Đối diện chiêu trò

LAN HƯƠNG 17/09/2015 01:09 GMT+7

TTCT - Sự kiện hai cô gái hẹn nhau đấu tay đôi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút vài trăm người tham gia làm tôi liên tưởng đến mô tả của Don Tapscott về “Thế hệ net” (“Net generation” hay “Net gen”), sinh ra khoảng thời gian 1977-1996, được thừa hưởng các thành quả công nghệ của thời đại.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Ở họ có hai đặc tính bao gồm soi mói, hoài nghi, song hành cùng yếu tố xem trọng quyền cá nhân. Đây là hai đặc tính phát triển cùng với tự do của các cá thể.

Đó là lý do hai nhân vật chính của cuộc ẩu đả chỉ khoe lên trang cá nhân của mình các hình ảnh nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, cùng vài hình xăm và cách phục sức khác thường lại nhận được sự tán thưởng của một cộng đồng ảo vài chục ngàn người.

Sự khác biệt của hai cô gái được xem như tuyên ngôn về cá tính - là thứ mà “Thế hệ net” chờ đợi - dù những đặc điểm ấy đi ngược với các chuẩn mực của xã hội.

Văn hóa đại chúng nuông chiều giới trẻ

“Thế hệ net” lớn lên trong môi trường có quá nhiều công cụ hỗ trợ để lan truyền các hành vi của mình đến nhiều người nhất. Mạng xã hội, điện thoại thông minh, phần mềm chỉnh sửa, website chia sẻ phim, nhạc...

Tất cả cho mọi cá nhân cơ hội “sản xuất” tin tức ngang bằng với các kênh truyền thông chính thống. Mặt khác, trong khi những kênh truyền thông lớn bị ràng buộc với các quy định của pháp luật trong việc thực hiện tin thì những cá nhân chỉ bị chế tài bởi cam kết với các mạng xã hội mà họ tham gia.

Họ không phải gánh chịu những chế tài thực tế từ hệ thống pháp luật. Nên để thu hút người khác, các cá nhân đánh vào yếu tố giật gân, gây sốc. Không thể cứ nhuộm tóc, khoe tóc, khoe hình xăm mãi được. Đánh nhau là một chiêu trò khác hấp dẫn hơn, được tô vẽ bằng các cụm từ đầy tính yêng hùng như “sống thật với bản thân”, “chết thì chôn”...

Đó cũng là cách mà vài trăm con người tham gia câu chuyện của hai nhân vật chính. Những chiếc điện thoại được đưa lên liên tục có lẽ chỉ nhằm ghi những hình ảnh mới nhất về cuộc đối đầu (nếu có), nhằm mục đích gì nếu không phải là thu hút sự chú ý của đám đông, ít nhất là lợi dụng cơn khát tin của các nhóm người hâm mộ đông đảo lên đến vài chục ngàn người của hai cô gái kia?

Sự hăm hở lao mình vào mọi ngõ ngách sốc, lạ để thu hút những lượt thích, lượt đồng tình của đám đông như một chỉ dấu nổi tiếng của thế hệ trẻ chứa đựng nhiều khía cạnh mỉa mai của văn hóa đại chúng.

Nhìn những gương mặt 8X, 9X hớn hở theo sau một cô gái xăm trổ đầy mình để chờ đợi một cuộc đối đầu thấy chút gì đó bất nhẫn. Đứng ở góc độ đồng loại đã là không phải phép khi ta thản nhiên nhìn người khác đánh nhau, chứ chưa nói đến góc độ phản cảm của việc để hai cô gái lao vào cấu xé giữa bao nhiêu cặp mắt.

Vai trò mờ nhạt của thiết chế xã hội

Trước đây khi con người được chỉ đích danh thuộc về một vùng đất, một đặc tính dân tộc thì mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng đóng vai trò khá quan trọng. Các hình thức khai trừ, xa lánh của cộng đồng thực chất là hình thức chấm dứt giao tiếp, đẩy cá nhân vào tình trạng rủi ro khi phải một mình chống đỡ với các thách thức đến từ thiên nhiên, từ đời sống sản xuất.

Nhưng khi không gian mạng mở ra những liên kết mới giữa các nhóm người khác nhau, các cộng đồng mới được thành lập không bị giới hạn bởi chỉ giới địa lý hay chủng tộc thì năng lực chế tài bằng việc xa lánh của cộng đồng không còn hiệu quả.

Điều này đúng cả với cộng đồng thực tế và cộng đồng ảo. Các cá nhân giờ đây thuộc về nhiều nhóm - cộng đồng - khác nhau, khiến xác suất làm một cá nhân bị cô độc (nhằm chiêm nghiệm về sai lầm) hầu như không có.

Ngoài ra, chính lối sống của xã hội hiện đại cũng là một nguyên nhân làm giảm sút ảnh hưởng của thiết chế cộng đồng. Nhu cầu chạy theo phát triển kinh tế, đánh đồng năng lực làm giàu với năng lực cá nhân, khiến trường học và gia đình chú trọng đến tính thực dụng qua việc chọn môn học đáp ứng mục tiêu kinh tế, bỏ quên các môn học đạo đức, kỹ năng sống.

Mặc dù Gustave Le Bon trong Tâm lý học đám đông nhận định rằng “những gì trái ngược với niềm tin chung và với tình cảm dân tộc sẽ chỉ có một thời gian sống rất phù du và dòng sông quanh co lại nhanh chóng chảy theo dòng của nó”, nhưng xã hội cũng không thể thờ ơ để mặc cho các hành vi lệch chuẩn tự sản, tự tiêu.

Lẽ tất nhiên, giới trẻ - Thế hệ net - lớn lên bên ngoài mối quan hệ cộng đồng, dửng dưng với các trách nhiệm bên ngoài gia đình như trách nhiệm với khu phố, xóm làng, hay lớn lao hơn là trách nhiệm với quê hương, đất nước. Mô hình gia đình hiện đại không còn nhiều quan hệ tình cảm truyền thống, khi cha mẹ chỉ làm tốt vai trò người cung cấp vật chất cho con.

Đứa trẻ chỉ lo bổn phận học hành. Những liên kết cộng đồng với hàng xóm, họ mạc không được phát triển, dẫn dắt bởi cha mẹ. Đứa trẻ dần tách khỏi cộng đồng thực tế mà nó sống để vun đắp quan hệ cho những cộng đồng ảo khác.

Bên cạnh đó, “Thế hệ net” đã sử dụng khái niệm quyền cá nhân khá uyển chuyển. Quyền cá nhân đòi hỏi quyền bất khả xâm phạm đối với bất kỳ hành động nào của các cá nhân trong cộng đồng. Tôn trọng quyền cá nhân trong trường hợp này được diễn giải bằng khái niệm ích kỷ hơn về việc ưu tiên cái tôi, thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà không đếm xỉa đến cộng đồng.

Do đó, những đoạn phim kiểu cô giáo “cung bọ cạp”, kiểu ca sĩ Lệ Rơi, kiểu lái xe bằng chân... vẫn xuất hiện nhan nhản dù bị phê phán, bởi nó đáp ứng được khẩu vị của đám đông - những người đang trôi dạt trong xã hội vì không có được nền tảng nối kết với cộng đồng đủ mạnh.

Đặc biệt khi các giá trị thực dụng, ích kỷ tìm được sự thừa nhận rộng rãi thì hậu quả để lại không chỉ dành cho thế hệ trẻ mà cả toàn xã hội. Không chủ động đối mặt với các thách thức mới, xã hội không mong chờ được đáp đền từ thế hệ tương lai. Đó là câu chuyện ứng xử của chúng ta đối với các chiêu trò của “Net gen”.

Tụt xuống nhiều nấc thang văn hóa

“Những quan sát kỹ càng hơn dường như có thể chứng minh rằng một người nằm lâu trong đám đông và bị tác động, chẳng bao lâu nữa - người đó qua sự bộc phát tình cảm một cách tự phát hoặc do một nguyên nhân bất kỳ chưa biết đến - sẽ ở trong một trạng thái đặc biệt và trở nên mê mẩn rất giống một người bị thôi miên. Do tê liệt về tâm trí, người bị thôi miên trở thành kẻ nô lệ của những lực vô thức trong nó, đó là những lực mà nhà thôi miên có thể điều khiển một cách tùy ý. Cá tính có ý thức đã hoàn toàn bị xóa bỏ, ý chí và khả năng xét đoán bị biến mất, tất cả tình cảm và suy nghĩ đều chuyển sang trạng thái có thể bị nhà thôi miên tác động.

Thành viên của đám đông cũng sẽ ở trong một trạng thái tương tự trạng thái trên. Họ không còn ý thức về những hành động của mình. Trong khi anh ta, như những người bị thôi miên, bị mất đi một số khả năng nào đó thì những người khác trong đám đông lại bị dồn đến một trạng thái cực kỳ kích động. Dưới tác động của lây nhiễm, anh ta sẽ lao vào một hành động nào đó với một sự hung dữ không cưỡng lại nổi (...).

Như vậy thành viên của một đám đông có những đặc điểm chính sau: mất đi cá tính có ý thức, cá tính vô thức chiếm thế thượng phong, suy nghĩ và tình cảm bị hướng về một hướng bởi kích hoạt và lây nhiễm, có xu hướng nhất quyết biến những ý tưởng bị kích hoạt thành hành động. Các thành viên lúc này không còn là chính họ nữa, tất cả đã trở thành người máy và không còn làm chủ được những hành động của mình. Chỉ riêng việc là thành viên của đám đông, con người đã tụt xuống nhiều nấc thang văn hóa (...). Thành viên trong đám đông giống như một hạt cát trong đống cát, luôn bị gió cuốn đi theo mọi hướng bất kỳ”.

Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon (1841-1931), dịch giả Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, 6-2006, NXB Tri Thức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận