19/08/2021 13:40 GMT+7

Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ 2: Những người mẹ thứ hai

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Vì dịch bệnh không được tiếp xúc gần, nhiều sản phụ F0 sinh con không có người thân bên cạnh. Nhưng họ không cô đơn, các bác sĩ chính là người thân của họ. Bác sĩ như người mẹ thứ hai chăm sóc bé khi phải tạm cách ly với mẹ.

Gian nan bầu bì, vượt cạn mùa dịch - Kỳ 2: Những người mẹ thứ hai - Ảnh 1.

Em bé được mổ sinh ở phòng vô trùng, tách khỏi mẹ F0 ở BV Nhiệt đới T.Ư 1 - Ảnh: NVCC

"Yên tâm, có chúng tôi ở đây!"

Mỗi ngày, ngoài công việc chuyên môn, các y bác sĩ khoa sản Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 1 (Đông Anh, Hà Nội) còn làm một việc từ trước tới nay chưa từng làm. Đó là chăm sóc trẻ sơ sinh vừa được tách ra khỏi mẹ, khi người mẹ đang chiến đấu với COVID-19 ở phòng riêng biệt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, một trong những bác sĩ điều trị của khoa, vừa hoàn tất việc thăm khám cho các bệnh nhân vào buổi sáng. 

Công việc này mất nhiều thời gian hơn thời điểm dịch giã chưa bùng phát: "Chúng tôi phải theo dõi chuyển biến bệnh của những sản phụ F0, phải tính toán các chỉ số, hội chẩn thường xuyên để biết thời điểm nào mổ sinh thì tốt nhất" - bác sĩ Hằng chia sẻ.

Sau thời gian nghỉ cách ly để về thăm nhà, bác sĩ Hằng vừa trở lại bệnh viện được vài ngày. Đúng ba tháng túc trực tại bệnh viện, chị mới được về nhà 2 tuần. Các y bác sĩ ở khoa đều luân phiên nhau trực như vậy.

Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư là tuyến cuối điều trị COVID-19, sản phụ thường là những ca rất nặng. Khoa sản và khoa hồi sức phải phối hợp với nhau trong suốt quá trình điều trị và mổ sinh cho các sản phụ F0.

"Đặc tính của sản phụ F0 thường tiến triển bệnh nhanh hơn người thường, vì kháng thể bị giảm để nuôi bào thai. Vì thế việc sinh nở khó khăn hơn, chúng tôi phải theo dõi kỹ hơn" - bác sĩ Hằng chia sẻ.

Chị cũng cho biết từ đầu mùa dịch tới nay có hơn 10 sản phụ F0 phải mổ cấp cứu tại khoa, may mắn đều "mẹ tròn con vuông". Tất cả các bé tách ra khỏi mẹ đều an toàn, không bị nhiễm COVID-19. Các sản phụ đã hồi phục, âm tính và trở về nhà bình yên.

Tuy nhiên, quá trình điều trị cho các sản phụ F0 phần quan trọng nữa về mặt tâm lý: "Sản phụ không có người thân bên cạnh, nên bác sĩ đã làm người thân động viên tinh thần mẹ và chăm sóc các bé cho tới khi sản phụ ra viện".

Bác sĩ Hằng nhớ sản phụ H.T.K.T. (20 tuổi) ở Lục Ngạn, Bắc Giang, khi chuyển vào khoa tinh thần rất hoang mang: "T. sinh con đầu lòng, chỉ sống cùng bà ngoại ở quê, chồng T. phải đi cách ly nên tâm lý vô cùng lo lắng. T. nói rất sợ và không biết sinh thế nào. Chúng tôi động viên T. yên tâm, có các bác sĩ ở đây, cứ xem như người nhà. Các bệnh nhân khác cũng chỉ một mình và đã xuất viện. Giữ tinh thần để cả mẹ lẫn con đều khỏe".

T. sinh thường, sau đó sản phụ này phải chuyển lên khoa gan tiếp tục điều trị, trong khi em bé vẫn ở khoa sản. Các điều dưỡng ở đây đã thay phiên nhau chăm sóc cho bé: "Kể từ khi bé chào đời, tôi và các đồng nghiệp phân công nhau chăm sóc con. Trộm vía, con rất ngoan.

Hai hôm gần đây, ban ngày con ăn ngủ rất ngoan nhưng đêm đến lại quấy khóc nên các "mẹ" phải thay nhau bế ẵm. Rất may con đã ăn uống tốt và sức khỏe ổn định. Đến nay con đã cứng cáp hơn rất nhiều" - điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Dung vui mừng báo tin.

Ngày mẹ con sản phụ T. khỏe mạnh xuất viện, bệnh viện đã điều xe đưa về quê vì đường xa. Các bác sĩ và điều dưỡng đã nhận được lời cảm ơn xúc động của T., một hành trình cả hai bên đều khó quên.

Một ca F0 khác mà bác sĩ Hằng cũng có nhiều kỷ niệm, đó là sản phụ N.T.N., quê ở TP Bắc Ninh. Đây là ca bệnh nặng, sản phụ suy hô hấp, phải mổ sinh. Cả 5 người trong gia đình N. đều là F0. Các y bác sĩ phải thay phiên nhau chăm sóc đặc biệt cho N. từ tuần 32 tới tuần 35 của thai kỳ và thời gian sau mổ. Điều kỳ diệu cũng đã xảy ra, mẹ con N. vượt cạn an toàn, hồi phục sức khỏe và xuất viện khi âm tính với COVID-19.

Trong điều kiện sản phụ F0 ở xa, hoặc ở khoa hồi sức bệnh nặng không di chuyển được thì các y bác sĩ lại cơ động tới nơi để thăm khám, trợ sinh. "Chúng tôi chỉ mong sản phụ khỏe mạnh, sinh con an toàn thì dù có mệt cũng không ngại gì" - bác sĩ Hằng cười nói.

Gian nan bầu bì, vượt cạn mùa dịch - Kỳ 2: Những người mẹ thứ hai - Ảnh 2.

Mẹ con sản phụ ở Bắc Giang đã khỏe mạnh, được xe của Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư1 đưa về - Ảnh: NVCC

Cùng giúp nhau mùa dịch

Nhiều thai phụ ở vùng dịch hiện nay không trực tiếp tới được bệnh viện, may mắn đã nhận được sự tư vấn từ xa của đội ngũ y bác sĩ. Trong group "Giúp nhau mùa dịch", tiếp đến là group "Tư vấn F0, F1 tại nhà" trên mạng xã hội Facebook đã có nhiều điều ấm lòng diễn ra.

Hàng trăm y bác sĩ trên cả nước đã được kết nối, giới thiệu đầy đủ về họ tên, chuyên môn, số điện thoại cá nhân. Người dân trên khắp cả nước có thể gọi điện, nhắn tin nhờ tư vấn. Trong đó, nhiều thai phụ ở các tuần tuổi, thai phụ F0 đã được giúp đỡ tận tình.

Một thành viên là Lâm Quân Trường, chồng của thai phụ 8 tháng tuổi, đã hỏi: "Chào bác sĩ, cho em hỏi vợ em đang có bầu 8 tháng mà giờ sốt do F0 thì uống gì trị được? Và nhóc em 2 tuổi đang sốt ho khò khè khan tiếng thì em dùng gì cho bé?. Mong bác sĩ đọc và hướng dẫn cho em".

Lời khẩn thiết của Trường lập tức được nhiều bác sĩ nhiệt tình tư vấn, trong đó bác sĩ Nguyễn Dũng đã khuyên: "Bạn vẫn dùng Paracetamol theo khuyến cáo liều, nhưng vợ bạn bầu 8 tháng, bạn nên liên lạc thường xuyên với bệnh viện phụ sản. Tình trạng hiện tại là thể nhẹ, chưa cần can thiệp, nhưng nếu vợ bạn có dấu hiệu chuyển độ sang mức trung bình, thì phải cho cô ấy nhập viện để bệnh viện cân nhắc mổ đưa cháu bé ra sớm nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con".

Trà My 33 tuổi, một thai phụ khác đang mang thai ở tuần 30, đăng tin: "Mình có kết quả dương tính ngày 9-8, tối qua bị nhức mỏi và sốt nóng lạnh. Mình đã uống Efferalgan 500, nhưng vì không biết nên 5 tiếng sau lại uống Hapacol. Cho mình hỏi uống như thế có ảnh hưởng đến em bé không? Mình lo quá".

Trạng thái vừa đăng, đã có những tư vấn hữu ích ở phần bình luận. Một bác sĩ trong nhóm chuyên gia đã đề nghị Trà My nhắn tin vào hộp thư để anh trao đổi kỹ hơn hoặc gọi trực tiếp.

Các hoạt động của nhóm tư vấn ngày càng chuyên nghiệp hơn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà các bước đăng ký tư vấn. Yêu cầu bệnh nhân nói rõ tình trạng bệnh, đang uống thuốc gì, ở khu vực nào, số điện thoại liên hệ. Đồng thời lưu ý bệnh nhân phải nghe tư vấn từ chính chuyên gia cho trường hợp của mình. Không lấy công thức điều trị của bệnh nhân khác để áp dụng cho mình, vì mỗi trường hợp tình trạng bệnh không giống nhau.

Trong đó, có những sản phụ chưa liên hệ được bệnh viện nào tiếp nhận, các bác sĩ lại tư vấn liên hệ bệnh viện còn phòng để sản phụ đón xe tới. Sản phụ trước, sau khi sinh đều được ưu tiên hỗ trợ ở mức cao nhất.

Nhóm bác sĩ bệnh viện thu dung còn thông báo: "Trường hợp các bạn không liên hệ được với các bác sĩ, do các bác sĩ quá tải thì bạn liên hệ với bạn Dung, số điện thoại XXX để Dung điều phối và hỗ trợ ngay nhé" - bác sĩ Nguyễn Thành Trung ký tên.

Nhiều kỳ tích đã đến, có sản phụ đã chụp hình mẹ và bé khỏe mạnh, gửi lời cảm ơn đội ngũ bác sĩ đã giúp đỡ tư vấn. Cứ thế, nhiều sản phụ đã được hỗ trợ kịp thời, khỏe mạnh, chiến đấu và vượt qua dịch bệnh.

*********

Ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang căng thẳng vì dịch bệnh trầm trọng kéo dài, các thai phụ cũng nặng trĩu nỗi lo và khó khăn trong thăm khám, sinh nở.

>> Kỳ tới: Nỗi lo khám thai trong tâm dịch

Gian nan bầu bì, Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ 1: Những sản phụ túi rỗng

TTO - Dịch bùng phát kéo dài, bao người lâm cảnh khó khăn, nhiều thai phụ cũng gặp gian nan kể cả trong đời sống lẫn thăm khám và sinh nở. Những câu chuyện mẹ cho con chào đời thời kỳ cách ly xã hội chưa từng có sẽ đi vào ký ức khó quên và lịch sử...

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên