09/09/2023 10:27 GMT+7

Giải bài toán xung đột pháp luật

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV vào chiều 6-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần "chấm dứt sử dụng văn bản hành chính đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật".

Chúng ta hiểu ý của ông Huệ là cần chấm dứt tình trạng ban hành các văn bản dưới luật xung đột với các đạo luật.

Đây quả thực là tình trạng khá phổ biến hiện nay và là nguyên nhân chủ yếu của rất nhiều ách tắc trong hoạt động công vụ cũng như trong đời sống dân sinh của đất nước.

Thực ra có đến 28 loại văn bản hành chính như nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, thông báo, hướng dẫn, công điện... Các văn bản này chỉ mang tính chất tác nghiệp một lần.

Về mặt nguyên tắc, các văn bản này không thể và không có quyền chứa đựng các quy phạm pháp luật.

Việc ban hành các văn bản hành chính để "đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật" là lạm quyền và gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên có vẻ như các thủ tục và yêu cầu được đề ra khó có thể gây tác động lớn đến toàn xã hội.

Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi các văn bản dưới luật (chủ yếu là nghị định, quyết định, thông tư) "đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật".

Đây là các văn bản chứa đựng các quy phạm pháp luật. Khi các quy phạm trong các văn bản dưới luật khác với quy phạm trong các đạo luật thì lập tức tình trạng xung đột pháp luật sẽ xảy ra. Hậu quả của tình trạng xung đột pháp luật là rất nghiêm trọng.

Trước hết, các văn bản dưới luật có thể vô hiệu hóa các đạo luật. Các đạo luật thường đưa ra những nguyên tắc và những quy phạm có tính khái quát cao.

Các văn bản dưới luật được ban hành để cụ thể hóa những nguyên tắc và quy phạm nói trên và để đưa các đạo luật vào cuộc sống. Nếu các văn bản dưới luật đề ra "thủ tục và yêu cầu" khác đi thì các đạo luật chỉ còn là những tuyên ngôn trống rỗng được ghi trên giấy.

Thứ hai, khi pháp luật xung đột với nhau, đời sống công vụ và dân sinh sẽ ách tắc. Tuân thủ các quy định dưới luật kiểu đó thì sẽ vi phạm các quy định của luật, và ngược lại khi tuân thủ các quy định của luật thì sẽ bị cho là vi phạm các quy định dưới luật.

Làm kiểu gì cũng sẽ vi phạm pháp luật. Tình trạng các bộ, công chức né tránh trách nhiệm và đùn đẩy công việc hiện nay có nguyên nhân là do sự xung đột pháp luật này gây ra.

Thứ ba, sự xung đột pháp luật là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng. Khi pháp luật đã xung đột thì không vi phạm sẽ không thể thúc đẩy được công việc. Trong bối cảnh như vậy, các cơ quan có thẩm quyền không muốn thì thôi, chứ muốn thì bao giờ cũng tìm ra vi phạm.

Công bằng mà nói không phải cán bộ, công chức nào trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng lợi dụng tình thế này để nhũng nhiễu và vòi vĩnh. Tuy nhiên, muốn nhũng nhiễu, vòi vĩnh thì quá dễ dàng trong tình huống như vậy!

Để chấm dứt tình trạng sử dụng văn bản dưới luật để "đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật", có lẽ cần quan tâm thúc đẩy những việc dưới đây.

Thứ nhất, cần quy định rất rõ sự ủy quyền ban hành văn bản dưới luật trong các đạo luật. Các cơ quan hành pháp được ủy quyền đến đâu, khuôn khổ không gian và thời gian được ủy quyền đều cần được quy định rõ. Cần tránh tình trạng ủy quyền chung chung theo kiểu "Chính phủ ban hành văn bản chi tiết để thi hành luật này".

Thứ hai, xác lập quy trình để Quốc hội (có thể là do các ủy ban có liên quan của Quốc hội đảm nhiệm) thẩm định và phê chuẩn các văn bản dưới luật.

Quy trình này bao gồm cả việc xem xét nội dung, mục đích, căn cứ pháp lý và sự phù hợp của việc ban hành văn bản dưới luật. Một văn bản dưới luật chỉ có thể có hiệu lực sau khi đã được các ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm định và đồng ý.

Thứ ba, thành lập các ủy ban bổ trợ để thẩm định các văn bản dưới luật. Các ủy ban này có thể bao gồm các đại biểu hiểu biết sâu về lĩnh vực có liên quan.

Thứ tư, tổ chức điều trần về dự thảo văn bản dưới luật. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, các bên có liên quan có thể nêu lên ý kiến của mình về tính hợp lý và hợp pháp của dự thảo văn bản dưới luật. Nhờ đó, sự xung đột pháp luật có thể được nhận biết và sửa chữa kịp thời. Đồng thời chất lượng của văn bản cũng sẽ được nâng cao.

Cuối cùng, những việc Quốc hội có thể làm để xử lý tình trạng xung đột pháp luật và bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật là khá rõ ràng. Cái ít rõ ràng hơn là Quốc hội lấy đâu ra thời gian và nhân lực để làm như vậy? Chuyên nghiệp hóa Quốc hội hơn nữa là câu trả lời ở đây.

Văn bản dưới luật nặng ý chí chủ quan của bộ, ngànhVăn bản dưới luật nặng ý chí chủ quan của bộ, ngành

TT(TP.HCM) - Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 5-5, một cử tri ở phường 9, quận 3 cho rằng luật và các bộ luật được Quốc hội xây dựng và thông qua là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thế nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật như nghị định, thông tư lại mang nặng ý chí chủ quan của các bộ ngành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên