01/03/2022 12:18 GMT+7

Công ty chứng khoán đưa đánh giá tác động của xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam

LÊ THANH - BÔNG MAI
LÊ THANH - BÔNG MAI

TTO - Nhiều công ty chứng khoán đưa báo cáo đánh giá tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine với nền kinh tế Việt Nam.

Công ty chứng khoán đưa đánh giá tác động của xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam - Ảnh 1.

Nga bị Mỹ và các nước phương Tây loại ra khỏi SWIFT được ví như mạng xã hội của các ngân hàng, tổ chức tài chính - Ảnh: REUTERS

Theo Công ty chứng khoán BSC, trong trường hợp căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, giá dầu sẽ khó giảm mà tiếp tục neo ở mức cao. Giá bán được điều chỉnh tăng sẽ giúp biên lợi nhuận của không ít doanh nghiệp ngành dầu khí của Việt Nam được cải thiện.

Bà Nguyễn Hoài Thu - giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital - cũng đưa cảnh báo đến nhà đầu tư về rủi ro lạm phát. Cụ thể, ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. 

Về phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp do căng thẳng Ukraine - Nga gây ra. Chẳng hạn như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga) có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận.

Chưa kể những công ty lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán để bù lại chi phí nguyên liệu/vận chuyển tăng cao cũng bị ảnh hưởng trực tiếp - đa phần là doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng có thể chịu ảnh hưởng kép khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn.

Tuy nhiên, chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng rủi ro đề cập phía trên không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của các doanh nghiệp thuộc ngành có lợi thế cạnh tranh bền vững và hưởng lợi từ câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Việt Nam như: ngân hàng, khu công nghiệp, dịch vụ nội địa và hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông, hàng hải và năng lượng).

Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan). Hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Công ty chứng khoán VNDIRECT dự báo lạm phát tại Việt Nam năm nay sẽ vẫn được kiểm soát ở mức 3,4%, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra.

Việt Nam sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, từ đó tạo xung lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm 2022.

Các lệnh trừng phạt, bao gồm việc các nước Mỹ, Anh, Canada và Ủy ban châu Âu thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí.

Đơn cử các dự án nhiệt điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) do Power Machines (Nga) là tổng thầu đang chậm kế hoạch 2 năm do vướng lệnh cấm vận. Dự án điện khí Quảng Trị (340MW) mà Gazprom (Nga) tham gia đầu tư cũng đang chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu.

Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) do liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ) đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 4-2021 vẫn chưa được khởi công.

Theo Trung tâm nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán VNDIRECT, việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất (tới 35%) cho châu Âu. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn (do biện pháp trả đũa của Nga) có thể gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của châu Âu.

SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Nga bị loại khỏi SWIFT, người dân đổ xô đi rút tiền mặt Nga bị loại khỏi SWIFT, người dân đổ xô đi rút tiền mặt

TTO - Người dân Nga đang đổ xô đến các máy ATM và chi nhánh ngân hàng để rút tiền mặt, cả bằng đồng ruble và USD, do lo ngại đồng tiền mất giá và không thể sử dụng trong hệ thống thanh toán quốc tế.

LÊ THANH - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên