10/06/2021 09:19 GMT+7

Đường dây nóng tư vấn tâm lý tuổi teen mùa dịch

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Có một đường dây nóng được vận hành như một người bạn sẵn sàng lắng nghe, tham vấn tâm lý 24/7 cho các bạn nhỏ, trong mùa dịch.

Đường dây nóng tư vấn tâm lý tuổi teen mùa dịch - Ảnh 1.

Vũ Hương Bình, chủ tịch Câu lạc bộ BlueBlue, họp bàn trực tuyến với nhóm bạn trẻ người nước ngoài tham gia dự án - Ảnh: HÀ THANH

"Mình từng trải qua giai đoạn nặng hơn rất nhiều là trầm cảm. Lúc đầu không có ai để nói chuyện, mình cố gắng kìm nén, tự đối mặt với cảm xúc của bản thân. 

Ở nước ngoài, hầu hết đều có hotline để các bạn trẻ gặp vấn đề tâm lý có thể chia sẻ cảm xúc hay giãi bày tâm sự, mình cố gắng tìm điều tương tự ở Việt Nam nhưng không có. Từ đó thôi thúc mình tạo ra một trung tâm có thể hỗ trợ tâm lý cho các bạn" - Vũ Hương Bình, 17 tuổi, chủ tịch Câu lạc bộ BlueBlue, chia sẻ ý tưởng thành lập dự án.

"Chúng mình sẵn sàng làm người bạn thân thiết để các bạn bày tỏ, tâm sự.

DIDI BULLARD

Như một người bạn biết lắng nghe

Ngay đầu tháng 5, Bình cùng nhóm bạn trẻ tại Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi) chính thức vận hành đường dây nóng 19009204 (nhánh số 3) hoạt động 24/7 nhằm tư vấn, hỗ trợ tâm lý miễn phí cho thanh thiếu niên ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, một trang fanpage cũng được vận hành song song để hỗ trợ các bạn nhắn tin để được tư vấn tâm lý nếu không muốn gọi điện thoại.

Nhóm dự án nhìn ra vấn đề, rất nhiều bạn trẻ không được đến trường vì dịch COVID-19 tái bùng phát hiện đang cần sự hỗ trợ về tâm lý hay chỉ đơn giản là cần người lắng nghe, sẻ chia về những cảm xúc mà các bạn đang gặp phải.

Hơn 30 bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc. Một nhóm chuyên thiết kế tờ rơi, chạy trang fanpage, liên hệ với các đối tác tài trợ và truyền thông. Một nhóm khác là sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc học chuyên sâu về tâm lý làm nhiệm vụ tham vấn tâm lý dưới sự giám sát của chuyên gia - bác sĩ tâm lý. 

Chỉ sau 1 tuần chạy đường dây nóng, nhóm bạn đã nhận được 14 cuộc gọi và rất nhiều tin nhắn từ các bạn trẻ ở Hà Nội cần sự hỗ trợ tâm lý.

"Đường dây nóng đóng vai trò như một người bạn để có thể tâm sự, lắng nghe về những điều mà bạn cảm thấy không đủ thoải mái để nói chuyện với bạn bè, gia đình. Các bạn gọi đến không cần phải nói tên, đến từ đâu, danh tính hoàn toàn được bảo mật", Bình bộc bạch. 

Bên cạnh đó nếu trường hợp đặc biệt gọi điện đến cần tham vấn sâu hơn, nhóm sẽ làm việc với các bệnh viện để có thể hỗ trợ chuyên sâu cho những trường hợp này.

Bình chia sẻ mới đầu chỉ là thông điệp "Hãy cố gắng lên" trên những tấm thiệp nhỏ xinh được các bạn trẻ gửi đến các trường học ở Hà Nội. Về sau cô chia sẻ câu chuyện này với cha là một bác sĩ thì nhận được gợi ý về một trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên. 

Tiếp nối ý tưởng về những tấm thiệp nhỏ xinh, nhóm dự án bắt đầu liên hệ với các đối tác tài trợ, đối tác truyền thông và đi tìm sinh viên chuyên ngành tâm lý tham gia dự án này.

"Ban đầu chúng mình đã phải làm rất nhiều việc cùng một lúc. Nhiều lúc đối tác muốn gặp gỡ bàn công việc khi đang giữa giờ học, rất khó để sắp xếp giữa lịch học và lịch làm việc với các đối tác. Bây giờ đã qua giai đoạn ban đầu, chúng mình đã cân bằng được việc học và chạy dự án", bạn Ayami Matsumura - người Nhật Bản, thành viên dự án - chia sẻ.

Làm điều có ý nghĩa khi ở Việt Nam

Khoảng 3 năm trước, Ayami cùng cha mẹ đến Việt Nam sinh sống, đại dịch COVID-19 xảy đến nên gia đình cô chưa thể quay về nước. Trong giai đoạn này, Ayami nhìn ra những vấn đề tâm lý đang xảy ra với các bạn trẻ Việt Nam: áp lực học tập, áp lực thành tích, kỳ vọng của cha mẹ hay nhiều lúc những vấn đề tâm lý lại bị coi là "điên rồ, bất bình thường".

"Những vấn đề này ở Việt Nam cũng tương tự như những người trẻ ở Nhật Bản đang gặp phải - Ayami nói - Mình muốn làm gì đó, muốn giúp đỡ các bạn Việt Nam. Tham gia vào dự án khiến mình "ít buồn" hơn một chút khi không thể về nước trong giai đoạn này, bởi tin rằng mình đang giúp đỡ được nhiều người trong giai đoạn khó khăn, tạo ra giá trị khi mình sống ở Việt Nam", Ayami chia sẻ.

Có cha là người Úc, mẹ là người Việt, Didi Bullard (có tên Việt Nam là Trà My) chia sẻ bạn cũng như nhiều học sinh khác gặp phải áp lực trong việc học cũng như rất khó để tìm thấy sự cân bằng giữa hoạt động ngoại khóa và việc học trên lớp. 

"Chỉ có một cách để giải tỏa là nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè. Nhưng nếu các bạn cảm thấy không thoải mái hay không tìm thấy không gian an toàn, có thể tìm đến đường dây nóng của chúng mình để được hỗ trợ", Didi Bullard nói.

Dự tính của nhóm bạn trẻ là sẽ hỗ trợ tư vấn tâm lý cho khoảng 260 trường hợp gọi điện đến từ nay đến hết tháng 8.

Đồng thời, tích cực chia sẻ trên trang fanpage để dự án lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng, nhất là nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, giúp họ hiểu ra được vấn đề mà các bạn trẻ đang gặp phải để thực sự kiên nhẫn và biết cách tâm sự với con cái.

"Sau mỗi ca tham vấn tâm lý, nhiều bạn gửi lời cảm ơn, xúc động vì được các anh chị tham vấn viên hỗ trợ nhiệt tình, thậm chí có những cuộc gọi đến lúc 1h - 2h sáng.

Chúng mình mong muốn chạy dự án lâu dài, bởi một trong những mục tiêu mà nhóm hướng đến là giúp cộng đồng nhận ra được sự nghiêm trọng của vấn đề này, để có thể tạo ra được những trung tâm hỗ trợ khác tốt hơn, rẻ hơn cho lứa tuổi học sinh", Vũ Hương Bình bày tỏ.

Khởi động chương trình tư vấn tâm lý 'Yêu lắm tuổi teen ơi!' Khởi động chương trình tư vấn tâm lý "Yêu lắm tuổi teen ơi!"

TTO - Hơn 1.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) đã hào hứng tham gia chương trình tư vấn tâm lý “Yêu lắm tuổi teen ơi!” do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức sáng nay 9-5.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên