14/02/2024 08:24 GMT+7

Dự án số hóa từ chiếc vỏ sò 2.000 năm tuổi

Có đôi bạn kỹ sư của Google đã rời Thung lũng Silicon (Mỹ) về quê hương Việt Nam khởi nghiệp với dự án nhằm bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, mở ra cơ hội lan tỏa giá trị Việt bay xa.

Dự án số hóa từ chiếc vỏ sò 2.000 năm tuổi- Ảnh 1.

Start-up Phygital Labs do Nam Đỗ và Huy Nguyễn đồng sáng lập dùng công nghệ vật lý số để định danh các sản phẩm, từng bước đưa chúng sống mãi trên không gian mạng.

Tượng đá kể chuyện

Trong một lần đi xuyên Việt, Nam Đỗ ghé Đà Nẵng và câu chuyện về một tác phẩm điêu khắc trên chiếc vỏ sò 2.000 năm tuổi đã khiến Nam vô cùng tò mò.

Lần quay lại sau đó, Nam có cơ duyên gặp được tác giả của tác phẩm là nghệ nhân Mai Thanh Thiện. “Khi nghe nghệ nhân kể về hình thành tác phẩm, tôi mới cảm nhận được chiều sâu của tác phẩm, cả nội hàm lẫn ý nghĩa.

Rồi cuốn vào đó là câu chuyện về tác giả - nghệ nhân hơn 30 năm đục đẽo, học nghề từ năm 15 tuổi và chiều sâu của làng nghề Ngũ Hành Sơn hơn 300 năm tuổi. Quá thú vị”.

Câu hỏi bật ra: Những câu chuyện ở làng nghề Ngũ Hành Sơn, của nghệ nhân Mai Thanh Thiện cũng như hàng ngàn làng nghề, nghệ nhân Việt khác đủ sức hấp dẫn để mọi người muốn nghe, muốn biết, nhưng cách nào?

Nam Đỗ chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình. Công nghệ sẽ làm việc này. Và khi công nghệ đưa câu chuyện của tác giả, tác phẩm đến mọi người sẽ nâng tầm giá trị của sản phẩm ngoài đời đúng với giá trị mà nó đang có.

Theo chàng trai 8X, sẽ thêm thú vị khi tác phẩm đó do chính người nghệ nhân tạo ra nó kể chuyện. Bởi vì đâu phải ai cũng dễ dàng gặp được nghệ nhân để nghe họ kể.

Rồi trăm năm sau ai có thể giữ được hồn và cảm xúc trong câu chuyện của họ. Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận để câu chuyện biến mất. Chỉ có công nghệ mới giúp điều này được bảo tồn mãi mãi và lan tỏa đời đời.

Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng công nghệ là con đường ngắn và nhanh nhất đưa Việt Nam đột phá, vươn lên tầm châu lục.
Huy Nguyễn

Con chip cầu nối

Ai cũng có thể đưa sản phẩm lên không gian số, nhưng công việc đó thêm ý nghĩa và tăng giá trị khi đó chính là người tạo ra sản phẩm “Ban đầu là tạo mô hình 3D cho sản phẩm trong thực tế, sau đó định danh số bằng cách gắn chip vào sản phẩm đó sẽ nối sản phẩm thực tế với sản phẩm số.

Cầu nối này phải đảm bảo được mối quan hệ 1:1 và cũng đảm bảo được việc người đưa sản phẩm số lên không gian số chính là người chủ sở hữu”, Nam giới thiệu về cách thức Phygital Labs đưa sản phẩm văn hóa lên mạng...

Nhưng đó chỉ là cái “vỏ”, quan trọng là phần “hồn”. Phần “hồn” chính là người tạo ra sản phẩm kể câu chuyện như quá trình tác tạo ra tác phẩm, quá trình hình thành và sức sống của làng nghề - nơi kiến tạo ra các nghệ nhân làm ra các sản phẩm.

“Khi tài sản số đã được lồng ghép câu chuyện, được đưa lên bảo tàng số sẽ dễ dàng lan tỏa các giá trị văn hóa, thậm chí đưa lên chợ trực tuyến để bán, tạo ra giá trị kinh tế cho người tạo sản phẩm...”, Nam nói.

Dự án số hóa từ chiếc vỏ sò 2.000 năm tuổi- Ảnh 2.

* Đỗ Hoài Nam (1986): Hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Thung lũng Silicon, trong đó có 8 năm làm việc tại Google.

* Huy Nguyễn (1987): Làm việc tại Google từ năm 2010. Năm 2017, khi 30 tuổi, trở thành một trong những lãnh đạo cấp cao trẻ tuổi ở Google.

Thưởng lãm di sản trên... điện thoại

Trong câu chuyện về định danh số cho các tác phẩm ở làng đá Non Nước (Đà Nẵng), Nam Đỗ kể rằng một tác phẩm thực thụ ngoài thường rất to và cao, hơn cả con người thật, do đó việc đi đến tận nơi để chiêm ngưỡng sản phẩm là không hề dễ dàng.

Nhờ số hóa và định danh, mọi người dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể vào thấy được đây là các tác phẩm của làng đá Ngũ Hành Sơn cùng với tất cả câu chuyện về tác phẩm, tác giả tạo ra nó...

Vì sao số hóa bảo tàng quan trọng như thế? Nam nói nhiều nước có điều kiện xây dựng bảo tàng lớn, trong khi bảo tàng tại Việt Nam chưa nhiều lại nhỏ nên sự lan tỏa còn hạn chế.

“Khi mình đưa các di sản Việt lên không gian số, trong bảo tàng số, mọi người dễ dàng tham quan, tìm hiểu, tận mắt chiêm ngưỡng di sản... chỉ với điện thoại thông minh”, Nam tin tưởng.

Huy Nguyễn, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Phygital Labs, cũng cho rằng di sản văn hóa Việt Nam là những giá trị hết sức quý giá, mỗi di sản là “độc bản”, có vai trò lịch sử và hàm lượng giá trị văn hóa khác nhau nên cần được bảo tồn, gìn giữ.

Nhưng quan trọng hơn là cần được phát triển, nâng cấp để những giá trị này lan tỏa và ghi dấu ấn nhiều hơn.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, tôi cho rằng ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát triển và quảng bá những di sản văn hóa quý giá của chúng ta là thức thời và cần thiết”, Huy chia sẻ.

Khởi nghiệp nhân văn!

* “Dự án dùng công nghệ để bảo tồn di sản văn hóa Việt vượt ra ngoài những thứ mà tôi suy nghĩ về công nghệ. Nó không còn là công nghệ nữa mà rất nhân văn, tiến rất gần với văn hóa Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC, Bộ KH&ĐT)

* “Với nền tảng blockchain và đặt trong miền ứng dụng dự án số hóa làng đá Non Nước và các sản phẩm OCOP... là những mảnh ghép quan trọng để có những đột phá chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh”.

Ông Nguyễn Quang Thanh (giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng)

* “Kỷ nguyên số đang tạo ra cơ hội bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc. Hy vọng sự hợp tác giữa Phygital Labs và UNET sẽ sớm mang lại thành tựu cho công cuộc bảo tồn và phát triển, quảng bá di sản, văn hóa Việt, từ đó đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước”.

Ông Nguyễn Hùng Sơn (tổng giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO)

Số hóa 108.000 văn bản, chỉ mất vài phút để trích lục bản án, quyết định tại Tòa án TP Thủ ĐứcSố hóa 108.000 văn bản, chỉ mất vài phút để trích lục bản án, quyết định tại Tòa án TP Thủ Đức

Hơn 108.000 bản án, quyết định của Tòa án quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ từ năm 1976 đến nay đã được số hóa toàn bộ, rút ngắn thời gian trích lục chỉ còn 5 - 10 phút.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên