29/08/2017 15:41 GMT+7

Đề nghị sửa nghị định đóng tàu vỏ thép cho ngư dân

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Chủ trương đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo nghị định 67 được đánh giá là đúng nhưng sau ba năm thực hiện lại gặp rất nhiều vướng mắc, vì thế cần phải sửa đổi.

Ông Lại Xuân Môn, chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết quá trình thực hiện nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sáng 29-8, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Sửa đổi nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Có quá nhiều trắc trở trong thực hiện

Ông Lại Xuân Môn, chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết sau hơn 3 năm thực hiện nghị định 67 đã có 27/28 tỉnh, thành phê duyệt danh sách, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu với tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá...

Ông Môn đề cập đến các vấn đề như thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao... vì vậy nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn.

Còn ông Nguyễn Văn Trung, vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ.

Trong khi thời gian gần đây đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng, kích thước và công suất tàu lớn hơn, còn cơ sở hạ tầng nghề cá chưa kịp thời đáp ứng.

Ngoài ra, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công, công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.

Đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho rằng việc phê duyệt 4 doanh nghiệp bảo hiểm đủ điều kiện tham gia bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67, trong đó Công ty Bảo hiểm Bảo Minh - chi nhánh Phú Yên là đơn vị duy nhất được chỉ định bán bảo hiểm theo nghị định này ở địa bàn, "đã hạn chế sự lựa chọn của ngư dân khi tham gia bảo hiểm tàu cá, gây bức xúc cho ngư dân".

Một số tàu cá có công suất máy từ 90 CV trở lên được chi cục thủy sản cấp giấy phép khai thác thủy sản xa bờ đã mua bảo hiểm tàu cá đánh bắt xa bờ theo nghị định 67 của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh - chi nhánh Phú Yên.

Tuy nhiên, khi tàu gặp sự cố rủi ro, xảy ra tai nạn trên biển lại không được giải quyết bồi thường với lý do vùng tàu bị nạn ở vùng biển hạn chế cấp II.

Đồng thời, bảo hiểm cũng không giải quyết bồi thường đối với trường hợp công ty thẩm định máy móc hư hỏng do hao mòn tự nhiên, gây bức xúc cho ngư dân.

Năm 2017, Công ty bảo hiểm Bảo Minh chưa triển khai bán bảo hiểm cho ngư dân, nên ngư dân chưa hưởng chính sách bảo hiểm theo nghị định 67.

Do chưa được mua bảo hiểm tàu, một số tàu đóng mới theo nghị định 67 phải tự mua bảo hiểm theo gói thông thường với chi phí rất cao.

Cũng theo UBND tỉnh Phú Yên, phần lớn ngư dân mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay lưu động với lãi suất ưu đãi theo nghị định 67 để chi phí cho chuyến biển.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết việc tiếp cận nguồn vốn hiện rất khó.

Bình Định đã phê duyệt 297 tàu nhưng hiện mới có 59 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng. Tỉnh này cho rằng cần chuyển hướng sang hỗ trợ một lần sau đầu tư, thủ tục như hỗ trợ dầu, khỏi dựa vào ngân hàng.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho rằng hiện hầu hết các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu khai thác hải sản phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với kinh nghiệm và ngư trường hoạt động.

Chính vì vậy sẽ mất thời gian điều chỉnh thiết kế và tốn thêm kinh phí 50 triệu đồng. 

Tàu vỏ sắt đóng theo nghị định 67 của ngư dân Trần Văn Liên (ở Thăng Bình, Quảng Nam) mới chạy thử đã hỏng máy phải nằm bờ. Hiện ngư dân và công ty đóng tàu đang đưa nhau ra tòa - Ảnh: Đoàn Cường

Đề xuất sửa đổi nghị định 67

Bà Nguyễn Thị Phượng, phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, cho biết Agribank triển khai chương trình tín dụng theo nghị định 67 phần lớn đối tượng khách hàng vay vốn là hộ gia đình và cá nhân chiếm 92,2%.

Nhưng thực tế cho vay cá nhân này người vay rất lúng túng trong việc lập hồ sơ vay vốn, không biết lập phương án kinh doanh, không chứng minh được khả năng tài chính, không chứng minh được nguồn nhân lực đạt trình độ quản lý…

Theo bà Phượng, có những ngư dân đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt đủ điều kiện nhưng sau đó lại thay đổi ngành nghề khai thác, thay đổi vật liệu tàu dẫn đến thay đổi dự toán, phải thực hiện lại thủ tục, quy trình phê duyệt…

Ông Nguyễn Văn Trung đề xuất nên chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư, đảm bảo ổn định số lượng tàu cá xa bờ, cơ cấu lại nghề để giảm, chuyển đổi một số nghề không khuyến khích phát triển như lưới kéo.

Theo ông Trung, cần bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400 CV trở lên, thời gian thực hiện chính sách đến năm 2020.

Một số đại biểu cho rằng cần xem xét cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67 để ngư dân có nhiều lựa chọn doanh nghiệp tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, cần hỗ trợ thêm cho ngư dân bám biển dài ngày, ngư dân đóng tàu sắt công suất lớn…

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên