18/04/2023 09:05 GMT+7

G7 tìm sự thống nhất về Trung Quốc

Hôm nay (18-4), ngoại trưởng các nước G7 sẽ kết thúc ba ngày làm việc tại Nhật Bản, với ưu tiên tăng cường sự đoàn kết và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU tại phiên thảo luận ngày 17-4 - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU tại phiên thảo luận ngày 17-4 - Ảnh: AFP

Đây là cuộc họp quan trọng cho vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại. Kết quả thảo luận của các nhà ngoại giao G7 lần này được xem là bản phác thảo cho chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 giữa lãnh đạo các nước thành viên nhóm này vào tháng 5 tới ở Hiroshima.

Phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng

Hôm 17-4, ngoại trưởng nước chủ nhà Nhật Bản Hayashi Yoshimasa khẳng định cộng đồng quốc tế đang ở "bước ngoặt của lịch sử". 

Do đó Nhật Bản muốn chứng minh cho thế giới thấy quyết tâm của nhóm G7 trong việc kiên quyết bác bỏ các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đề cập tới "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

Theo Hãng tin AP, lần này phía Mỹ đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ dành cho Ukraine, bao gồm viện trợ vũ khí và một sáng kiến hạ tầng năng lượng. Song song đó, Washington cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính Nga.

Tuy nhiên tâm điểm của ngày họp này vẫn xoay quanh cách thức G7 phối hợp xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Các đại diện G7 được cho đã thảo luận về góc nhìn của họ đối với quan điểm của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề mà nước này có tầm ảnh hưởng, từ cuộc xung đột Ukraine, vấn đề hạt nhân Triều Tiên cho đến trực diện hơn là các động thái của Bắc Kinh với đảo Đài Loan. 

Gần đây, Trung Quốc đã tập trận mô phỏng bao vây Đài Loan và được cho đã cấp tập tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân, quyết đoán hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tạo ra một viễn cảnh đối đầu.

Ngoại trưởng Hayashi cho biết các nước bên ngoài phải tiếp tục "xây dựng một mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng, trong khi phải trực tiếp thể hiện lo ngại và kêu gọi Trung Quốc hành xử như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".

Tìm cách tiếp cận cân bằng

Ngày họp thứ hai của ngoại trưởng các nước G7 nhấn mạnh yêu cầu về một mặt trận thống nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lời kêu gọi "thống nhất" được đưa ra khi G7 phải xử lý những tranh cãi xung quanh phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về Đài Loan gần đây, hay rộng hơn là yêu cầu "tự chủ chiến lược" trong vấn đề Đài Loan của châu Âu. 

Theo Japan Times, không những khiến Mỹ và một số nước châu Âu khác phản đối, bình luận của ông Macron còn góp phần đe dọa các nỗ lực của Nhật Bản về việc thúc đẩy một khối thống nhất nhằm thúc giục Trung Quốc tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Theo ông Jacques deLisle - giám đốc chương trình châu Á tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (trụ sở ở Philadelphia, Mỹ), bất chấp có những biểu hiện thống nhất bên ngoài, bình luận của ông Macron phản ánh thực tế rằng có những khác biệt thực sự giữa các đồng minh.

Trao đổi với AFP, ông deLisle nhận định rằng dù đánh giá của châu Âu về Trung Quốc và quan điểm về Đài Loan đã đi theo hướng Mỹ mong muốn, nhưng chưa đạt được đồng thuận. 

"Quan điểm của Washington về Trung Quốc càng lúc càng tiêu cực, do đó tín hiệu ủng hộ Đài Loan càng mạnh mẽ hơn, duy trì một khoảng cách giữa lập trường của châu Âu và Mỹ", ông nói.

Với tầm quan trọng của Trung Quốc trong một số vấn đề nóng về an ninh cũng như hợp tác kinh tế, bản thân châu Âu cũng có những khác biệt về cách tiếp cận cân bằng giữa hợp tác và chỉ trích Trung Quốc. 

Hôm 16-4, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại kiêm phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cho rằng Trung Quốc đã ngày càng quyết đoán nhưng "chúng ta phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, và chúng ta phải tiếp tục giao thương với Trung Quốc".

Cách phản ứng của châu Âu có thể là trở ngại cho Mỹ trong việc tăng cường kiềm chế Trung Quốc. Washington nhiều khả năng phải giải quyết được bài toán của châu Âu đối với sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh.

Theo AFP, Mỹ và Nhật Bản trong ngày 18-4 sẽ nêu bật cảnh báo về "sự cưỡng bức kinh tế" của Trung Quốc và tuyên bố sau cùng về vấn đề này sẽ kêu gọi hành động nhiều hơn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn cũng như một số lĩnh vực nhạy cảm.

Trong một động thái được cho là "nắn gân" Bắc Kinh, hải quân Mỹ ngày 17-4 xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius của nước này đi qua eo biển Đài Loan hôm 16-4.

Sự xuất hiện của tàu khu trục USS Milius ở eo biển Đài Loan diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận quy mô gần đây quanh hòn đảo, nhằm phản ứng việc nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh tại Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy mới đây.

G7 tăng cường phối hợp với ASEAN

Tại phiên thảo luận về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sáng 17-4, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi đề cập yêu cầu của G7 trong việc tăng cường phối hợp với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về trung và dài hạn.

Ông đồng thời nhấn mạnh yêu cầu ủng hộ tính trung tâm và thống nhất của ASEAN, cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác cùng ASEAN trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các ngoại trưởng G7 đã chia sẻ quan điểm về việc tăng cường sự gắn kết với ASEAN.

G7 thảo luận nhiều điểm nóng an ninhG7 thảo luận nhiều điểm nóng an ninh

Hôm 16-4, các nhà ngoại giao từ châu Âu và Bắc Mỹ đã tới thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa, tỉnh Nagano (Nhật Bản) cho cuộc gặp cấp ngoại trưởng G7 kéo dài tới ngày 18-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên