Có một cuộc "suy thoái tình bạn"

PHAN BẢO 31/07/2023 16:35 GMT+7

TTCT - Giữa thời cái gì cũng giảm - cơ hội việc làm, thu nhập cá nhân, sức mua trong nền kinh tế, thật không may, đến cả số lượng bạn bè cũng giảm.

Có một cuộc "suy thoái tình bạn" - Ảnh 1.

"Có những tuần người duy nhất tôi nói chuyện là người đưa thư" - một người bạn sống một mình và làm việc tại nhà chia sẻ với tác giả Anita Chaudhuri của tờ The Guardian. Một người bạn khác bộc bạch rằng dù rất thích gặp gỡ bạn bè, nhưng khi gặp rồi họ lại chẳng biết phải "tám" chuyện gì.

Từ những câu chuyện nghe kể và quan sát được, cộng với số liệu từ vài thống kê, khảo sát, Chaudhuri nhận định có vẻ như tình hình giao tế xã hội của mọi người không còn như xưa. Báo chí Mỹ còn gọi hẳn hiện tượng này là "suy thoái tình bạn" (friendship recession). Chuyện gì đang xảy ra?

Những con số biết nói

Friendship recession được đưa vào mục Từ mới trên trang blog của từ điển Cambridge (Anh) vào ngày 8-5, với định nghĩa "khoảng thời gian khi nhiều người có ít hoặc không có bạn bè". 

Mục từ này cũng trích dẫn một đoạn trên báo New York Times ngày 28-11-2022: "Nam giới Mỹ dường như đang mắc kẹt trong "thời kỳ suy thoái tình bạn" - một xu hướng có từ trước đại dịch Covid-19 nhưng dường như đã tăng tốc trong vài năm qua khi mức độ cô đơn gia tăng trên toàn thế giới. Trong một cuộc khảo sát năm 2021 với hơn 2.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, chưa đến một nửa số nam giới cho biết họ thực sự hài lòng với số bạn bè mà mình có, trong khi 15% cho biết họ không có bạn thân nào cả".

Số liệu liên quan đến đàn ông Mỹ quả là ảm đạm, song "suy thoái tình bạn" ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không riêng nhóm này. Derek Thompson, cây bút của The Atlantic, nói trong một podcast: tình trạng suy thoái tình bạn "dường như đúng với mọi lứa tuổi, mọi giới tính, mọi mức thu nhập, đối với những người ở khu vực đô thị và phi đô thị, cho người da trắng và không phải da trắng, sống với vợ/chồng hoặc bạn tình, không sống với vợ/chồng hoặc bạn đời. Mọi người dường như đang dành nhiều thời gian hơn ở một mình".

Daniel Cox, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng ngày nay, người ta ít tựa vào vai bạn mà khóc hay tâm sự cùng bạn. Xã hội không những thay đổi về công nghệ, kinh tế, mà con người ngày càng đánh giá thấp tình bạn. Những năm 1990, 45% người Mỹ nói rằng nếu họ phải tìm đến ai đó trong lúc khó khăn thì đó sẽ là một người bạn thân. Nhưng bây giờ con số đó đã giảm xuống chỉ còn khoảng 22%. Lựa chọn của 36% ngày nay là tìm đến sự giúp đỡ của ba mẹ.

Có một cuộc "suy thoái tình bạn" - Ảnh 2.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, tình hình cũng không khác là mấy. Theo Nghiên cứu về tình bạn năm 2021 của công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường trực tuyến YouGov, cứ 10 người Anh thì có 6 người (58%) nói rằng họ có từ 10 người bạn trở xuống. Hơn 23% nói rằng họ có từ 11 đến 25 người bạn và 6% có từ 26 đến 50 người bạn. Chỉ 3% nói rằng họ có hơn 50 người bạn.

Cứ 8 người Anh, bất kể giới tính, thì có một người cho biết họ chỉ có một người bạn thân, trong khi 7% không có bạn thân nào cả. Một nửa trong số 7% những người tuyên bố không có bạn thân cho biết họ có bạn nhưng không có bạn nào mà họ coi là thân thiết; 25% nói rằng họ khó kết thân với người khác và 25% còn lại cho biết họ không còn hòa hợp hoặc bị mất liên lạc với những người bạn thân cũ.

Ở nhóm có bạn thân, 19% không tin rằng cứ xem người đó là bạn thân nhất thì sẽ được đáp lại giống vậy và 3% tin chắc rằng người mà họ coi là bạn thân nhất không quý họ theo cách tương tự ở chiều ngược lại.

Tình bạn là điều mà các triết gia cổ đại từng rất coi trọng. Ví dụ, ở thời của Aristotle, tình bạn được coi là mối quan hệ lý tưởng vì đây là mối quan hệ hoàn toàn bình đẳng một cách đúng nghĩa, bạn bè không có ý nghĩ lợi dụng nhau, phụ thuộc nhau, không mang đến cảm giác có qua có lại. Trong khi hầu hết các mối quan hệ khác vào thời đó dường như giống một loại giao dịch "tiền trao cháo múc".

Lỗi tại thời đại (không phải đại dịch)

Theo tác giả Richard Reeves của Big Think, suy thoái tình bạn có thể là kết quả của một số yếu tố điển hình tại Mỹ, vốn đã khiến những thể chế cơ bản như gia đình, hôn nhân và tôn giáo sụt giảm vị thế, nói chi chuyện bạn bè.

Đầu tiên là sự di chuyển về địa lý. Nhiều người chuyển đến những thành phố lớn an cư lạc nghiệp, xa cách bạn bè. Hai là các bậc cha mẹ dành nhiều thời gian nuôi dạy, chăm sóc con cái hơn giao du bè bạn. 

Chưa kể những người "bán mình" cho công việc, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đến mức không còn nhiều năng lượng và thời gian dành cho bạn bè. Đổ vỡ hôn nhân cũng là một trong những nguyên nhân, bởi nhiều mối quan hệ bạn bè được hình thành thông qua quen biết với vợ hoặc chồng.

Bên cạnh đó, nhà tâm lý học Marisa G Franco, tác giả cuốn sách về "khoa học của sự gắn kết" và tình bạn Platonic, cho rằng nhiều người trong chúng ta đang dần trở nên xa cách về mặt giao tế xã hội mà chính bản thân họ cũng không hề hay biết. Franco đặt tên cho hiện tượng này là "cô đơn riết thành quen". Cô giải thích: "Không phải họ ngừng giao lưu mà họ dần quen với việc không giao lưu cũng không sao".

Theo Franco, một nghiên cứu gần đây do Trung tâm nghiên cứu Pew Research của Mỹ thực hiện cho thấy 35% mọi người cảm thấy rằng giao tiếp xã hội ít quan trọng hơn so với trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho đại dịch, dù đại dịch quả thật đã tạo ra thách thức lớn cho nhiều mối quan hệ nói chung, trong đó có tình bạn.

Trước dịch, Sarah (@sarahhchia) luôn có những người bạn cùng nhà sẵn sàng đồng hành dạo phố, song hiện tại, cô đang sống một mình và cảm giác như muốn hẹn ai đi chơi cũng cần đặt lịch trước vài tuần. 

"Trước COVID, tôi cảm thấy tình bạn mà tôi có sâu sắc hơn và phù hợp với mong đợi của tôi hơn. Mọi người cởi mở hơn rất nhiều trong việc tụ tập làm vài ly sau giờ làm việc, hoặc những điều thân mật tương tự, nhưng bây giờ tôi cảm thấy mọi thứ phải được lên kế hoạch" - Sarah chia sẻ với tác giả Trey Williams của Fortune.

Chia sẻ những thay đổi này trên TikTok, Sarah nhanh chóng nhận được nhiều bình luận đồng cảm. Theo Trung tâm Khảo sát về đời sống Mỹ (SCAL), khoảng một nửa số người Mỹ mất liên lạc với ít nhất một người bạn trong đại dịch. Trong đó, gần 60% những phụ nữ trẻ như Sarah cho biết họ mất liên lạc với ít nhất một vài người bạn và 16% cho biết họ không còn liên lạc thường xuyên với hầu hết bạn bè.

Nhưng cũng chính SCAL khẳng định rằng sự xuống cấp về chất lượng tình bạn và các mối quan hệ cá nhân đã diễn ra từ nhiều thập niên trước chứ không phải mới đây. Cụ thể, ở nam giới, quan hệ xã hội đã liên tục suy giảm trong khoảng 30 năm trở lại đây. 

Trong một cuộc thăm dò năm 1990 của Viện thăm dò dư luận Gallup, 75% số người được hỏi cho biết họ có một người bạn thân nhất. Đến năm 2021, 59% số người được khảo sát bởi SCAL cho biết họ có một người bạn thân nhất. Hai con số này và những nghiên cứu, khảo sát đã nêu, càng chứng minh rằng "suy thoái tình bạn" là cả một quá trình.

Có một cuộc "suy thoái tình bạn" - Ảnh 4.

Tác giả Williams cho rằng chính sự phát triển của thời đại, mà cụ thể là mạng xã hội, đã khiến bản chất tình bạn không còn được như xưa. Dù không thể phủ nhận các ứng dụng này khiến mọi người cảm thấy được kết nối nhiều hơn, chúng đồng thời tạo nên các rào cản đối với việc kết nối ngoài đời thực.

Nhà khoa học hành vi và giáo sư Đại học Michigan Jeffrey Sanchez-Burks chỉ trích rằng nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã phá hỏng ý nghĩa thực sự của từ "bạn bè" với tính năng kết bạn trên mạng xã hội này. 

Sanchez-Burks chất vấn: "Đó chỉ là một nút để ta nhấp vào trên màn hình. Vậy thì còn ý nghĩa gì nữa? Vấn đề thực sự nằm ở chỗ chúng ta có những loại tương tác nào và chúng có đúng nghĩa là tương tác giữa người với người không? Nhìn chung, mọi người đều đánh giá rằng cuộc sống của họ đang thiếu những tương tác chất lượng cao hơn chỉ như thế này".

Ông nói với Fortune: "Công nghệ cho chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta đang gặp mặt trực tiếp, nhưng thực ra không phải vậy. Tôi rất ủng hộ việc đối xử với mọi người tại nơi làm việc như những con người toàn diện và phức tạp chứ không phải những con ong thợ nhỏ, nhưng chúng ta có thể đã quên rằng tại nơi làm việc thực sự có những tương tác giữa người và người với nhau. Những người này không nhất thiết phải trở thành bạn của ta, nhưng chúng ta cần sự tương tác đó".

7 giai đoạn tình bạn

Theo tạp chí You Magazine, từ những người bạn thơ ấu, nhóm bạn học sinh, cho đến nhóm làm bài tập thời đại học, rồi đồng nghiệp, tình bạn trải qua bao thăng trầm, lúc lên lúc xuống.

Nhìn chung, lứa tuổi mà một cá nhân có những người bạn đầu tiên là khi bắt đầu đi học. Những người bạn đầu tiên có thể là bạn cùng lớp, bạn có cùng sở thích khi đi học thêm, lớp học năng khiếu và những hoạt động tương tự.

Khi bắt đầu đi làm, con người có thể giao lưu với nhiều người ở mọi độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Mọi người cũng có thể kết bạn với đồng nghiệp của bạn bè mình. Đây có thể xem như những năm tháng giao thiệp rộng rãi nhất trong một đời người.

Khi đã có bạn đời, nhiều người có xu hướng dành toàn thời gian cho một nửa của mình. Trong khi đó, vẫn có những cá nhân chọn mở rộng quan hệ xã hội, hẹn hò đôi, hoặc tụ tập với bạn bè để không trở nên quá phụ thuộc hay bó buộc nửa kia của mình.

Bảy giai đoạn tình bạn. Minh họa: Luci Gutiérrez

Bảy giai đoạn tình bạn. Minh họa: Luci Gutiérrez

Nhiều người nghĩ rằng có em bé là lúc mỗi cá nhân đến ngủ cũng không có thời gian, lấy đâu ra thì giờ cho việc giao tế xã hội. Nhưng trên thực tế, trở thành ba mẹ khiến mọi người gia nhập nhiều hội nhóm hơn để tham khảo kinh nghiệm chăm con. Khi có cùng mối quan tâm và đối mặt những khó khăn giống nhau, các bên không sợ đối phương không hiểu hay nhàm chán với những gì mình nói.

Trong giai đoạn này, quan hệ với bạn bè vẫn còn độc thân hoặc chưa bận tâm chuyện con cái có thể trở nên lỏng lẻo hơn. You Magazine cho rằng điều này không đáng lo ngại vì tình bạn giữa đôi bên sẽ lại keo sơn khi người bạn độc thân, vô lo rồi cũng có em bé, hoặc khi con cái bắt đầu đi học, hay khi con cái tốt nghiệp, vào đời kiếm sống, và các bậc phụ huynh lại có thời gian cho riêng mình. Trong lúc đợi "nối lại tình xưa", những người bạn độc thân có thể tìm đến nhau để gỡ rối tơ lòng.

Bước vào độ tuổi "lão làng" trong công việc, bạn bè có thể ít gặp nhau vì nhiều lý do nhưng sắp xếp dành cho nhau một buổi hẹn ăn tối mỗi tuần có lẽ không phải việc bất khả thi. Ở độ tuổi này, tình bạn mới vẫn có thể nở rộ ở những câu lạc bộ, hội nhóm tấp nập thành viên ra vào, như hội đánh cầu lông chẳng hạn.

Giai đoạn sau đó, có người cảm thấy trống trải vì con cái trưởng thành và có cuộc sống riêng của chúng. Đây là lúc nhiều người cảm thấy đã quá muộn và không còn phù hợp để kết bạn mới, nếu chẳng may họ không còn duy trì liên lạc thường xuyên với bạn cũ.

Ở tuổi "xế chiều", người thì bận trông cháu, người thì chuyển đến sống gần con, một số thì không đủ, lẫn mặc cảm về điều kiện tài chính nên không thể "hẹn hò" với bạn bè xưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận