05/07/2021 09:29 GMT+7

Cùng con vào thời đại số - Mạng xã hội: khắc tinh mùa thi

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trong thời đại số, chuyện thi cử dường như cũng không tránh khỏi những tác động đa chiều từ thế giới ảo. Những ứng dụng mạng xã hội đôi khi lại là 'con dao hai lưỡi', lắm lúc để lại ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các thí sinh.

Cùng con vào thời đại số - Mạng xã hội: khắc tinh mùa thi - Ảnh 1.

Những ứng dụng mạng xã hội đôi khi lại là "con dao hai lưỡi", lắm lúc để lại ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các thí sinh. Trong ảnh: thí sinh dùng điện thoại trong khi chờ tới lượt lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sáng 3-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không ít thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thừa nhận mình thật sự rất "sợ" và chủ động tránh xa mạng xã hội để giữ tinh thần tốt nhất cho mình.

Xóa luôn ứng dụng trước thi

Thu Hiền là học sinh lớp 12 tại TP Thủ Đức (TP.HCM) đang chuẩn bị bước vào đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiền học không tệ nhưng không quá giỏi và hiện chưa trúng tuyển đại học bằng các hình thức xét tuyển khác. Chính vì vậy, kết quả những ngày thi tới đây có ý nghĩa rất lớn với bạn.

Muốn dồn hết sức ôn tập, suốt gần một tháng qua Hiền đã nói "không" với mạng xã hội. Hiền cho rằng thông tin trên các trang mạng ngày càng phức tạp khiến mình dễ đắm chìm vào những dòng "thị phi", những cuộc tranh cãi miên man.

Ngoài thông tin thi cử, cư dân mạng thời gian qua còn "sôi sục" từ các tin tức COVID-19, banh bóng mùa Euro, đến đời tư nghệ sĩ, chuyện "đấu đá" trên livestream...

Đó là chưa kể những dòng "than thở" của chính thí sinh. Hiền kể nhiều lần sáng hôm sau thi nhưng tối hôm trước không ít bạn lên Facebook than "Làm sao đây, còn nhiều bài quá" hay "Cầu cho ngày mai thoát nạn"... Hiền chia sẻ những tâm tư tiêu cực như vậy rất dễ làm bạn xuống tinh thần.

"Nói thật là lúc này mình rất sợ dùng các loại mạng xã hội, xem thấy nội dung tốt thì không sao, chứ gặp thứ tiêu cực lại làm mình mất tự tin" - Hiền nói.

Lê Toàn Hiển, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), thời gian qua cũng chủ động "né" Facebook. Càng đến gần ngày thi, Hiển càng hạn chế tương tác và gần như không để lại bất cứ bình luận gì trên các bài đăng để tránh va phải những ồn ào không đáng có.

Tương tự, Lương Quang Huy Bảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM), cũng bắt đầu giảm tương tác trên trang Facebook hơn 2 tuần kể từ sau những tranh cãi xem nên thi tốt nghiệp 1 hay 2 đợt. Bảo kể nhiều bạn đã "đăng đàn" tỏ thái độ không hay khi TP quyết định thi 2 đợt. Có những cuộc "đấu khẩu" nảy lửa mà nếu lao vào sẽ khó có lối thoát.

Theo Bảo, mệt mỏi nhất là lên Facebook trong kỳ thi. Kết thúc một môn nào đó, nhiều bạn "khoe" làm tốt, có bạn buồn vì chưa ổn, có bạn đi tìm đáp án...

"Nếu chẳng may môn đầu tiên không làm tốt, mình đọc những thứ này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng làm bài và kết quả của các môn sau. Nên lần này mình sẽ xóa luôn các ứng dụng mạng xã hội và chỉ cài đặt lại khi thi xong" - Huy Bảo nói.

Không nên lên mạng xã hội dò đáp án

Mùa thi năm 2020, ông Võ Kim Bảo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) - từng chia sẻ một bài viết trên trang cá nhân khuyên học trò không nên lên mạng tra cứu hoặc hỏi thầy cách giải đề sau từng môn thi nhằm tránh ảnh hưởng tâm lý. Lời khuyên của thầy Bảo nhận được hàng ngàn lượt tương tác của học sinh và phụ huynh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Bảo cho rằng mạng xã hội có thể gây ra những sự hoang mang rất lớn nếu người dùng không ý thức được mức độ ảnh hưởng của nó. Trên mạng, người ta thích câu "view", câu "like" nên một số chia sẻ về đề thi, bài thi, cách giải đôi lúc cũng có ý muốn giật gân.

Theo thầy Bảo, sự hoang mang ấy không chỉ với học sinh mà còn với cả phụ huynh. Nhiều lần phụ huynh lướt Facebook thấy có trang nói đề thi có sai sót thì lập tức nhắn tin hỏi thầy Bảo có phải vậy không. Hoặc cũng có trường hợp phụ huynh sau khi đọc nhận xét đề trên mạng liền "chất vấn" con làm bài thế nào, rồi bắt con gọi cho thầy nghe nhận xét về bài làm.

"Theo tôi, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm từ các chuyên gia để xem có thể đi cùng con như thế nào trong mùa thi hơn là chỉ quan tâm đến đề và đáp án trên mạng xã hội. Phụ huynh cũng có thể giữ điện thoại giùm con cho hết mùa thi để con giữ tâm lý ổn định nhất, tránh những ảnh hưởng từ môi trường mạng" - thầy Bảo nói.

Dễ phân tâm

Nguyễn Lê Gia Khánh (21 tuổi, Gia Lai), thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (TP.HCM) năm 2018, chia sẻ mình từng không lên Facebook trong giai đoạn nước rút mà chỉ dùng Messenger để liên lạc.

Khánh "mách nước" với những bạn muốn cập nhật thông tin thời sự để thi tốt các môn xã hội hãy nên lựa chọn đọc báo đài thay vì lướt mạng xã hội để "hóng" tin. "Mình không lên Facebook kiểm tra đáp án trong những ngày thi vì sẽ rất dễ phân tâm" - Gia Khánh nói.

Phụ huynh đồng hành cùng con thế nào?

TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), chia sẻ năm nay mức độ áp lực cho các thí sinh có thể cao hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch COVD-19. Nếu như mọi năm, các bạn có thể đến trường ôn tập, được trò chuyện cùng bạn bè, đi đây đó thư giãn thì nay gần như phải ở nhà suốt 2 tháng trước thi.

Theo TS Huyền, phụ huynh cần hiểu được bối cảnh đó để ân cần ở bên và hỗ trợ tinh thần cho con. Sự động viên này cần cái "tâm" thật sự thì con mới thoải mái và làm bài tốt nhất. Những câu nói "Cố lên con!" nếu chỉ nói suông và lặp đi lặp lại liên tiếp đôi khi phản tác dụng. Con sẽ cảm thấy cha mẹ đang đặt kỳ vọng quá nhiều vào mình.

Thay vào đó có thể khích lệ con hãy làm tốt nhất trong khả năng và thi như thế nào để không còn điều gì hối tiếc sau khi nộp bài.

"Cha mẹ có thể dặn dò con nên tập trung thể hiện hết khả năng của mình. Và khi đã cố gắng hết sức, con có thể hài lòng về kết quả mình đạt được" - TS Huyền nói.

Càng dùng nhiều mạng xã hội, càng có nguy cơ trầm cảm

mang xh

Nhiều nghiên cứu cho thấy thời gian sử dụng mạng xã hội có tác động đến sức khỏe tinh thần của người trẻ - Ảnh: GETTY IMAGES

Nhóm nghiên cứu của ĐH Arkansas (Mỹ) khảo sát trên khoảng 1.000 trẻ vị thành niên trong 6 tháng về các chỉ số tương quan giữa thời gian sử dụng mạng xã hội và các dấu hiệu xuất hiện hội chứng trầm cảm.

Kết quả của công trình được đăng trên chuyên san American Journal of Preventive Medicine cho thấy nguy cơ trầm cảm tăng tỉ lệ thuận với thời gian mỗi người dành cho mạng xã hội.

Cụ thể, những bạn trẻ dùng các ứng dụng như Facebook, Instagram, TikTok... ít nhất 5h/ngày sẽ có nguy cơ mắc một số biểu hiện trầm cảm gấp 3 lần so với những người chơi mạng xã hội ít hơn 2h/ngày.

Đặc biệt với những bạn "đắm chìm" trong thế giới mạng 3,5 - 5h/ngày, nguy cơ gặp phải triệu chứng trầm cảm cao gấp 2 lần so với nhóm dùng ít (không quá hơn 2h/ngày).

TS Brian Primack - ĐH Arkansas (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết dù chưa thể chứng minh định tính chỉ ra các mạng xã hội dẫn tới trầm cảm, tuy nhiên rõ ràng kết quả công trình cho thấy có sự liên quan nhất định giữa 2 vấn đề trên.

Ở độ tuổi càng nhỏ, biểu hiện chứng trầm cảm khi dùng nhiều mạng xã hội càng rõ rệt. Các bạn có xu hướng thu mình, ngại giao tiếp với mọi người và luôn có cảm giác không đủ thời gian sống trong thế giới ảo.

Ngoài ra, các bạn thường có tâm lý hay so sánh bản thân với người khác, đôi lúc cảm thấy thua thiệt và thất vọng vì đời sống trên mạng của mình không thể bằng sự "hào nhoáng" của bạn bè xung quanh.

"Từ đó họ sẽ mất động lực ở cuộc sống thực với các mục tiêu thực và mối quan hệ thực. Những trường hợp nặng, họ có thể không thiết gì đến cuộc sống nữa" - TS Brian Primack nói.

VĂN KHOA

Cùng con vào thời đại số: Giãn cách, mẹ phát hiện con gái 14 tuổi Cùng con vào thời đại số: Giãn cách, mẹ phát hiện con gái 14 tuổi 'thần tốc' có 3 mối hẹn trà sữa

TTO - Chị N.T.V.K. (41 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phát hiện trong những ngày nghỉ hè cô con gái 14 tuổi đã dùng một lúc hai ứng dụng kết bạn, hẹn hò. Mỗi ngày con dành gần 2 tiếng lướt xem hình ảnh của các chàng trai và nhắn tin "tám" chuyện.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên