02/04/2024 17:44 GMT+7

Dự thảo mới: Thương nhân tự công bố giá bán lẻ xăng dầu, 7 ngày/lần

Kỳ điều hành xăng dầu có thể tiếp tục được giữ nguyên như quy định hiện hành, song mở quyền cho thương nhân phân phối cũng được tự tính và công bố giá.

Thương nhân phân phối cũng được điều chỉnh công bố giá xăng dầu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thương nhân phân phối cũng được điều chỉnh công bố giá xăng dầu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chỉ sau gần một tuần đưa ra dự thảo quản lý kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã vừa công bố dự thảo lần hai. Trong đó điểm đáng chú ý nhất là đề xuất 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu do doanh nghiệp tự công bố lại được rút ngắn xuống còn 7 ngày như quy định hiện hành.

Điều hành 7 ngày, mở quyền cho thương nhân phân phối

Dự thảo tờ trình lần hai của ban soạn thảo nghị định tiếp tục bảo lưu quan điểm Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá, nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.

Tuy nhiên, thay vì đề xuất trước đây là 15 ngày công bố giá thế giới bình quân, dự thảo này có điều chỉnh Nhà nước công bố giá thế giới bình quân là 7 ngày/lần. Trên cơ sở đó, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán lẻ.

Cũng như dự thảo trước, giá bán xăng dầu mà thương nhân công bố sẽ không được vượt quá giá được tính toán theo công thức, với giá tối đa, bao gồm các yếu tố như giá thế giới, tỉ giá, thuế các loại, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức.

Dự thảo cũng giải thích rõ hơn về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. Theo đó, ban soạn thảo đã bổ sung thêm một phương án để tính toán các chi phí định mức và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.

Cụ thể với phương án 1, các chi phí này sẽ được quy định theo giá trị tuyệt đối (khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít, không tùy chủng loại).

Phương án 2 là sẽ quy định cụ thể mức biến đổi của tỉ lệ % theo biến động giá xăng dầu. Trong trường hợp chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bên liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Dự thảo quy định thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu căn cứ công thức tính giá nêu trên để tính toán, công bố giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống, nhưng không vượt quá giá bán tối đa.

Như vậy, dự thảo mới này có những điểm khác so với trước đó, khi chỉ cho thương nhân đầu mối căn cứ vào công thức tính giá để tính toán, công bố giá bán xăng dầu. Trong khi theo quy định trên, sẽ đồng nghĩa với việc mở quyền cho thương nhân phân phối được tự quyết giá, dựa trên chi phí kinh doanh thực tế để tạo sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải công bố giá đúng quy định, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của doanh nghiệp, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, thương nhân có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại nghị định. 

Siết quy định quản lý kinh doanh xăng dầu

Điểm đáng chú ý nữa là ngoài việc vẫn duy trì quỹ bình ổn, dự thảo đã đưa thêm các quy định để quản chặt hơn các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Trong đó, có thêm yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu, thương nhân phân phối báo cáo định kỳ về việc sử dụng kho. Sở Công Thương được giao kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của các thương nhân về vấn đề này.

Dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu thương nhân kinh doanh phải kết nối dữ liệu kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước. Bao gồm dữ liệu về tổng nguồn, tiêu thụ và tồn kho như là điều kiện bắt buộc.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định phải có kinh nghiệm tham gia thị trường xăng dầu. Theo đó, với thương nhân đầu mối được cấp phép phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tối thiểu 3 năm liền kề và không bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm.

Ngoài ra là việc bổ sung quy định về năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường. Điều này nhằm tránh tình trạng để doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò là đầu mối, sẽ không đảm bảo hiệu quả do không cạnh tranh được.

Theo đó, dự thảo quy định thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu là 100.000m3 (hoặc tấn) xăng dầu/năm. Lượng xăng dầu này chỉ được tính từ nguồn nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và không tính với các nguồn mua bán qua lại giữa các thương nhân.

Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, liệu có bình mới rượu cũ?Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, liệu có bình mới rượu cũ?

Việc doanh nghiệp xăng dầu được tự công bố giá, thay vì Nhà nước điều hành giá theo kỳ, đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường xăng dầu cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn quanh dự thảo này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên