30/03/2024 11:49 GMT+7

Điểm sáng phòng, chống tham nhũng đâu rồi?

Theo số liệu công bố của Thanh tra Chính phủ vào tháng 11-2023, năm 2022 Vĩnh Phúc là tỉnh đứng đầu cả nước về công tác phòng, chống tham nhũng (77,95 điểm/100 điểm).

Cả ba lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đều đã bị bắt vì tội nhận hối lộ - Ảnh: GIA HÂN

Cả ba lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đều đã bị bắt vì tội nhận hối lộ - Ảnh: GIA HÂN

Tuy nhiên hai năm sau, cả ba lãnh đạo đứng đầu tỉnh gồm bà Hoàng Thị Thúy Lan (khi bị bắt là đương kim bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh), ông Phạm Hoàng Anh (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy), ông Lê Duy Thành (chủ tịch UBND tỉnh) đã bị khởi tố bắt tạm giam cùng về tội nhận hối lộ liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn.

Việc này đặt ra vấn đề từ một tỉnh được đánh giá là điểm sáng, đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn hay điểm sáng phòng chống tham nhũng đó đã mất đâu rồi?

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia xung quanh câu chuyện này.

Ông LÊ NHƯ TIẾN (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội): Bài học về xếp hạng phòng, chống tham nhũng ở địa phương

Đối với riêng tỉnh Vĩnh Phúc, theo xếp hạng của Thanh tra Chính phủ công bố, năm 2022 tỉnh này từng đứng đầu cả nước về điểm số phòng chống tham nhũng. Nhưng cuối cùng đến năm 2024 này khi Bộ Công an công bố thì mới bộc lộ ra đâu phải đứng đầu mà nói không quá là đổi ngược lại vị trí - đứng đầu từ dưới lên. Bởi cả ba cán bộ chủ chốt, đứng đầu tỉnh đều bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ.

Dù xếp hạng tính theo thời điểm và có nhiều nội dung đánh giá khác nhau nhưng rõ ràng đây là bài học đau xót và các cơ quan cần rút kinh nghiệm, xem xét nghiêm túc lại cách đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh hiện nay.

Không thể để tái diễn khiến người dân đặt câu hỏi theo kiểu tại sao tỉnh xếp hạng đứng đầu nhưng cuối cùng lộ ra cả loạt vi phạm tham nhũng của chính bộ ba người đứng đầu tỉnh. Khó có thể chấp nhận được sự trái ngược hoàn toàn giữa đánh giá và thực tế như vậy.

Qua việc xử lý hình sự ngay các cán bộ lãnh đạo đương chức Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi cho thấy những nét chuyển động mạnh mẽ trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Những người tham nhũng dù là ai, ở bất cứ cương vị nào khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh sẽ bị xử lý ngay, nghiêm minh.

Còn mọi thủ tục kỷ luật, khai trừ Đảng, bãi nhiệm sẽ từng bước thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật nhà nước… Việc xử lý hình sự ngay như vậy sẽ hạn chế được việc những ai tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản, thậm chí bỏ trốn như trước đây…

Cũng qua các vụ việc ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi cho thấy vấn đề giám sát quyền lực và kiểm soát tài sản của cán bộ còn nhiều hạn chế. Do đó cần rút kinh nghiệm sâu sắc và có những giải pháp quyết liệt hơn.

Đại biểu Quốc hội VŨ TRỌNG KIM (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam): Tăng cường giám sát người đứng đầu

Qua việc xử lý ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi cho thấy hành vi tham nhũng không còn là ở một cá nhân mà đã xảy ra với cả ba lãnh đạo chủ chốt của tỉnh như Vĩnh Phúc. Điều này cho thấy tham nhũng ở một bộ phận cán bộ, kể cả người đứng đầu, đã rất nghiêm trọng và có cảm giác như trở thành thói quen của họ, không sợ dư luận, thậm chí quy định pháp luật, kỷ luật Đảng với họ không có mấy ý nghĩa.

Thêm vào đó họ quá coi thường danh dự, tranh thủ, dùng mọi thủ đoạn để tham nhũng, trục lợi. Bên cạnh đó rõ ràng trong việc giám sát cán bộ, nhất là giám sát người đứng đầu ở đây đã bị xem nhẹ, coi thường, thậm chí có sự nể nang, các cơ quan ở địa phương không dám thực hiện giám sát.

Người đứng đầu ở đây đã coi thường tất cả, coi thường kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước. Đồng thời chính do người đứng đầu không làm gương, không nhắc nhở, vi phạm dẫn đến "lây lan", cấp dưới cũng hùa theo làm bậy, vi phạm tập thể.

Do đó từ vụ việc ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi cần có sự rút kinh nghiệm rất nghiêm túc và phải tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát người đứng đầu, trong đó phải chú ý đến quan hệ với các doanh nghiệp và cá nhân bên ngoài.

Ông NGÔ VĂN SỬU (nguyên vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương): Bước tiến trong xử lý hình sự cán bộ đương chức

Qua việc xử lý ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi cho thấy rõ ràng giữa lời nói và hành động của một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, chủ chốt ở địa phương của chúng ta đang có vấn đề. Không ít cán bộ là bí thư, chủ tịch tỉnh đứng trên bục rao giảng rất hay, nói rất mạnh, quyết tâm chống tham nhũng thế này thế kia nhưng thực tế chính họ lại tham nhũng, nhận hối lộ với số tiền lớn.

Qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cần có đánh giá lại vấn đề này và phải thực hiện công tác phê bình, tự phê bình một cách nghiêm túc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khi phát hiện dù đó là ai, ở cương vị nào.

Thực tế trước đây việc xử lý, nhất là xử lý hình sự các cán bộ đương chức, thường trải qua nhiều bước, quy trình và gặp nhiều khó khăn do họ đang đương chức, đương quyền, có nhiều mối quan hệ... Nhưng qua các vụ việc ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi hay trước đó như ở Lâm Đồng, An Giang, vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu... cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong công tác xử lý, đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Nhất là với các vụ ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Lâm Đồng cho thấy sự tiến bộ rất lớn của cơ quan điều tra và khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh sẽ xử lý hình sự ngay những cán bộ đương chức vi phạm dù ở cấp nào.

Việc này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư và thời gian tới cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa.

Kiến nghị khung hình phạt nặng hơn với hành vi tham nhũng, Tổng thanh tra nói gì?Kiến nghị khung hình phạt nặng hơn với hành vi tham nhũng, Tổng thanh tra nói gì?

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời ý kiến cử tri đề nghị quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên