27/10/2023 14:00 GMT+7

Đẩy mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo trong xây dựng văn hóa kinh doanh

Những người trẻ được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm những giá trị văn hóa mới, có tính toàn cầu hơn vào những giá trị văn hóa truyền thống để định hình nên bộ nhận diện văn hóa kinh doanh bền vững và có bản sắc của Việt Nam.

Các đại biểu trong phiên thảo luận chuyên gia về văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ thay đổi

Các đại biểu trong phiên thảo luận chuyên gia về văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ thay đổi

Kỳ vọng vào gen Z - thế hệ doanh nhân của tương lai về văn hoá kinh doanh

Đây là những phát hiện từ một nghiên cứu đương đại về "Nhận diện văn hóa kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố tại Diễn đàn Đa phương 2023 vừa được tổ chức tuần qua tại Hà Nội.

Với chủ đề "Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới", gen Z - thế hệ doanh nhân, chủ nhân, đồng thời là lực lượng lao động chính trong tương lai được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ đóng góp mạnh mẽ cho việc định hình nên những giá trị văn hóa kinh doanh bền vững và có bản sắc của Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Sách Alpha Nguyễn Cảnh Bình cho biết để thúc đẩy vai trò của những doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trong việc phát triển văn hoá kinh doanh, thứ nhất, cần tạo không gian mở rộng hơn nữa cho thế hệ trẻ, đặt niềm tin nhiều hơn cho giới trẻ, kèm với đó là sự chuyên nghiệp hơn.

Theo ông Bình, giới trẻ thực sự là những người sáng tạo, năng động hơn thế hệ trước khá nhiều. Họ hướng nhiều hơn đến những giá trị bình đẳng và phát triển bền vững. Họ cũng dành thời gian, công sức, chi phí cho việc phát triển văn hoá doanh nghiệp nhiều hơn so với các thế hệ trước. Đặc biệt, họ tập trung mạnh vào những ngành nghề, lĩnh vực tương đối tiên phong để có thể mang lại những đổi mới, sáng tạo.

PGS.TS Hoàng Văn Hải - viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội cũng cho rằng, cần tạo môi trường có tính mở rộng hơn để doanh nghiệp, doanh nhân trẻ có thể sáng tạo, qua đó bổ sung thêm những giá trị văn hoá mới, có tính toàn cầu hơn vào những giá trị văn hoá truyền thống để tạo ra dòng chảy liên tục với sự kết hợp cả hai. 

Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề cứ phải đào tạo theo kiểu trường lớp hay những chuẩn mực áp đặt cho họ. Thay vào đó, cần khuyến khích để họ cùng trao đổi và thảo luận và họ sẽ chiêm nghiệm qua thực tế hoạt động kinh doanh và quản trị của mình.

Nỗ lực phát huy tinh thần sáng tạo và đổi mới

Nhân viên Samsung làm việc tại dây chuyền sản xuất điện thoại

Nhân viên Samsung làm việc tại dây chuyền sản xuất điện thoại

Trong cùng mạch trao đổi về vấn đề đổi mới sáng tạo, câu chuyện từ Samsung được coi là một điển hình đáng học hỏi cho các chủ thể tại diễn đàn. Nhấn mạnh yếu tố đổi mới, sáng tạo trong văn hoá doanh nghiệp thời kỳ mới, ông Il Gon Ryu - phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết, Samsung đề cao yếu tố đổi mới và sáng tạo. Bởi vì nếu không có đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp không thể tồn tại, không thể trở thành doanh nghiệp số 1 toàn cầu. Đây là điều mà lãnh đạo Samsung luôn nhấn mạnh trong nội bộ doanh nghiệp mình.

"Trong suốt lịch sử của Samsung, con người luôn đứng số 1 trong các giá trị cốt lõi của chúng tôi. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận thấy cần phát huy hơn nữa nguồn nhân lực cho đổi mới và sáng tạo. Giá trị cốt lõi phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện đại, giúp thúc đẩy vị thế mong muốn của doanh nghiệp trong ngành mà doanh nghiệp tham gia kinh doanh", ông Il Gon Ryu cho biết.

Cũng theo ông Il Gon Ryu, trên thực tế, ngoài việc nỗ lực bền bỉ, chăm chỉ, đổi mới và sáng tạo thì yếu tố tốc độ cũng đóng vai trò rất quan trọng để đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị hiếu người tiêu dùng. Kết quả là Samsung có được vị trí số 1 về lượng điện thoại bán ra trên thị trường hiện nay.

Trong một thế giới mà khách hàng là trọng tâm thì doanh nghiệp sẽ phải tập trung mang lại những sản phẩm mới lạ hơn, với những trải nghiệm đặc biệt hơn dành cho khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh yêu cầu phải sáng tạo tới tất cả các nhân viên. 

Các hoạt động đổi mới sáng tạo luôn được duy trì tại các nhà máy. Theo đó, các nhà máy thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhằm chia sẻ các ý tưởng sáng tạo và cải tiến công việc để đẩy mạnh khả năng sáng tạo của nhân viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên