách về đối tượng thì đây là không bất lợi", ông Bình nói.

Đối với lần ra tòa thứ hai, theo ông có thể không phải ra tòa, mà có thể tham gia phiên tòa trực tuyến hoặc ghi âm, ghi hình, sau đó công bố tài liệu tham gia của các cháu với tư cách là người làm chứng, cho nên chỗ này vẫn đảm bảo.

Vấn đề thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý chuyển hướng, theo ông Bình, nếu giao cho tòa phải chờ kết thúc điều tra và phải mở phiên tòa.

Ông nêu có những biện pháp xử lý chỉ cần vỗ vai cháu đi xin lỗi bạn đi hay cháu về nói bố mẹ bồi thường bạn bị gãy tay, mang đến bệnh viện bồi thường cho người ta.

Những chuyện như thế ngay từ giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có thể làm được, không cần thiết phải chờ đến tòa mở một phiên họp. Những chuyện đó có thể làm kịp thời, làm ngay và kết thúc.

Cùng với đó, các cháu trộm cắp, cơ quan điều tra cấm cháu đến siêu thị. Nếu cứ vào siêu thị ăn cắp đồ, cơ quan điều tra cấm giao cho nhân viên công tác xã hội quản lý cháu không được vào siêu thị.

"Những việc này không cần thiết phải mở phiên tòa để cấm việc như thế. Có những chuyện sàm sỡ với trẻ em thì cấm nó đến những nơi có trẻ em.

Cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong giai đoạn của mình hoàn toàn có thể làm được việc đó, không cần thiết phải chờ kết thúc điều tra mới ra tòa. Năng động thì nên giao", ông Bình nêu.

Đề xuất giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên phạm tộiĐề xuất giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên phạm tội

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo, giảm mức hình phạt tù cao nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên