05/08/2023 14:35 GMT+7

Doanh nghiệp ồ ạt tuyển lao động, Hà Nội cần hơn 120.000 người

Trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phía Bắc tăng tuyển lao động. Đặc biệt tại Hà Nội, dự báo cần 120.000 - 140.000 nhân sự.

Ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo quý 3-2023, số lao động có việc làm tăng khoảng 267.000 người so với quý liền kề.

Tuổi Trẻ Online trao đổi với ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sáu tháng cuối năm.

Hà Nội cần tuyển lao động số lượng lớn

* Thưa ông, tình hình việc làm ở Hà Nội trong sáu tháng cuối năm 2023 ra sao?

- Theo quan sát, TP Hà Nội chưa có tình trạng nghỉ việc ồ ạt dù vẫn có ảnh hưởng do bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Trong sáu tháng đầu năm, hơn 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cùng với hơn 5.700 doanh nghiệp trở lại hoạt động khiến nhu cầu tuyển lao động tăng lên.

Dự báo, các doanh nghiệp cần tuyển lao động từ 120.000 - 140.000 vị trí, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ với các vị trí như nhân viên kế toán, nghiên cứu thị trường, quản lý chất lượng. Đối với nhóm ngành bán buôn - bán lẻ, nhà tuyển dụng tìm nhân sự bán hàng, thu ngân, kinh doanh, mua hàng.

Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo cần nhiều công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện, kỹ sư cơ khí - chế tạo máy. Nhóm xây dựng săn đón nhân viên giám sát kỹ thuật, kỹ thuật dự án, kiến trúc sư...

* Số người nhận bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua có tăng so với cùng kỳ 2022? Nếu tăng, việc này có đáng ngại?

- Nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là có đóng - có hưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có trên 43.500 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, có 42.892 người có quyết định hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp bình quân là hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng. 

Biến động của thị trường lao động như vậy đúng quy luật của tự nhiên. Nếu có người lao động bắt đầu công việc mới thì cũng có thể có người nghỉ việc tìm việc khác.

Nhiều nguyên nhân khiến người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, như chấm dứt hợp đồng, hết hạn hợp đồng, doanh nghiệp phá sản, tổ chức thay đổi cơ cấu, lao động bị kỷ luật hoặc sa thải…

Ngoài ra, nhiều người chuyển sang làm việc ở lĩnh vực, công việc mới. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm giờ làm, giãn việc. Khi áp dụng các hình thức này, nhiều người giảm thu nhập, chủ động xin nghỉ việc.

Người trẻ đổ xô tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm lưu động tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Người trẻ đổ xô tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm lưu động tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Doanh nghiệp săn đón lao động trên 40 tuổi

* Một số lao động trên 40 tuổi chia sẻ khó khăn khi tìm việc, tập trung ở khối phổ thông, ông có lời khuyên gì cho họ?

- Qua nắm bắt, Hà Nội có 4,1 triệu người lao động và khoảng 300.000 doanh nghiệp (90% nhỏ và vừa). Đa phần có chuẩn bị từ sớm nên ảnh hưởng không lớn, có chăng là chững lại. Ví dụ, trước đây, có nơi tuyển 20 người thì nay tuyển 4 - 5 người, hoặc không tuyển lao động nữa.

Không chỉ có lao động trên 40 tuổi tìm việc, có nhiều bạn trẻ cũng tìm việc. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng bền vững. Bền vững là đồng thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Lao động phổ thông có thể hướng tới bán hàng, dịch vụ, giúp việc, vận chuyển…

Thực tế, có doanh nghiệp tìm mỏi mắt không có thợ lành nghề, có kinh nghiệm. Do đó, lao động lớn tuổi vẫn được tín nhiệm, săn đón. Ví dụ như nghề cơ khí, may mặc.

Trong khi đó, nếu lao động trẻ chủ quan, không tự học hỏi, tự trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phù hợp sẽ bị thị trường đào thải. Ví dụ, lao động ngành du lịch cần trau dồi ngoại ngữ, giao tiếp, áp dụng công nghệ để tiếp cận nhiều khách hàng.

* Để giúp người lao động tìm việc nhanh chóng, đã có những giải pháp gì, thưa ông?

- Chúng tôi thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả hai. Vừa qua, hơn 130 doanh nghiệp tại 9 tỉnh thành gồm Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lạng Sơn đem tới gần 28.000 chỉ tiêu.

Trong đó, Bắc Giang tuyển lao động nhiều nhất với 17.244 chỉ tiêu, Bắc Ninh 3.701 chỉ tiêu, Hải Phòng 1.584 chỉ tiêu, Hà Nội 1.088 chỉ tiêu…

Nhu cầu tập trung vào công nhân kỹ thuật, công nhân may, bảo vệ, tạp vụ, kỹ sư, kinh doanh, marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng… Mức lương đa dạng từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, 7 - 10 triệu đồng/tháng, thậm chí một số vị trí 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Về lâu dài, chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân thị trường lao động bị ảnh hưởng từ đâu. Sau đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chỉ khi doanh nghiệp có sức khỏe tốt thì mới lo được cho người lao động.

Hiện, Nhà nước đã có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đơn hàng, giới thiệu thị trường mới để tránh phụ thuộc, hỗ trợ vay vốn…

Lời khuyên cho gen Z, lao động trên 30, 40 tuổi tránh thất nghiệpLời khuyên cho gen Z, lao động trên 30, 40 tuổi tránh thất nghiệp

Dù là gen Z hay lao động trên 30, 40 tuổi, bạn có thể tránh được thất nghiệp nếu nằm lòng những lời khuyên mà chuyên gia đưa ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên