Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Chí Thành - Ảnh: MINH HÒA

Trong đợt phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 6-2023 vừa qua, trung tá Nguyễn Chí Thành - phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM - đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này.

Nói vậy vì danh hiệu cao quý này thường chỉ ở các lực lượng chống tội phạm. Song thành tích của một người lính cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ, một người xông pha giữa "bão lửa", tuyết giá… cứu người trong hơn 22 năm dường như đã quá đủ để thuyết phục và xứng đáng với danh hiệu anh hùng.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 2.
Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 3.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra động đất (tháng 2-2023), nước bạn cầu cứu cộng đồng quốc tế và Việt Nam đã nhanh chóng cử ngay lực lượng cứu hộ đến vùng tâm chấn hỗ trợ cứu người.

Đội cứu hộ Việt Nam được lựa chọn từ những người lính tinh nhuệ, xuất sắc nhất. Trung tá Nguyễn Chí Thành đã quá đỗi nổi tiếng với những chiến công nên anh hiển nhiên là người được chọn, là một trong số năm chiến sĩ của Phòng PC07 tham gia chuyến cứu hộ này.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 4.

Đoàn công tác cứu hộ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ quốc tế - Ảnh: Thành viên đoàn cung cấp

Lúc 14h30 ngày 9-2, khi nhận lệnh khẩn từ Bộ Công an, trung tá Thành cùng bốn chiến sĩ được triệu tập gấp, nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Anh chỉ kịp "nhét" vài bộ đồ vào ba lô rồi lên đường, trên xe đến sân bay chỉ kịp gọi cho vợ dặn dò: "Đưa con đi học xong rồi nhớ tưới rau nha em".

Ngoài gia đình riêng, phía sau anh còn người mẹ già. Lòng anh muốn kìm lại, chỉ muốn nói dối mẹ là đi du lịch dài ngày, song trái tim người lính - người con trước mẹ già luôn chân thật. Mẹ anh biết con mình sẽ đến nơi hiểm nguy, bà bật khóc.

Hội quân tại Hà Nội, đoàn Việt Nam cất cánh đến thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mất hơn 10 tiếng rồi nối chuyến ngay đến sân bay ở thành phố Adana. Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển cùng hàng tấn thiết bị, dụng cụ, xuyên đêm bằng đường bộ hơn 300km đến thành phố Adiyaman - nơi thảm kịch động đất vừa xảy ra.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 5.

Đoàn cứu hộ Việt Nam làm việc giữa trời lạnh giá tuyết - Ảnh: Thành viên đoàn cung cấp

Trung tá Thành nhớ lại Adiyaman trước mắt anh là khung cảnh đổ nát, những tòa nhà cao tầng sập đổ chồng vào nhau cao như núi và vẫn còn những dư chấn chực chờ kéo sập tất cả. Toàn bộ đoàn Việt Nam khẩn trương tìm vị trí an toàn dựng lều dã chiến và bắt tay vào nhiệm vụ tìm kiếm, đào bới trong đống đổ nát tìm sự sống. Thông tin từ cơ quan sở tại, vị trí Việt Nam đóng quân có ít nhất 10 người đang mắc kẹt.

Người lính cứu hỏa kinh qua bao trận "bão lửa", song chưa bao giờ đối diện với nhiệm vụ đầy thách thức và chưa có tiền lệ. Không điện, không nước sạch, sóng điện thoại chập chờn. Đoàn phải bay qua hàng ngàn km và vượt hàng trăm km đường bộ, tất cả đều mệt nhoài vì lệch múi giờ và sức công phá của cái lạnh thấu xương - 6℃. Họ phải đốt củi sưởi ấm. Sống bình thường dưới thời tiết này vốn là chuyện khắc nghiệt. Nhưng mỗi giờ qua đi, dưới đống đổ nát kia người mắc kẹt đang chờ đợi một phép màu.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 6.
Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 7.

Tổ đội trung tá Thành bắt tay ngay vào việc tìm kiếm quanh khu vực, dùng máy đo thân nhiệt rà kiếm từng sóng âm dưới những khối bê tông chồng chất.

Ngày hôm đó, đội đào bới liên tục từ 7h30 đến 18h30 cho đến khi nghe thấy một tiếng gõ vọng ra từ bên trong đống đổ nát. Gần như không tin nổi, đã qua sáu ngày (gần 144 giờ) từ lúc thảm kịch động đất xảy ra vẫn có người còn sống. Những tiếng gõ vẫn vọng ra như mệnh lệnh hối thúc các anh tăng tốc, bằng mọi giá đưa nạn nhân ra ngoài.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 8.

Đoàn cứu hộ Việt Nam làm việc giữa trời lạnh giá tuyết - Ảnh: Thành viên đoàn cung cấp

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 9.

"Lúc này đoàn quyết định phải dùng tay đào vì dùng máy móc sẽ làm rung lắc khối bê tông đổ ào xuống. Và tôi là người thực hiện nhiệm vụ này, dùng tay đào khoảng 7m thì nghe thấy tiếng gõ, tôi đã có trao đổi ngắn với nạn nhân. Tôi hô to "Hello" và được đáp lại "Hello". Tôi tiếp tục hỏi "How are you?" (Bạn thế nào?) thì người bên kia cũng đáp lại rõ ràng", trung tá Thành nhớ lại.

Rất may, vị trí nạn nhân mắc kẹt an toàn, có nước uống và có lỗ thông khí nên thở được. Đặc biệt hơn, nạn nhân không bị thương nặng.

Cùng lúc ấy, ở một hướng khác, đoàn cứu hộ của quân đội Pakistan cũng đang dò tìm, đào bới, dùng sóng âm tiếp cận nạn nhân. Hai đoàn trao đổi, thống nhất với nhau các việc cần làm để mau chóng cứu người. Đoàn Việt Nam làm nhiệm vụ mở đường để đội Pakistan mang thiết bị vào hỗ trợ đưa nạn nhân ra an toàn.

"Một thiếu niên 17 tuổi được giải cứu thành công, ánh mắt lấp lánh của nạn nhân giữa đêm tối, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc" - anh Thành nhớ lại. Những ngày sau đó, không có thêm phép màu nào nữa nhưng đội cũng cố gắng đào bới, tìm kiếm được 14 thi thể.

Nhiệm vụ hoàn thành 10 ngày, đoàn Việt Nam về nước. Lúc di chuyển ra sân bay, đoàn có ghé một quán ăn, chủ quán và nhân viên đứng xung quanh vỗ tay và đặt tay lên ngực cảm ơn đoàn khi biết đoàn cứu hộ Việt Nam đã cứu được cậu thiếu niên 17 tuổi.

Trung tá Thành cũng chia sẻ chuyến công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ đã cho anh và toàn đội những bài học kinh nghiệm quý báu để áp dụng cho những nhiệm vụ, kịch bản cứu hộ, cứu nạn trong tương lai.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 10.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Chủ tịch nước phong tặng trung tá Thành không phải chỉ ghi nhận mỗi chiến công ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 22 năm qua, từ một người lính đến vị trí chỉ huy đội, trung tá Thành đã có mặt ở hầu hết những thảm kịch khốc liệt nhất, khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để cứu hộ hơn 1.000 vụ.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 11.

Anh Thành chia sẻ có lần vào hang sâu mắc kẹt, ngoài trời nước mưa cứ cuốn xuống, khả năng ngập hang, bản thân đối diện với khoảnh khắc hiểm nguy tưởng chừng không thể nào vượt qua, động lực lớn nhất khi ấy là anh nghĩ về gia đình. Họ luôn đợi anh ở nhà, là thứ ánh sáng để anh cố gắng vượt qua vô vàn thời khắc sinh - tử.

Để có những thành công như hôm nay, phía sau anh Thành luôn có hậu phương vững chắc là gia đình. Cha, mẹ anh mặc dù rất lo lắng cho công việc của con nhưng cũng rất tự hào vì anh đã làm được rất nhiều việc tốt và ý nghĩa. Hơn nữa, anh Thành còn được sự thương yêu, động viên từ người vợ, luôn âm thầm ở phía sau lo lắng cho chồng nên anh toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc.

Nói về danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đây là danh hiệu quý giá nhất của người lính. Hạnh phúc hơn là Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Phòng PC07 cũng được phong tặng là tập thể đạt danh hiệu Anh hùng. Anh hùng trong tập thể Anh hùng không gì vui và tự hào hơn nữa.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 12.

Trung tá Thành cùng đồng đội được lãnh đạo Công an TP.HCM tặng hoa chúc mừng sau khi hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Nhớ lại hai nhiệm vụ ở Cao Bằng, Hà Giang sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người nhà họ đến bên lực lượng cứu nạn, cứu hộ quỳ xuống và cảm ơn. Những hình ảnh đó khiến tôi rất xúc động, tự hào. Đã chọn làm lính cứu hỏa là làm bằng cả trái tim và lương tâm của mình. Khi tôi và đồng đội cứu sống được một người, cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả. Trong khi đó, với những nạn nhân không may tử vong, nếu mình bỏ cuộc nghĩa là họ mãi mãi nằm lại nơi xảy ra sự cố. Tâm tình này là động lực của anh em chúng tôi và giúp chúng tôi vững vàng hơn trước mỗi lần nhận nhiệm vụ, lên đường" - trung tá Thành chia sẻ.

Cứu người trong bão lửa, tuyết giá - Ảnh 13.

Nội dung và hình ảnh: MINH HÒA
Trình bày: VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên