14/12/2021 10:29 GMT+7

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Có yêu thành phố, hãy bảo vệ những dòng kênh!

LÊ HẠNH NHÂN (quận Bình Thạnh)
LÊ HẠNH NHÂN (quận Bình Thạnh)

TTO - Rạch Xuyên Tâm, TP.HCM, với khoảng 1.600 hộ dân sống dọc dài gần 6,2km đoạn kênh nước đen ngòm và đầy rác bẩn. Gia đình tôi cũng như rất nhiều người luôn phải mỏi mệt vì tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng suốt mấy năm qua.

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Có yêu thành phố, hãy bảo vệ những dòng kênh! - Ảnh 1.

Công nhân vệ sinh vớt rác trên rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vấn đề làm sạch môi trường kênh rạch ở TP.HCM hiện nay là một thực trạng nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như đời sống của người dân, nhưng lại chưa được giải quyết triệt để và toàn diện. 

Dù đã có nhiều thông tin về dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kênh rạch nhưng mãi đến thời điểm hiện tại khu vực nơi tôi đang sống vẫn vô cùng ô nhiễm, đầy rác thải và đen ngòm, gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của cộng đồng dân cư xung quanh.

Khu vực tôi sống chủ yếu là nơi cư ngụ của những hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp, bận rộn với việc mưu sinh. 

Đời sống tạm bợ khiến người dân không quan tâm đến việc giữ gìn cảnh quan, cứ tiện đâu thì đổ đó. Ai cư ngụ ở khu vực này lâu ngày chắc sẽ quen thuộc với cảnh mỗi buổi chiều, các hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh rạch lại mang rác thải hoặc nước thải sinh hoạt của gia đình đổ trực tiếp ra kênh. 

Nhiều hộ gia đình còn tự do tắm giặt, rửa chén đũa, thậm chí cả đi vệ sinh trực tiếp xuống lòng kênh rạch. 

Sự bồi lắng chất thải lâu ngày khiến hai bên mé kênh xuất hiện hàng loạt bãi rác di động, dòng nước trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan thành phố, đồng thời là môi trường thuận lợi sinh sôi vô số vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của người dân trong khu vực.

Theo khảo sát của tôi, không chỉ có rạch Xuyên Tâm mà rất nhiều khu vực kênh rạch khác trong thành phố cũng đang gặp phải tình trạng tương tự, như rạch Cầu Bông (quận Bình Thạnh), một số kênh rạch ở quận 8, quận Gò Vấp… 

Dù chính quyền TP.HCM đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý các trường hợp vứt rác làm ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Trên thực tế, hiện tượng ô nhiễm môi trường nước đã kéo theo vô số hệ lụy trầm trọng cho đời sống và sức khỏe của con người. 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% bệnh tật phát sinh do sử dụng nguồn nước không sạch và vệ sinh môi trường kém. Đáng buồn là cứ mỗi năm các tổ chức quốc tế lại tiếp tục đưa ra những con số đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam. 

Việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của con người và hệ sinh thái xung quanh, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, dịch tả, nghiêm trọng hơn là ung thư, bại liệt do các loại vi khuẩn trong nước thải gây ra.

Thậm chí, việc ô nhiễm nguồn nước kéo dài trong một thời gian dài sẽ làm biến đổi chất lượng nguồn nước, bao gồm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. 

Điều này khiến nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt hằng ngày của người dân trở nên khan hiếm và cạn kiệt. 

Về lâu dài, đây chính là một thảm họa lớn cho nhân loại, khi vào thời điểm hiện tại đã có hơn 1 tỉ người trên thế giới đang bị thiếu khoảng 20 - 50 lít nước sạch mỗi ngày để phục vụ các nhu cầu cơ bản.

Với một đô thị lớn như TP.HCM, việc duy trì hệ thống kênh rạch là cực kỳ cần thiết, bởi nếu không có sự điều hòa từ hơi nước, môi trường sống ở đô thị sẽ rất ngột ngạt, dẫn đến chất lượng sống bị ảnh hưởng.

Thiết nghĩ bảo vệ môi trường nước không chỉ là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức, khu vực hoặc quốc gia nào mà là của cộng đồng và toàn thể nhân loại. Cũng bởi nước là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống của toàn bộ chúng ta. 

Mỗi người chúng ta cần kiên quyết chung tay, tìm ra nhiều giải pháp phù hợp để bảo vệ nguồn nước sạch, khắc phục tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại hệ thống kênh rạch ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Ở trọ cũng phải bảo vệ môi trường Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Ở trọ cũng phải bảo vệ môi trường

Câu chuyện về giữ gìn môi trường chung ở các xóm trọ, khu dân cư lao động vốn dĩ không mới nhưng vẫn khiến nhiều người trong cuộc phải ngao ngán lắc đầu.

LÊ HẠNH NHÂN (quận Bình Thạnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên