12/12/2023 06:01 GMT+7

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Nhiều kỳ vọng hợp tác mới giữa quan hệ Việt - Trung

Trưa 12-12, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Việt Nam, mở ra nhiều kỳ vọng hợp tác mới giữa hai nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc vào tháng 10-2022, tháng 10-2023 và tháng 9-2023. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thăm Việt Nam vào các năm 2015, 2017, 2023 - Ảnh: TTXVN - Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc vào tháng 10-2022, tháng 10-2023 và tháng 9-2023. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thăm Việt Nam vào các năm 2015, 2017, 2023 - Ảnh: TTXVN - Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đây là sự kiện nổi bật trong dịp hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023). Theo lịch trình, ông Tập Cận Bình sẽ dự lễ đón tại Phủ chủ tịch và gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước sẽ đi sâu trao đổi các định hướng lớn, toàn diện về việc làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai

Vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt

Chuyến đi này đánh dấu lần thứ ba Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Việt Nam và là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch nước (2022 và 2023).

Diễn ra một năm sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc, sự kiện này tiếp tục phản ánh nỗ lực và thành quả trong việc duy trì những cuộc tiếp xúc cấp cao hai nước giai đoạn qua, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc hậu COVID-19 chỉ mới khôi phục hồi đầu năm nay.

Báo chí Trung Quốc kỳ vọng lớn vào chuyến đi lần này của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, mô tả Việt Nam vừa là đồng chí vừa là anh em. Vào tháng 6 vừa qua, trong lần hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh Bắc Kinh luôn xem Việt Nam là ưu tiên trong ngoại giao với các nước láng giềng.

Trong khi đó, Việt Nam đã thúc đẩy chính sách đối ngoại đa phương theo đường lối nhất quán về độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó ưu tiên hàng đầu là quan hệ với các nước láng giềng.

Giới quan sát đánh giá chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam và Trung Quốc trong chính sách phát triển của nhau.

Chuyên gia về Đông Nam Á Murray Hiebert, từng là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng qua chuyến thăm này, Trung Quốc muốn đảm bảo Việt Nam cũng như các nước láng giềng tại Đông Nam Á tiếp tục là đối tác kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. "Việt Nam đóng vai trò quan trọng như quốc gia then chốt đối với chính sách biên giới phía nam của Trung Quốc", ông Hiebert nhận xét với Tuổi Trẻ.

Hôm nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Trong ảnh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam kết hợp dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hôm nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Trong ảnh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam kết hợp dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Kỳ vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung đã chứng kiến những thành quả tích cực trên nhiều phương diện sau 15 năm. Đây là nền tảng để hai nước nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, tăng cường tin tưởng chính trị, từ đó thúc đẩy và khai thác tiềm năng cũng như các sáng kiến hợp tác mới trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình.

Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác ở những vấn đề như duy trì chuỗi cung ứng bền vững, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển xanh, giao lưu văn hóa...

"Trung Quốc và Việt Nam khá phụ thuộc vào nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại Việt Nam. Trung Quốc đang triển khai các dự án lớn mới, bao gồm lắp ráp xe điện BYD ở Việt Nam. Phía Bắc của Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng phía Nam của Trung Quốc... Họ sẽ đẩy mạnh xây dựng tuyến đường sắt; hiện nay đa phần chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc dựa trên sự kết nối" - TS Zach Abuza, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc ĐH Chiến tranh quốc gia Mỹ, phân tích với Tuổi Trẻ về hợp tác kinh tế Việt - Trung.

"Trung Quốc luôn đặt ưu tiên cao lên mối quan hệ với các nước cùng biên giới, và Việt Nam nằm trong ưu tiên ấy như một quốc gia anh em xã hội chủ nghĩa" - chuyên gia Zach Abuza nhận định.

Trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí Việt Nam ở Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc mở rộng hợp tác Việt - Trung ở lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có việc nâng cấp tuyến đường từ Quảng Tây đi Hà Nội và thúc đẩy một số dự án đường sắt khác.

Hiện nay, Trung Quốc xây dựng nhiều sáng kiến hợp tác lớn. Những sáng kiến hợp tác này sẽ có tác động đáng kể lên bức tranh kinh tế toàn cầu và chắc chắn cũng nằm trong chương trình nghị sự suốt chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam.

Nguồn: Bộ Ngoại giao - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn: Bộ Ngoại giao - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Khách Trung Quốc nhận hoa chào mừng du lịch Nha Trang tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: THỤC NGHI

Khách Trung Quốc nhận hoa chào mừng du lịch Nha Trang tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: THỤC NGHI

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba:

Ủng hộ Việt Nam công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Sự phát triển và lớn mạnh của Việt Nam chính là sự phát triển và lớn mạnh của lực lượng xã hội chủ nghĩa của thế giới. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên chúng ta đã đạt được nhận thức chung rất quan trọng là ủng hộ lẫn nhau khi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước và con đường hiện đại hóa mang đặc sắc của mỗi nước. Hai lãnh đạo cũng đã xác định ủng hộ lẫn nhau thực hiện mục tiêu phát triển tầm trung và dài hạn, hai mục tiêu cho hai cột mốc 100 năm ở mỗi nước.

Tôi cũng thường xuyên nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về việc Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tỉ lệ lớn trong GDP của Việt Nam. Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thành công, Việt Nam nhất định phải đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang phức tạp và khó lường như hiện nay, việc đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam sẽ góp phần tăng khả năng chống chịu trước các rủi ro bên ngoài.

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập với các lãnh đạo Việt Nam rằng Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ tích cực ủng hộ, tham gia quá trình này. Trong đó có tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng... Tôi cho rằng sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực trên có triển vọng rất lớn.

Công nhân sản xuất trong nhà máy Biel Crystal Việt Nam vốn Trung Quốc tại Bắc Ninh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Công nhân sản xuất trong nhà máy Biel Crystal Việt Nam vốn Trung Quốc tại Bắc Ninh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị (trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM):

Trung Quốc sẽ cụ thể hóa "ngũ thông" ở Việt Nam

Chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và là bạn, là đối tác tin cậy của các nước cũng như là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.

Những hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua, theo tôi, đều xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ là dịp để hai nước làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, nội hàm hóa và phong phú hóa hơn mối quan hệ đó.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm chính trị và ngoại giao sôi động của khu vực cũng như thế giới và được nhiều nước thừa nhận. Việc phát triển, củng cố và ổn định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tích cực đến khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á mà Việt Nam đang ngày càng có tiếng nói lớn.

Một trong những nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam trong các chuyến công tác nước ngoài vừa qua là làm rõ chính sách và mong muốn của Việt Nam trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, trong đó bao gồm việc xây dựng các khu công nghiệp xanh.

Một trong những quốc gia Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là Trung Quốc. Sau giai đoạn phát triển nhanh chóng với các thành tựu kinh tế lớn, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn cho phát triển bền vững. Các thành phố lớn ven biển của Trung Quốc đã chuyển đổi số mạnh mẽ cùng với việc xây dựng các khu công nghiệp xanh. Do đó tôi tin rằng trong chuyến thăm này, phía Trung Quốc sẽ tranh thủ giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm nếu Việt Nam muốn tham khảo.

Trong khoảng 10 năm qua, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy "ngũ thông" - gồm chính sách thông thoáng, đường sá liên thông, thương mại thông suốt, tiền tệ lưu thông và lòng dân thông hiểu.

Chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình sẽ cụ thể hóa hơn nữa "ngũ thông" này, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Bắc Kinh có công nghệ hiện đại về đường sắt và đường bộ cao tốc. Vấn đề kết nối đường sắt cũng đã được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong chuyến thăm Việt Nam này, hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể về lĩnh vực này.

Những điểm sáng trong quan hệ Việt - TrungNhững điểm sáng trong quan hệ Việt - Trung

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm nay đánh dấu 15 năm quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" Việt Nam - Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên