14/01/2024 11:01 GMT+7

Đạo Thầy Trò - Kỳ 2: 'Quang múa' và hành trình đến nghề thầy

'Tôi thấm thía về sự may mắn khi ta có một người thầy trong đời là thế nào', thầy Vũ Ngọc Quang kể lại.

Thầy Quang cùng biểu diễn, "tiếp lửa" cho học trò của mình - Ảnh: NVCC

Thầy Quang cùng biểu diễn, "tiếp lửa" cho học trò của mình - Ảnh: NVCC

"Trường Marie Curie (Hà Nội) có thầy dạy múa tuyệt lắm" - chị Nguyệt Lê, một phụ huynh, chia sẻ. Đó là thầy Vũ Ngọc Quang. Từng là một học sinh bị bắt nạt, bỏ bê việc học, anh đến với nghề thầy nhờ sự bao dung của những người thầy khác giúp anh nuôi dưỡng đam mê.

Cánh tay đặc biệt và đam mê âm thầm cháy

Quang có cánh tay bên phải khá đặc biệt, không có bàn tay như mọi người bình thường khác. Không biết có phải vì thế mà khi còn là một cậu bé, anh hay bị bạn bắt nạt. Nhưng anh lại có một ước mơ khác biệt và dường như nó có gì đó sai sai với ngoại hình cùng cánh tay đặc biệt của cậu.

Quang kể khi còn nhỏ chính anh cũng không nghĩ mình có thể nhảy múa, nhưng anh có thiên hướng thích một môn nghệ thuật nên chọn học mỹ thuật. Anh còn nghĩ có thể mình sẽ trở thành một kiến trúc sư chẳng hạn. Quang cũng thích chụp ảnh, và với chiếc máy ảnh nhỏ, đi đâu anh cũng chụp.

Cậu bé "bị bắt nạt" bắt đầu biết đến cộng đồng nhảy hip hop khi học lớp 8. Mặc dù vẫn vẽ, vẫn chụp ảnh, thậm chí tần suất lịch học vẽ dày đặc hơn khi anh vào lớp 10 - 11, nhưng Quang nhận thấy đam mê của anh đang chuyển dần sang nhảy múa. 

Quang vẫn ít bạn, khá khép kín, chỉ với nhảy múa khiến anh cởi mở, cảm giác giải phóng cảm xúc của mình nhiều nhất.

Ở cấp THPT, Quang bắt đầu bỏ bê việc học ở trường vì khi đó anh không chỉ đi nhảy cho vui nữa mà bắt đầu tham gia chương trình, sự kiện khác nhau của nhóm rồi lao vào tập tành nhiều hơn. 

Anh kể có thể ở ngôi trường khác, thầy cô khác, anh đã bị cho nghỉ học rồi. Nhưng cô giáo chủ nhiệm của Quang khi đó rất kiên nhẫn. Cô cũng thấu hiểu những điểm đặc biệt và đam mê của Quang.

"Nhiều học sinh bảo cô Nhung là "hung thần" vì cô rất nghiêm khắc. Nhìn cô là học sinh nào cũng răm rắp nghe theo. Nhưng với tôi, cô lại rất tình cảm và bao dung. Thời gian đó vì mải tập tành ban đêm, tôi hay ngủ quên. Đi học đằng nào cũng muộn nên trốn học luôn. 

Cô Nhung là người ủng hộ đam mê của tôi chứ không phản ứng theo cách yêu cầu tôi bỏ mọi hoạt động bên ngoài để tập trung học hành. Nhưng cô giúp tôi sắp xếp thời gian hợp lý cho việc học, việc tập", anh nhớ lại.

"Cô sẽ gọi em vào 6h mỗi sáng", Quang nhớ lại điều mà anh cho là ấn tượng nhất với mình mỗi khi nói về cô chủ nhiệm. 

Còn vì sao là "ấn tượng nhất", anh kể: "Khi đó tôi chỉ là một học sinh cá biệt, không chấp hành nề nếp, học hành sa sút. Những người như tôi thường chỉ nhận được lệnh phạt, lời nhắc nhở, mắng mỏ. Nhưng cô Nhung lại gọi điện cho tôi vì một lý do khác. 

Cô đánh thức tôi dậy mỗi sáng để kịp đến trường. Cô Nhung cũng là người trao đổi với các thầy cô giáo bộ môn về tôi để nhờ các thầy cô giúp đỡ. Cách cô giúp là để tôi vừa hoàn thành yêu cầu tối thiểu của các môn học nhưng vẫn có thời gian dành cho đam mê".

Thầy Vũ Ngọc Quang cùng học trò - Ảnh: NVCC

Thầy Vũ Ngọc Quang cùng học trò - Ảnh: NVCC

Người tiếp lửa

Quang ở trong tốp đầu đỗ vào một trường nghệ thuật sau khi tốt nghiệp THPT. Nhưng khi đến nộp hồ sơ, anh như bị "gáo nước lạnh" giội lên người khi người phụ trách tiếp nhận hồ sơ nhập học nhìn tay anh rồi nói "tay chân như thế kia thì múa sao được". 

Không chỉ một người mà một số người khác ở trường cũng e ngại, không tin Quang có thể múa được. Mà dù có làm được thì liệu anh có thể đứng trên sân khấu biểu diễn không, khi đây là môn nghệ thuật đòi hỏi khắt khe về hình thể.

Loay hoay cuối cùng Quang vẫn được nhập học nhưng không có việc gì là suôn sẻ ngay từ đầu. Anh học múa dân gian, múa đương đại, ballet và học biên đạo múa. Mọi thứ có được bằng nỗ lực gấp 2-3 lần thông thường. 

Không phải do anh không có bàn tay phải như mọi người, mà anh phải vượt qua giới hạn của bản thân và cả sự e ngại của người khác. Sự chăm chỉ vượt bậc khiến anh đạt được kết quả tốt trong thời gian học.

Quang kể ở trường học múa, anh cũng có một người thầy khác tiếp lửa. Thầy là biên đạo Quách Hoàng Điệp. Theo lời kể của Quang thì thầy ấn tượng với anh không chỉ thầy là một tài năng và có cách truyền cảm hứng cho học trò mà còn là người nhìn thấy rõ nỗ lực, sự quyết tâm của anh. 

Nghiêm khắc trong tập luyện, nhưng ở ngoài phòng tập, ranh giới thầy trò được xóa nhòa khiến anh cảm thấy mình có một người bạn lớn.

"Thầy Điệp là người dạy tôi gói bánh chưng vào dịp Tết, dạy ứng xử và nhiều điều khác trong cuộc sống thường ngày mỗi khi thầy trò đi cùng nhau, làm cùng nhau. Có những việc tôi không bao giờ có thể hình dung được dạy dỗ từ một thầy dạy múa. 

Điều đó càng khiến tôi thấm thía về sự may mắn khi ta có một người thầy trong đời là thế nào. Vì đó không chỉ dạy ta về chuyên môn mà còn dạy cách nghĩ, cách sống, cách nuôi dưỡng cảm xúc đẹp đẽ, cách tin vào chính mình.

Thầy luôn nói với tôi một tiết mục trên sân khấu có thể chỉ đạt mục đích giúp người xem mãn nhãn và có thể thư giãn, giải trí. Nhưng thầy muốn tôi nghĩ cao hơn thế, về thông điệp gửi vào đó, về những cái có thể khiến người ta ngẫm nghĩ", Quang chia sẻ.

Khi kể lại hành trình học múa, Quang nói anh không còn thấy cánh tay mình là dị thường mà xem đó là sự may mắn vì hành trình vượt khó để thành nghề khiến anh đúc rút nhiều "ưu điểm" của cánh tay đặc biệt.

Trở thành thầy giáo

Từng nghĩ mình sẽ nghiện ánh đèn sân khấu, nơi có thể thỏa mãn đam mê, nhưng rồi Quang lại chọn nghề làm thầy. Đơn giản vì anh đã gặp được những người thầy tốt. 

Nghề thầy trong hình dung của Quang nhiều ý nghĩa và ấm áp nhưng tình cảm, sự tận tâm và bao dung của những người thầy đã giúp đỡ anh ở trường phổ thông và đại học.

Trong một gala dành cho học sinh và cả cựu học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội), cô Nhung gọi Quang về và anh đã nhận giải nhì với một tiết mục biểu diễn ở gala đó. Sự quay lại ngôi trường cũ và gặp cô giáo từng để lại trong lòng mình nhiều tình cảm đẹp đẽ đã khiến anh dứt khoát chọn nghề thầy. 

Anh trở thành thầy dạy múa ở Trường Marie Curie từ đó. Không chỉ dạy học, anh là người phát hiện năng khiếu, sở thích của học sinh để chú ý hỗ trợ các em, giúp nhà trường tổ chức các chương trình, sự kiện khác nhau trong đó anh đảm nhận vai trò biên đạo múa cho nhiều tiết mục của học trò.

"Cuối cùng, tôi cũng lựa chọn một chỗ để tiếp tục đam mê và tìm thấy ở đó những giá trị mới, ý nghĩa mới khi lặng lẽ ngồi trong cánh gà sân khấu theo dõi học trò của mình biểu diễn.

Từ chỗ còn lúng túng khi nghiệp vụ sư phạm còn non, giờ Vũ Ngọc Quang đã là một giáo viên dạy múa được nhiều học sinh yêu mến. Các em yêu mến thầy không chỉ vì những kỹ năng múa mà thầy dạy mà bởi cách thầy khích lệ học trò nên có đam mê và nỗ lực cho đam mê đó, cách vượt lên giới hạn của bản thân để tự tin, để khẳng định giá trị của riêng mình.

Quang kể: "Tôi cũng có nhiều trăn trở. Ví như trong số học sinh có em quá rụt rè, thường co rúm mỗi khi đứng trước các bạn. Tôi phải tìm những hoạt động tập thể để em tham gia nhiều hơn. 

Mỗi tiến bộ của em đều được khích lệ cho tới khi kết quả thật bất ngờ, em đó lại là học sinh có kỹ năng khá tốt. 

Tôi mới nhận ra tôi dạy nhảy múa không chỉ để nhảy múa mà có thể mang lại cho các em học sinh những kỹ năng khác, những giá trị khác như việc hợp tác, như việc không ngại thể hiện mình trước đông người".

Sau nhiều năm, có lúc Quang lại ngồi cùng cô Nhung trong một ban giám khảo cho sự kiện nào đó của trường. Trước kia anh chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là đồng nghiệp của cô giáo chủ nhiệm. Nhưng có lẽ đó là sự thú vị của cuộc sống và cũng là phần thưởng cho ai biết chắt chiu, trân trọng sự giúp đỡ của những người thầy dành cho mình.

--------------

"Thầy không bảo các em háo thắng nhưng cần cố gắng, thầy không khuyên các em ganh tị nhưng phải tranh đua. Và hôm nay, cũng như bao nhiêu ngày qua, nhìn các em tung tăng vô tư như những con sáo, các thầy cảm thấy nhẹ nhàng và cứ muốn trẻ mãi với các em".

Kỳ tới: Người thầy của Trường Việt Anh Đà Lạt

Đạo Thầy Trò - Kỳ 1: Người trò 73 tuổi quỳ gối vấn an thầyĐạo Thầy Trò - Kỳ 1: Người trò 73 tuổi quỳ gối vấn an thầy

Trên mạng xã hội, người ta vẫn còn chuyển cho nhau hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi quỳ gối để thăm hỏi một cụ già. Người đó chính là PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, năm ấy 73 tuổi, đang vấn an thầy giáo cũ của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên