22/01/2024 13:44 GMT+7

Đạo thầy trò - Kỳ cuối: Tiết dạy cuối nhòe nước mắt ân tình

Hơn hai tháng trôi qua nhưng trong trí nhớ thầy Phạm Đình Thành (61 tuổi, giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, TP Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên hình ảnh ngày chia tay học trò về hưu.

Tình cảm yêu quý của học trò dành cho thầy Phạm Đình Thành ngày về hưu - Ảnh: NVCC

Tình cảm yêu quý của học trò dành cho thầy Phạm Đình Thành ngày về hưu - Ảnh: NVCC

"Tôi bước dưới cơn mưa nhẹ trong sân trường, đi bộ ra đến cổng và nhìn lại trường lần cuối" - thầy Thành nhớ lại.

"Anh Thành là giáo viên có uy tín đối với học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh. Anh dạy văn hết sức chân chất đầy nỗ lực, có nhiều cố gắng khám phá, tìm tòi. Và nhờ vậy những học sinh của anh tiếp thu được để bù vào cái vốn văn chương mà không phải lúc nào học sinh cũng sẵn có.

Ông NGUYỄN MINH HÙNG (nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng) chia sẻ trong buổi họp mặt về hưu của thầy Thành.

Ấm lòng ngày về hưu

Giọng thầy Thành trầm ấm, kể rằng mình không dạy bài chính thức ở tiết cuối, chỉ có ý định tâm sự cùng trò. Bất ngờ là mỗi lớp các em đều trang trí bảng với lời chào và hình thầy.

"Một lớp tặng chiếc bánh kem và ngọn đèn số 1, giải thích đó là con số của thầy: thầy là số 1. Lớp thì tặng hoa, có học sinh thức cả đêm vẽ hình, khi mở ra tôi đã bất ngờ nhận ra ngay đó là mình. Học sinh lớp nào cũng ùa lên ôm chầm thầy chụp ảnh lưu niệm", thầy nhớ lại.

Ngoài môn văn, hai tháng trước khi về hưu thầy còn dạy giáo dục công dân. Thầy nhớ hôm đó trời bắt đầu lạnh, lên lớp cửa phòng vẫn khép kín, không bật điện. Thầy xúc động: "Các em bước lên tặng khung ảnh với nhiều trái tim ghi lời tâm tình. Đèn bật sáng cùng với các bài nhạc, trên bảng là lời tạm biệt. Thực ra lúc này tôi chẳng thấy rõ điều gì vì đã nhòa nước mắt". Cô giáo chủ nhiệm bước lên nói lời chia tay. Tất cả quá bất ngờ khiến thầy không nói nên lời.

Trong buổi họp mặt "Ngày về" ấm cúng tại nhà, thầy càng cảm nhận rõ tình cảm học trò, đặc biệt là trò cũ. Thầy bồi hồi: "Tôi còn giữ nhiều lá thư các em viết khi tôi rời nơi công tác và khi các em ra trường. Có trò đang học Hà Nội cũng về dự, có em chia sẻ có lỗi vì khi vui em chẳng nhớ, nhưng lúc buồn em tìm về ký ức "bắt" thầy ngồi bên cạnh chuyện trò".

Từ 2021, khi lập trang Ngữ văn Ca Dao kể chuyện văn chương, thầy Thành nhận được nhiều lời tâm sự. Nhiều em thưa rằng những lời căn dặn từ thầy dưới mái trường giúp họ vượt qua bao chướng ngại cuộc sống. Như lời học trò Băng Trang chia sẻ: "Gần 15 năm em chưa bao giờ quên những câu mở bài của thầy. Em nhớ dáng thầy trưa hè nắng chan ở bên hành lang trường. Có thể thầy không lên bục giảng nữa, nhưng những gì thầy dạy còn mãi trong từng lớp học sinh".

Nhìn cuộc sống bao dung qua văn chương

Yêu văn chương, thuộc lòng truyện ngắn Tôi đi học từ khi học lớp 6, lớn lên cậu bé Phạm Đình Thành quyết định theo con đường giảng dạy văn chương. 13 năm đầu, thầy lần lượt dạy ở hai trường miền núi, sau đó về Trường THCS Nguyễn Công Trứ 23 năm đến ngày hưu. Thầy cười xòa nói nhiều học trò rất "ngán" môn văn: "Tôi chưa bao giờ động viên các em theo nghiệp này, nhưng ta cần thích nó. Văn chương giúp ta nhìn cuộc sống bao dung hơn, nhận được nhiều điều tốt đẹp qua tác phẩm văn học".

Vì sao có em ngại môn này? Thầy cho rằng có thể từ sở thích các môn khoa học khác, cộng thêm việc chọn lọc tác phẩm trong chương trình chưa thật sự cuốn hút. Trong khi đó, giáo viên giảng từ giáo trình soạn sẵn, không có thời gian phát hiện những điều mới mẻ truyền cảm hứng. Văn là cuộc sống, thầy thường giúp các em cảm nhận vẻ đẹp văn học bằng mắt, tôn trọng cách cảm của trò và có sự điều chỉnh phù hợp.

"Đôi lúc ta cần khom người xuống để các em đứng lên vai mình, giúp các em thấy được bên kia bức tường ngôn ngữ có loài hoa thơm, cỏ lạ nào mà chính ta cũng chưa biết", thầy nói.

"Các em chưa nhìn thấy cái đẹp của áng mây lững lờ trên dòng sông trong ánh chiều làm sao hiểu câu thơ "Thuyền chở yên hà nặng vạy then" của Nguyễn Trãi. Chưa nhận ra ánh trăng đẹp mà bắt các em cảm nhận hình ảnh "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao" của Huy Cận thì khó quá phải không?", thầy chia sẻ. Khi các em "thấy" điều đó qua tín hiệu nghệ thuật ngôn ngữ, các em sẽ biết cái hay rồi yêu thích văn học và xa hơn yêu cuộc sống này, sống tích cực hơn.

Bên cạnh kiến thức, thầy gửi gắm bài học giáo dục, nhân lễ nghĩa như đang chuyện trò. Khi được hỏi có trường hợp học trò "quay xe" yêu văn, thầy đáp cũng nhiều. "Có em khuynh hướng học môn tự nhiên, sau khi học Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, tôi liên hệ đến bài Ngậm ngùi và Tràng giang em ấy đã chuyển hẳn qua văn học ở cấp III. Em khác thì không chọn tiếng Anh dù em đoạt giải nhì học sinh giỏi thành phố để thi vào lớp văn trường chuyên", thầy kể.

Nhiều học sinh nói sẽ mãi nhớ người thầy đáng kính - Ảnh: NVCC

Nhiều học sinh nói sẽ mãi nhớ người thầy đáng kính - Ảnh: NVCC

Đạo thầy trò từ những điều bình dị

Đời dạy học, thầy Thành nói rằng học sinh luôn giữ lễ với mình. "Có thể do phần lớn học trò mình ngoan, hiền tính, một phần vì tôi hay đùa giỡn, gần gũi các em", thầy cười kể. Với những áp lực trong giảng dạy hoặc khi nhiều trò chưa siêng năng, thầy luôn nhận một nửa là lỗi mình dạy trò chưa đến nơi đến chốn, từ đó rèn luyện thêm kỹ năng. "Như thế mình dễ vượt qua khó khăn, áp lực", thầy chia sẻ.

Thầy Phạm Đình Thành tặng sách cho các em học sinh học tốt, thi tốt môn Văn - Ảnh: NVCC

Thầy Phạm Đình Thành tặng sách cho các em học sinh học tốt, thi tốt môn Văn - Ảnh: NVCC

Với thầy, đạo thầy trò được biểu hiện qua những điều giản đơn. Ngày trước tình cảm yêu quý thầy trò thường sâu kín, các em thể hiện khi đã học xong. "Bây giờ nhờ có nhiều hoạt động trải nghiệm và cùng với công nghệ, các em bộc lộ rõ nét hơn. Với học sinh lứa tuổi cấp II điều này thể hiện khá đẹp", thầy nói.

Đạo thầy trò còn ở những điều bình dị bên ngoài lớp học. Thầy kể khi còn dạy ở trường miền núi THCS Hòa Liên, phụ huynh và học sinh rất gắn bó. "Khi đến mùa gì đều đem biếu các thầy cô ở nội trú tại trường nào là vài quả vú sữa, gói ốc, lon nếp, bọc đậu... Học trò khi đến thì kể chuyện gia đình, có khi ăn cơm cùng thầy cô, dọn dẹp rửa chén như con cái trong nhà", thầy tâm sự.

Văn chương đa sắc màu và gửi gắm thái độ sống. "Sống thì phải học Nguyễn Công Trứ, làm được điều gì đó dù nhỏ bé: "Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thà nát với cỏ cây". Cuộc đời rồi sẽ có biết bao mùa xuân đến, khi buồn quá ta nên đọc Xuân sang của Chế Lan Viên, để thấy rằng ít nhất trên đời này còn có một người hiểu lòng ta. Và lúc cần chấp nhận, ta nhớ thơ Nguyễn Tất Nhiên: "Mỗi mặt trời phải trả giá một hoàng hôn".

"Mình đến từ cuộc đời nên ngày hưu tràn đầy niềm vui trong tình yêu thương của biết bao người", thầy chia sẻ. Khi những chuyến đò đã đưa học trò cập bến tương lai, thầy nói sẽ học làm phim và tiếp tục gửi gắm điều đẹp đẽ của văn chương lên trang Ngữ văn Ca Dao.

Thầy Thành còn nhớ một học sinh tên Phương. Khi thầy đã chuyển về thành phố, có lần em viết thư gửi các bạn báo cho thầy mình nghỉ học. "Tôi viết khuyên em nên đi học lại. Dù việc học chưa chắc đem đến việc làm trong tương lai tốt hơn nhưng nó sẽ giúp ta nhìn nhận khác hơn về cuộc sống", thầy kể.

Thời gian qua đi, một hôm trước quán cà phê dưới phố, thầy gặp lại Phương. Em nức nở, nói mình là cô trò nhỏ năm xưa, đọc lá thư của thầy đã khóc nhiều đêm và học lại dù trễ một năm. Thầy nói: "Em ấy kể luôn nhắc đến thầy với con mình: chỉ bằng những lời tâm tình, thầy đã cho em cuộc sống tốt đẹp".

Đạo thầy trò - Kỳ 9: Bữa cơm của thầy trò ở ký túc xáĐạo thầy trò - Kỳ 9: Bữa cơm của thầy trò ở ký túc xá

Người thầy giáo đón xe khách lên Hà Nội, tìm đến tận ký túc xá để biết học trò ăn ở thế nào, học hành ra sao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên