19/10/2019 07:08 GMT+7

Giấc mơ lập quốc xa vời của người Kurd

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Dân tộc Kurd có lịch sử khoảng 3.000 năm, có chữ viết từ thế kỷ 7, có nền văn hóa Kurd, có cờ Kurd với ba màu xanh, trắng, vàng.

Giấc mơ lập quốc xa vời của người Kurd - Ảnh 1.

Chính phủ Iraq vẫn mong muốn duy trì quy chế tự trị cho khu vực Kurdistan. Trong ảnh, các binh sĩ người Kurd chơi bóng chuyền trong khu tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq - Ảnh: NAT GEO

Người Kurd muốn thoát nghịch cảnh một dân tộc không quốc gia, nhưng giấc mơ lập quốc sẽ khó thành.

Nhận định như trên trên trang web Middle East Eye (Anh), chuyên gia Lars Hauch (Đức) cho rằng mặc dù người Kurd ở Iraq đã thành lập khu tự trị Kurdistan, người Kurd ở Syria đã thực hiện chế độ tự trị ở miền bắc, hay người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã lập các khu định cư, giấc mơ lập quốc của họ vẫn tiếp tục là ảo tưởng.

Mục tiêu khác nhau

Hiện có nhiều trở ngại đối với giấc mơ lập quốc của người Kurd. Trở ngại đầu tiên là các nhóm người Kurd nhắm đến các mục tiêu khác nhau. Người Kurd tại Iraq muốn xây dựng một quốc gia độc lập riêng, trong khi người Kurd ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lại đi theo con đường khác.

Tiến sĩ sử học Jordi Tejel (Thụy Sĩ) phân tích Đảng Liên minh dân chủ (PYD) ở Syria chủ trương xây dựng dân chủ từ cơ sở là quan trọng, chứ không cần cấu trúc nhà nước. Chính vì vậy, PYD đã đưa ra chính sách xây dựng bộ máy chỉ đạo từ cấp khu phố, sau đó xây dựng ở cấp thành rồi cấp vùng.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Lao động Kurdistan (PKK) đưa ra mô hình tự trị trong hệ thống liên bang. Theo mô hình này, người Kurd quy tụ trong "Nhóm cộng đồng Kurdistan" - một tổ chức do PKK thành lập vào đầu thập niên 2000.

Khác với người Kurd ở Iraq, PYD ở Syria và PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ đều phản đối tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập, dè bỉu đó là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản cổ điển của thế kỷ 19 và 20.

Tại Iran, phong trào đòi lập quốc của người Kurd không đáng lo ngại, vì phong trào vừa yếu, vừa bị trấn áp liên tục, và hầu hết các thành viên đều rút về khu tự trị Kurdistan ở Iraq.

Trở ngại thứ hai là do người Kurd sống phân bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran, các nhà chính trị người Kurd ở nước nào đều bị ảnh hưởng ít nhiều từ chính phủ nước đó. Do đó, họ vừa đối phó với trò chơi quyền lực ở bên ngoài, vừa luôn đấu tranh thường xuyên giữa người Kurd với nhau.

Nước nào cũng sợ người Kurd độc lập

Trở ngại cuối cùng đến từ các nước có người Kurd sinh sống. Tại Iraq, chính phủ không muốn quốc gia tan rã nên duy trì khu tự trị Kurdistan trong quy chế tự trị hoạt động lệ thuộc vào đồng tiền của Baghdad.

Tại Syria, từ cuối năm 2014, Mỹ đã ủng hộ Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG - cánh vũ trang của PYD) về chính trị và quân sự, nhờ đó YPG và PYD nổi tiếng trên thế giới là đối tác hiệu quả nhất trong công cuộc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Đến khi liên quân Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) ra đời năm 2015 gồm các nhóm người Kurd và Ả Rập chống IS mà YPG là thành phần nòng cốt, PYD và YPG đã cố tách khỏi nhãn hiệu người Kurd và xác định họ là phong trào đa sắc tộc.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tìm mọi cách cản trở người Kurd lập khu tự trị Rojava ở miền bắc Syria sát nách Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo sư Alexandre Vautravers (Thụy Sĩ) giải thích: "Từ đầu cuộc khủng hoảng ở Syria, người Thổ đã đưa ra chính sách hết sức rõ ràng, đó là thành lập một vùng đệm phía nam biên giới nhằm bảo đảm trong tương lai không có trại huấn luyện, trung tâm tuyển mộ hay kho vũ khí nào của người Kurd có thể bị PKK lợi dụng".

Chuyên gia Fabrice Balanche (Pháp) dự báo với sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria có thể sẽ được chuyển giao cho quân đội Chính phủ Syria. Nếu vấn đề này xảy ra, mọi thứ lại trở về vạch xuất phát. Giấc mơ lập quốc của người Kurd ở Syria đã thực sự tan thành mây khói.

Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngừng bắn nhưng súng vẫn nổ ở Syria

Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, giao tranh vẫn nổ ra giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd tại thị trấn Ras al-Ayn trong ngày 18-10, bất chấp ngày trước đó Tổng thống Tayyip Erdogan đã đồng ý ngừng bắn 5 ngày sau cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.

Theo đó, Ankara sẽ ngừng các chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria để người Kurd rút vào các khu vực an toàn. Đổi lại, Mỹ sẽ tạm ngừng các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và giải giáp các vũ khí hạng nặng của người Kurd ở Syria.

Giới quan sát nhận định việc Ankara nhanh chóng đồng ý ngừng bắn là bởi họ đã đạt được mục tiêu chiến lược là đẩy các tay súng người Kurd ra xa biên giới. Dù người Kurd ở Syria được xem là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ lại xem họ là cái gai trong mắt vì cho rằng họ có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd chủ trương ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.

BẢO DUY

Người Kurd: một dân tộc, bốn câu chuyện Người Kurd: một dân tộc, bốn câu chuyện

TTO - Người Kurd ngày càng giữ vai trò trung tâm trong nhiều vấn đề nhạy cảm ở Trung Đông, từ giải quyết xung đột ở Syria đến cuộc chiến tiềm tàng chống Iran. Dù vậy, người Kurd vẫn mang danh là dân tộc không quốc tịch đông nhất thế giới.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên