27/02/2023 10:06 GMT+7

Diễn đàn xây dựng nền công nghiệp tự chủ: Vừa vươn lên đã gặp khó

Trong lúc nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mảng công nghiệp hỗ trợ sau thời gian vất vả đầu tư nay "bội thu" đơn hàng, tăng tốc đầu tư nhà máy để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Ngô Long bên dây chuyền cung cấp phụ tùng cho hơn 20 đối tác - Ảnh: C.T.

Ông Nguyễn Ngô Long bên dây chuyền cung cấp phụ tùng cho hơn 20 đối tác - Ảnh: C.T.

Nhiều chủ doanh nghiệp (DN) cho rằng trong bối cảnh đặc biệt thách thức hiện nay mới thấy mình thật may mắn khi chọn con đường "thắt lưng buộc bụng", dồn lực vào sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn về vốn và lãi suất cao đang thách thức họ.

Lãnh đạo TP.HCM cần sớm mở lại chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, vốn bị gián đoạn thời gian qua, để gỡ khó về vốn cho các doanh nghiệp.

Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG

Vươn lên từ thị trường ngách

Nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng thay thế của ông Nguyễn Ngô Long (quận 9, TP.HCM) hiện hoạt động "full công suất" với những đơn hàng của DN có vốn nước ngoài (FDI) đặt hàng. Làm chủ tịch Công ty TNHH cơ khí Nhật Long tròn hơn 24 năm, ông Long trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc với lĩnh vực cơ khí để từng bước thâm nhập sâu hơn vào các DN lớn để cung cấp phụ tùng.

Theo ông Long, cơ khí là lĩnh vực có độ chính xác cao, thâm dụng vốn, biên lợi nhuận thấp nên nhiều người chạy theo hướng xuất khẩu. Ông lại chọn ngách khác: đầu tư máy móc để sản xuất phụ tùng cung cấp ngược lại cho các DN có dây chuyền sản xuất lớn.

Ông kể: Hai năm dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, vật tư linh kiện phụ tùng gặp rất nhiều khó khăn thì công ty của ông "gặp thời" phất lên. Việc nhập khẩu khá lâu trong khi công ty Việt Nam vẫn đủ khả năng sản xuất theo yêu cầu với chất lượng, giá rẻ hơn nên từng bước được tin tưởng đặt hàng. Hiện Nhật Long đang có 20 đối tác đặt sản xuất, trong đó có công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

"Để họ chọn mình cũng rất khó khăn. Tới kiểm tra nhà máy, gửi mẫu qua lại mới được. Tôi đang nghe ngóng, thăm dò kỹ thị trường và chính sách trước khi quyết định đầu tư thêm 1 triệu USD để nâng cấp máy móc" - ông Long nói.

Những ngày đầu năm 2023, trong lúc ngành bất động sản than khó bán hàng, ngành nghề khác cũng chật vật tái cơ cấu, nhưng với nhiều DN ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, đơn hàng vẫn đều.

Giám đốc một công ty sản xuất tay nắm cửa dòng xe Fortuner của Toyota có trụ sở tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) cho biết đang cố gắng tăng thêm trang thiết bị máy móc để làm thêm nhiều sản phẩm mới. Dù chưa tiết lộ các sản phẩm tiếp theo được đối tác đặt hàng nhưng vị này tự tin rằng sẽ có những "khí thế" mới. Để có được sự thoải mái như hiện nay, vị này cho biết đã trải qua nhiều khâu "kèm cặp" của Toyota khi bắt đầu tìm kiếm nhà cung cấp theo tiêu chuẩn thế giới. Công ty này nỗ lực chứng tỏ mình và được chọn đào tạo, phát triển về máy móc, quản trị... để từ đó trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thương hiệu ô tô toàn cầu. Ngoài ra, công ty còn thiết kế và chế tạo khuôn mẫu, khuôn mẫu ép nhựa linh kiện ngành ô tô, xe máy, điện tử và điện máy gia dụng, hàng gia dụng cao cấp...

Đừng để tinh thần công nghiệp dần nguội lạnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ cho biết với các khoản vay ngân hàng để đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng "đón sóng" các đơn hàng thì nay bất ngờ lãi suất ngân hàng neo cao khiến việc trả nợ hằng tháng là gánh nặng.

Ở chiều ngược lại, có DN muốn vay cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn, lãi suất quá cao nên việc chờ đợi nghe ngóng đang diễn ra. Ông Nguyễn Ngô Long cho hay đang xem xét có nên đầu tư thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng bởi với lãi suất hiện nay thì "chưa dám liều".

Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, cho biết có chủ DN đã phải bán nhà để có tiền trả nợ cho công ty nhằm tránh nợ xấu. Ngoài ra, còn có DN đang đàm phán với đối tác FDI để "bán mình", tránh nguy cơ vỡ nợ. Theo ông, các DN hội viên cho biết tiếp cận vốn đang rất khó khăn vì lãi suất quá cao.

Nếu trước tết, ông Nguyễn Văn Trí - tổng giám đốc Công ty Lập Phúc - tự tin với các đơn hàng sản xuất khuôn cho các đối tác lớn và kế hoạch sang Mỹ đàm phán tiếp tục có thêm những nguồn hàng mới ngay đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến nay khi trao đổi lại với Tuổi Trẻ, ông Trí cho biết mọi kế hoạch phải "delay" do phải tìm phương án để duy trì hoạt động khi lãi suất neo ở mức quá cao, tiếp cận vốn quá khó.

Với lãi suất ngân hàng đầu tư dài hạn lên đến 13,5 - 16%, trong khi tham khảo DN các nước lãi suất vay khá thấp, Nhật Bản khoảng 1,5% và Hàn Quốc 2,5%.

Hiện có 10 DN sản xuất công nghiệp tại TP.HCM được tham gia chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải ngân hỗ trợ lãi suất vay. Nhiều DN cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn nếu không được giải ngân kinh phí hỗ trợ lãi vay này, thậm chí phá sản hoặc bị các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc thâu tóm. 

Đáng chú ý, hiện tại đã có DN được chào mua lại. Tình cảnh hiện nay là hằng tháng DN gồng mình trả lãi vay, thậm chí vay tín dụng đen để trả lãi khoản nợ để tránh bị liệt vào danh sách nợ xấu.

Hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 28-2 sắp tới, báo Tuổi Trẻ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", với sự tham dự của lãnh đạo trung ương và các địa phương khu vực Đông Nam Bộ, các chuyên gia, DN ngành công nghiệp ở trong và ngoài nước...

Các đại biểu sẽ cùng thảo luận về sự chuyển dịch của chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, những vấn đề liên quan đến liên kết ngành, cùng nhau tìm ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn giúp DNNVV tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, ghi nhận những đề xuất đóng góp nhằm hiến kế thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ Việt Nam.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" - do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2022, nhằm tạo cầu nối góp ý, phản biện các vấn đề liên quan đến phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

Ban tổ chức trân trọng kính mời các DN tham dự hội thảo, diễn ra từ 13h đến 17h ngày 28-2-2023, tại khách sạn Rex Sài Gòn (số 141 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Ông Đỗ Phước Tống (chủ tịch Hiệp hội Điện và Cơ khí TP.HCM):

Triển khai nhanh chính sách hỗ trợ đã ban hành

Để hỗ trợ DN ngành công nghiệp hỗ trợ, cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất mà Chính phủ ban hành, kèm theo đó là nới lỏng điều kiện cho vay (theo hình thức tín chấp căn cứ trên nguồn thu, thương hiệu, khách hàng tiềm năng của DN). Mặt khác, cơ quan chức năng cần kéo dài các gói vay lãi suất thấp từ 6 - 12 tháng thay vì chỉ 3 - 6 tháng.

Riêng với TP.HCM, theo tôi, lãnh đạo thành phố cần sớm mở lại chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, vốn bị gián đoạn thời gian qua, để gỡ khó về vốn cho các DN.

Doanh nghiệp mong có chính sách rõ ràng

Câu chuyện của ông Đỗ Phước Tống, ông Nguyễn Văn Trí là lát cắt nhỏ trong hàng ngàn doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về chính sách ưu đãi lãi suất. Doanh nghiệp đầu tư lớn song chính sách đủng đỉnh theo sau, chưa theo sát thực tế, khiến việc mạnh tay đầu tư cũng e dè, cẩn thận hơn.

Ông Dương Hải Đăng, giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (Biên Hòa, Đồng Nai - làm lĩnh vực cơ khí, gia công hàng cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ), cho biết dù chính sách phát triển công nghiệp có nhiều nhưng doanh nghiệp chưa được thụ hưởng bao nhiêu.

Ngay cả các thông tin về chính sách, không ít đơn vị còn mù mờ và việc triển khai đến doanh nghiệp còn thiếu. Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngoại đang chủ yếu sử dụng sản phẩm từ các công ty con của mình nhiều hơn, do vậy thị phần cho các nhà sản xuất nội lại càng bị eo hẹp.

Sản xuất tại nhà máy Nhật Long - Ảnh: C.TR

Sản xuất tại nhà máy Nhật Long - Ảnh: C.TR

Gắn bó với nghề khuôn mẫu hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Trí - tổng giám đốc Công ty Lập Phúc - cho rằng công nghiệp hỗ trợ là nền tảng để xây dựng phát triển công nghiệp nhưng chưa thật sự phát triển mạnh vì chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp để thúc đẩy.

Ông cho rằng việc thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong suốt thời gian qua dành nhiều ưu đãi về đất đai, thuế nhưng tỉ lệ nội địa hóa hoặc chuyển giao công nghệ gần như không đạt như mong đợi. Mục tiêu của họ là lợi nhuận, giá trị gia tăng, khi hưởng xong ưu đãi, họ tìm nơi khác có ưu đãi tốt hơn để sản xuất. Điều đó cho thấy rằng khi doanh nghiệp đầu tư, cần ràng buộc việc chuyển giao công nghệ để tăng cường nội địa hóa. Muốn làm được điều này, cần có khung pháp lý luật rõ ràng.

C.TR.

Quét mã QR để đăng ký tham dự chương trình:

Xây dựng nền công nghiệp tự chủ: Nỗ lực cống hiến cho khát vọng Made in VietnamXây dựng nền công nghiệp tự chủ: Nỗ lực cống hiến cho khát vọng Made in Vietnam

TTO - Phát triển công nghiệp không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là khát vọng và lòng tự hào dân tộc để mang những sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên