Đào tạo và tuyển dụng giáo viên: Để xã hội tham gia, nhà nước cũng tốt hơn

CHIÊU VĂN 12/06/2023 11:33 GMT+7

TTCT - Tình trạng tuyển dụng giáo viên trở nên rối rắm như hiện nay là do nhà nước đã ôm đồm quá nhiều thứ và đang giẫm chân lên nhau.

Ảnh: NY Times

Ảnh: NY Times

Sau khi tốt nghiệp cử nhân báo chí ở Đại học New York, Tim Kennedy muốn có thêm trải nghiệm sống, đóng góp sức trẻ cho xã hội và cũng là chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp. 

Anh đăng ký một khóa học ngắn hạn lấy chứng chỉ sư phạm được tiểu bang xác nhận và gia nhập Teach for America - tổ chức phi lợi nhuận chuyên chiêu mộ giáo viên từ đội ngũ cử nhân đại học các trường hàng đầu nước Mỹ, đặc biệt là cho 52 cộng đồng có thu nhập thấp ở những vùng đặc biệt khó khăn của Mỹ. 

Tim sau đó được phân công giảng dạy môn ngữ văn hai năm ở một trường cấp II vùng hẻo lánh tiểu bang Arkansas, một trong những bang nghèo nhất nước Mỹ.

Tự trị tuyệt đối

Suốt quá trình đào tạo, tuyển dụng và làm việc của giáo viên đó, ta hầu như không thấy bóng dáng nhà nước. Nguyện vọng của Tim là hoàn toàn cá nhân. Nơi cấp chứng chỉ sư phạm cho anh là một tổ chức độc lập, được tiểu bang xác nhận. 

Teach for America là tổ chức phi lợi nhuận hoàn toàn dân sự. Các trường học và học khu giáo dục công lập ở Mỹ đều hoạt động độc lập, dựa trên thuế thu được từ dân chúng trong vùng địa lý mà học khu đó phục vụ, và chịu trách nhiệm trước những người đóng thuế trả lương cho họ. Họ có toàn quyền tuyển dụng và bổ nhiệm giáo viên. 

Bằng cách như vậy, nước Mỹ tận dụng được nguồn lực toàn xã hội đúng nghĩa phục vụ cho giáo dục - cái hay của nhà nước là làm sao tạo ra được cơ sở hạ tầng pháp lý - lòng tin để xã hội vận hành như vậy.

Hoàn toàn có thể hình dung không ít cử nhân trẻ tuổi và tài năng ở Việt Nam sẵn sàng bỏ ra vài năm sau khi tốt nghiệp để đến với những vùng sâu vùng xa, vùng còn thiếu giáo viên nhưng hiện giờ, nếu họ không tốt nghiệp đại học sư phạm, thì không có cơ chế nào để tạo điều kiện, khuyến khích hay mời gọi họ làm như vậy.

Những mô hình châu Á

Ở một thái cực khác, quá trình đào tạo và tuyển chọn giáo viên ở Singapore lại có sự tham gia chặt chẽ của nhà nước gần như từ đầu tới cuối. Trang Hội Châu Á (Asia Society) cho biết Bộ Giáo dục Singapore lựa chọn rất cẩn thận những giáo viên tương lai trong nhóm 1/3 học trò giỏi nhất tốt nghiệp phổ thông. 

Sinh viên sư phạm ở nước này khi còn đi học nhận mức lương tương đương 60% lương giáo viên và phải cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ dạy học tối thiểu ba năm.

Toàn bộ giáo viên ở Singapore được đào tạo qua Viện giáo dục quốc gia danh giá thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, với sự tham gia của các giáo viên dày dạn kinh nghiệm. 

Mỗi năm, Bộ Giáo dục cũng đánh giá lại lương khởi điểm cho giáo viên và có thể điều chỉnh mức lương để đảm bảo nghề dạy học đủ hấp dẫn so với các nghề khác trong xã hội. 

Nhưng do hiểu rằng nghề giáo khó có thể cạnh tranh về mặt tài chính với các nghề khác, Bộ Giáo dục Singapore còn đưa ra nhiều khuyến khích phi hiện kim rất hấp dẫn.

Ví dụ, giáo viên ở nước này mỗi năm có 100 giờ "phát triển nghề nghiệp" do ngân sách chi trả, có thể tập trung cụ thể vào bộ môn giáo viên đó giảng dạy, hoặc kiến thức chung về quản lý giáo dục cho những ai muốn nhắm tới bằng cấp và chức vụ cao hơn. 

Các khóa học phát triển nghề nghiệp cũng có thể là ở nước ngoài. Singapore còn có Trung tâm Giáo viên được lập vào năm 2010, là nơi để giáo viên cả nước chia sẻ những cách làm tốt nhất của họ trên lớp.

Sau ba năm giảng dạy, một giáo viên ở Singapore sẽ có con đường sự nghiệp rõ ràng với ba lựa chọn: trở thành giáo viên giỏi (master teacher) môn của mình, trở thành chuyên gia về giáo án và nghiên cứu phương pháp giáo dục, hoặc lãnh đạo trường, mỗi con đường đều có thang bậc tăng lương lên cụ thể.

Cũng như trường hợp nước Mỹ, văn hóa và bối cảnh là quan trọng. Singapore là một nước nhỏ và có hệ thống giáo dục tập trung hóa hơn nhiều so với nước Mỹ mênh mông và đa dạng, nên việc triển khai các chính sách cũng dễ dàng hơn.

Ở giữa hai thái cực đó: tự trị gần như tuyệt đối ở Mỹ, và kế hoạch chặt chẽ như ở Singapore, là thiên hình vạn trạng các mô hình tuyển dụng giáo viên khác. Một số nước có chính sách lựa chọn chặt chẽ khi giới hạn đầu vào những người muốn học sư phạm (Việt Nam hiện ở trong số này). 

Một số nước khác để sinh viên các ngành khác cũng có thể trở thành giáo viên (trước năm 2014, ở Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp, nói ví dụ, khoa học tự nhiên hay ngữ văn Anh, cũng có thể trở thành giáo viên chuyên nghiệp sau một khóa chứng chỉ sư phạm ngắn hạn).

Nếu như Mỹ hay Singapore là quá cực đoan, thì Hàn Quốc là một trường hợp hỗn hợp mà Việt Nam có thể tham khảo: yêu cầu bằng cấp chuyên nghiệp với giáo viên mầm non và tiểu học, nhưng không có giới hạn nào cho giáo viên phổ thông: mọi sinh viên muốn trở thành giáo viên đều phải tham gia một khóa học trong đó chỉ 20% được chọn đi dạy.

Nghề giáo là một nghề rất cạnh tranh ở Hàn Quốc còn bởi giáo viên làm việc không tới 600 giờ một năm, tức chưa đầy 12 giờ mỗi tuần, so với thời gian công sở thông thường là 40 tiếng, trong một xã hội nổi tiếng là khắc nghiệt ở sở làm. 

Quy mô lớp được đảm bảo từ 37-50 học sinh. Chưa hết, Liên hiệp Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) là một tổ chức công đoàn giáo viên rất mạnh. Hằng năm họ đều gặp gỡ Bộ Giáo dục để bàn thảo về phúc lợi cho nghề giáo. (Chưa kể ba công đoàn giáo viên lớn khác, phân bổ theo vùng địa lý).

Cả ba ví dụ đã nêu đều có nhiều điểm mà Việt Nam có thể học hỏi, để giáo dục thật sự là một nỗ lực toàn xã hội, như trong những tuyên ngôn và cả mong muốn của giới hoạch định chính sách.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận