17/11/2023 10:02 GMT+7

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn lời của Albert Einstein tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn lại lời của nhà khoa học Albert Einstein về thay đổi tư duy.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp CEO Apple Tim Cook - Ảnh: TUẤN ANH

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp CEO Apple Tim Cook - Ảnh: TUẤN ANH

Các cuộc làm việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ sáng sớm đến chiều tối 15-11 (giờ Mỹ, tức ngày 16-11 giờ Việt Nam) là một sự đan xen giữa những hoạt động trong khuôn khổ APEC và quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ.

Dù đứng trước hàng trăm doanh nghiệp APEC, tiếp một hay hàng chục doanh nghiệp Mỹ, qua các phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hình ảnh một Việt Nam yêu hòa bình, chuộng tiến bộ và vì lợi ích chung đã hiện lên trong tâm trí những người có mặt và truyền đi thông điệp: hòa bình, hợp tác để cùng tiến bộ, cùng có lợi.

Chúng tôi nhìn nhận sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình, và thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của Nhà nước trong điều hành chính sách. Chúng tôi chào đón và tạo điều kiện tối đa để quý vị đầu tư trong các lĩnh vực nêu trên.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng


Tư duy mới, cách làm mới để vượt qua khó khăn

Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận "Tăng trưởng bền vững và bao trùm" tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) trong Tuần lễ cấp cao APEC 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ rõ trong khi kinh tế tăng trưởng, của cải thế giới ngày càng nhiều thì khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông, các nền kinh tế theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, sau hàng thập kỷ toàn cầu hóa đem lại nhiều lợi ích đan xen, xu thế bảo hộ và phân tách lại gia tăng mạnh mẽ.

Sự phát triển của khoa học - công nghệ đem lại cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường và dù nó có sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khuôn khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia.

Đó là những mâu thuẫn lớn của nền kinh tế thế giới hiện nay, đặt thế giới trước nguy cơ về "một thập kỷ mất mát" như Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.

Nhắc lại lời của nhà khoa học vĩ đại Albert Eistein, rằng "Thế giới như chúng ta tạo ra là kết quả của một quá trình tư duy. Con người không thể thay đổi thế giới nếu không thay đổi tư duy", Chủ tịch nước cho rằng để giải quyết các mâu thuẫn trên và tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.

Ông kêu gọi trước tiên phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, cần phải duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia.

Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị từ quá trình này và đảm bảo mọi nền kinh tế dù lớn hay nhỏ đều được hưởng lợi.

Và thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm, trong đó các nền kinh tế phát triển cần thực hiện tốt hơn cam kết đóng góp 0,7% tổng thu nhập quốc gia để hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Chủ tịch Boeing toàn cầu Brendan Nelson - Ảnh TUẤN ANH

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Chủ tịch Boeing toàn cầu Brendan Nelson - Ảnh TUẤN ANH

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng

Cũng tại CEO Summit, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định APEC đã luôn là "vườn ươm" các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thỏa thuận hợp tác toàn cầu.

APEC cũng đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó thiên tai, ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục.

Trong những thành công đó luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Chủ tịch nước cho rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.

Ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện một loạt cam kết về phát triển bền vững, xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường.

"Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có dấu ấn của mình trong xã hội, xây dựng niềm tin và giá trị của thương hiệu", ông nhấn mạnh.

Để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra, ngoài những nỗ lực của chính mình, ông mong muốn các doanh nghiệp APEC tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới.

Bên cạnh đó còn là chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới và thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển.

Với chủ trương lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; linh kiện điện tử, ô tô điện...; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; phát triển trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế...

Chủ tịch nước khẳng định thành công của APEC chỉ có thể đạt được trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân.

Ông mong muốn tất cả thành viên APEC cùng đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, gác lại khác biệt để cùng giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

"Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân. Tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng và quyết tâm của tất cả chúng ta, APEC sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thành công trong giai đoạn phát triển mới", ông nhấn mạnh.

Dữ liệu: THANH HIỀN - Đồ họa: TUẤN ANH

Dữ liệu: THANH HIỀN - Đồ họa: TUẤN ANH

Một Việt Nam trưởng thành và chững chạc trong APEC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC - Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ - nhận định bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Đứng trước những nguy cơ về "một thập kỷ mất mát" như cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã gợi ý bốn giải pháp lớn rất đúng và rất trúng đối với cộng đồng quốc tế".

Ông Cường cho rằng các giải pháp là khá bao quát, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình và chia sẻ của nhiều thành viên APEC ở cấp chính phủ, doanh nghiệp hay người dân.

Ví dụ, giải pháp thứ ba nêu lên sự cần thiết của quản trị toàn cầu về công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học để mọi quốc gia, mọi người dân đều được hưởng lợi từ những tiến bộ của khoa học - công nghệ chứ không phải là điều ngược lại.

Bài phát biểu đồng thời thể hiện tư duy và tầm nhìn của Việt Nam trước một thế giới nhiều biến động khôn lường, đòi hỏi sự sáng suốt và hợp tác của mọi quốc gia, ở cả tầm chính phủ, doanh nghiệp hay người dân.

Ông Cường bày tỏ sự tâm đắc khi Chủ tịch nước trích dẫn câu nói "Con người không thể thay đổi thế giới nếu không thay đổi tư duy" của Albert Einstein.

Nhu cầu thay đổi tư duy, như người đứng đầu Nhà nước Việt Nam phát biểu, là ở mọi cấp độ, từ cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới, và với cả từng doanh nghiệp. Vì vậy, ông cho rằng đây là một gợi ý đáng suy nghĩ.

"Nói tóm lại, bài phát biểu này cho thấy Việt Nam tham gia APEC ngày một trưởng thành và chững chạc, thể hiện Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc xử lý các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu", ông nêu.

Kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam - Mỹ

Những cuộc gặp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các doanh nghiệp Mỹ bên ngoài khán phòng CEO Summit đã xoáy sâu vào vai trò của doanh nghiệp và địa phương trong quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Trong các sự kiện như Tọa đàm kết nối doanh nghiệp và địa phương hai nước, gặp Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Mỹ như Apple hay Boeing, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ hợp tác Việt - Mỹ chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ với các địa phương của Việt Nam.

Ông kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ quan tâm, tìm hiểu đầu tư và mở rộng đầu tư hợp tác tại các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên.

"Những vấn đề mà các bạn chưa hài lòng, chưa an tâm về thủ tục hành chính, về cách thức giải quyết các vướng mắc, khó khăn thì cũng chính là vấn đề ưu tiên của chúng tôi. Đó cũng là vấn đề chúng tôi chưa thực sự hài lòng và chúng tôi sẽ nỗ lực để khắc phục và giải quyết", ông nêu.

Ông khẳng định Việt Nam mong muốn tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao.

Để vượt qua các trở ngại, ông mong muốn các doanh nghiệp Mỹ cùng có tiếng nói trong hai việc.

Thứ nhất, Mỹ sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam và thứ hai là sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế hỗ trợ chất bán dẫn để tạo điều kiện cho các chương trình, dự án hợp tác giữa hai bên.

Hàng chục thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực đã được trao tại các sự kiện nói trên trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ  - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ - Ảnh: TTXVN

Đầu tư vào giáo dục, cải thiện môi trường kinh doanh

Chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân chuyến công du của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Mỹ, ông Paulo Medas, trưởng đoàn giám sát kinh tế vĩ mô và tài chính cho Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định Việt Nam đang đối mặt với những thách thức, khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lãi suất toàn cầu cao và rủi ro phân mảnh địa lý.

Đồng thời, một số thách thức trong nước tiếp tục đặt ra rủi ro cho quá trình phục hồi kinh tế, trong đó bao gồm thị trường bất động sản.

"Để giải quyết những thách thức này và quay trở lại với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện", ông nói.

Ông Medas cho rằng chính sách tiền tệ đã đóng một vai trò quan trọng vào năm 2022 trong một môi trường đầy thách thức.

Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung cũng như các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có thể sẽ kém hiệu quả và rủi ro hơn trong giai đoạn này.

Lý do là ở thời điểm hiện tại lãi suất toàn cầu cao, trong khi các ngân hàng ở Việt Nam cũng phải đối mặt với tỉ lệ nợ xấu tăng và tỉ lệ cho vay trên tổng tiền gửi cao.

Vì vậy, tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn cùng những nỗ lực liên tục nhằm hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ sẽ mang lại lợi ích đáng kể.

Chính sách tài khóa có thể đi đầu trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thông qua đầu tư công cao hơn và hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhờ việc quản lý tài chính công một cách thận trọng trước đó.

Tăng cường đầu tư công không chỉ có thể thúc đẩy tăng trưởng ngày hôm nay mà còn đặt nền móng cho tương lai.

Chuyên gia của IMF cũng đề xuất Việt Nam đẩy mạnh cải cách cơ cấu, như đầu tư vào giáo dục, cải thiện môi trường kinh doanh và làm cho nền kinh tế xanh hơn, đồng thời cần tăng cường các khuôn khổ pháp lý kinh tế và tài chính.

"Tiến bộ trong việc cải cách Luật Các tổ chức tín dụng là rất quan trọng, nhằm giúp khu vực tài chính trở nên kiên cường hơn và khả năng quản lý rủi ro hiệu quả hơn", ông nhận định.

"Nếu Việt Nam đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực này, Việt Nam sẽ củng cố được một môi trường kinh tế vững mạnh, có khả năng thu hút doanh nghiệp và thúc đẩy đạt được tiềm năng tăng trưởng", ông Medas nói thêm.

3 thông điệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC3 thông điệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC

Chiều 15-11 tại thành phố San Francisco, Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã phát biểu đề dẫn tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, trong đó nêu 3 nội dung đáng chú ý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên