18/09/2018 10:49 GMT+7

Giằng co thị trường thời trang 4,5 tỉ USD - Kỳ 2: Áp lực từ nhiều phía

NGỌC AN - THÚY LINH
NGỌC AN - THÚY LINH

TTO - Hàng giá rẻ, phân khúc trung cấp đang bị áp lực từ hàng dệt may Trung Quốc, Thái Lan. Hàng cao cấp có các thương hiệu lớn xâm nhập, nhiều doanh nghiệp Việt đang chịu áp lực ở cả hai đầu.

Giằng co thị trường thời trang 4,5 tỉ USD - Kỳ 2: Áp lực từ nhiều phía - Ảnh 1.

Các thương hiệu thời trang ngoại đang có giá khá linh động, nhiều khuyến mãi, tạo thách thức cho các DN Việt - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) Việt cần thay đổi, chia sẻ với người tiêu dùng nhiều hơn. Nhất là khi DN thời trang ngoại đang khuyến mãi đều và nhiều.

Chúng tôi chọn phân khúc hàng nam công sở trung cấp và cao cấp mà không thể làm hàng bình dân. Lý do đơn giản vì nếu làm hàng bình dân sẽ không thể cạnh tranh được với hàng giá rẻ từ Trung Quốc nhập lậu, lại dễ bị làm nhái

Ông NGUYỄN VĂN CẦN

Chia sẻ với người tiêu dùng nhiều hơn

Theo khảo sát, những thương hiệu thời trang ngoại ở VN đang tung ra dải giá khá rộng. Như thương hiệu H&M, áo thun có giá trung bình 199.000 đồng/sản phẩm; áo sơmi, áo len, váy có giá từ 429.000 đồng/sản phẩm hay các loại quần jean, quần legging có giá từ 500.000 đồng/sản phẩm. Chưa chính thức có cửa hàng tại VN nhưng Uniqlo (Nhật Bản) lâu nay cũng được người tiêu dùng biết tới là thương hiệu thời trang nước ngoài giá bình dân.

Theo lãnh đạo một DN dệt may lớn của VN, phải công nhận các hãng thời trang ngoại khi vào VN kinh doanh rất linh động, không chỉ có hàng cao cấp, họ có nhiều mặt hàng giá chỉ tầm 300.000-600.000 đồng/sản phẩm, thậm chí áo thun chỉ khoảng 190.000 đồng/sản phẩm. Mẫu ra một thời gian, họ giảm giá mạnh, có khi 50-70%. 

Vị này thừa nhận DN Việt phải học hỏi nhiều, ngay cả cách chia sẻ với người tiêu dùng, bởi các hãng thời trang Việt thường ít khi khuyến mãi hoặc khuyến mãi quy mô không lớn...

Cạnh tranh ở các phân khúc

Ông Nguyễn Văn Cần, trưởng phòng nghiên cứu và phát triển Tổng công ty 28 (X28), cho biết dù khối ngoại đang lấn sân mạnh nhưng sau khi nghiên cứu, DN này chấp nhận lựa chọn phân khúc hàng nam công sở trung cấp và cao cấp mà không thể làm hàng bình dân. Lý do đơn giản vì nếu làm hàng bình dân sẽ không thể cạnh tranh được với hàng giá rẻ từ Trung Quốc nhập lậu, lại dễ bị làm nhái.

Quy mô thị trường dệt may VN là miếng bánh khá hấp dẫn và ông Phạm Xuân Hồng, Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, xác nhận các sản phẩm bình dân đang chịu sức ép cạnh tranh rất gay gắt với hàng giá rẻ của Trung Quốc giả mạo thương hiệu nổi tiếng, hoặc hàng may mặc từ Thái Lan tràn vào bằng con đường không chính ngạch.

Ông Lê Tiến Trường, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), từng nói thời trang Việt cần "bản sắc riêng" mới có thể tồn tại được trước sự đổ bộ của các thương hiệu ngoại. Thế nhưng lựa chọn hướng đi nào để có bản sắc riêng lại không đơn giản bởi theo ông Trường, người làm thời trang "chết quá nhiều".

Tìm cách vươn lên

"Lấy miền xuôi để nuôi miền ngược" là câu nói vui của ông Nguyễn Văn Thời, chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG. Suốt một thời gian dài mới trở thành DN xuất khẩu dệt may doanh thu gần 2.500 tỉ đồng, ông Thời đúc kết: nếu "non" vốn thì khó sống được trên sân nhà bởi đầu tư để có một điểm bán hiện cần 2-3 tỉ đồng. Vì vậy khi quay lại thị trường nội địa cách đây 6 năm, TNG xác định phải dùng nguồn thu từ xuất khẩu để "nuôi" nội địa mất vài năm.

Phải đầu tư lớn cho sản phẩm mới, ông Thời cho biết đang phải bỏ tiền tỉ cho dòng sản phẩm áo sơmi không chỉ, từ nhập máy móc công nghệ sản xuất tự động tới đưa mẫu đi thử nghiệm ở nước ngoài. 

"Chúng tôi lựa chọn dòng sản phẩm ở phân khúc trên cho đối tượng khách hàng trung lưu, cấp cao, chứ sản xuất hàng chợ sẽ bị chèn ép ngay. Nhưng nghiên cứu một dòng sản phẩm mới thì mẫu mã là căng thẳng nhất, tuần nào cũng phải liên tục cho ra mẫu, duyệt mẫu, đưa ra thị trường thử nghiệm, khi khách hàng chấp nhận mới dám mở rộng sản xuất" - ông Thời nói.

Ông Nguyễn Văn Cần cũng cho hay DN Việt đang phải tìm nhiều cách để cạnh tranh. Như Tổng công ty 28 chỉ đầu tư 15% số cửa hàng nằm biệt lập ở phố, còn lại thuê ở những địa điểm có chi phí đầu tư tầm 500 triệu đồng trên quy mô cửa hàng khoảng 100m2. Đây cũng là cách nhiều DN Việt làm để tăng khả năng nhận biết và trải nghiệm cho khách hàng.

Một số chuyên gia cho rằng DN Việt đã tìm cách đổi mới công nghệ, giảm được giá, được người tiêu dùng lựa chọn nhiều và cần phấn đấu quyết liệt trong 2-3 năm tới. Nếu không tận dụng được, sau khoảng thời gian này sẽ khó khăn hơn.

Với khả năng thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn tới đây, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng các DN Việt phải chấp nhận tự đầu tư mẫu mã, thiết kế, thương hiệu... Đó là con đường lâu dài để chinh phục được thị trường nội địa. 

"Các sản phẩm trung cấp, hàng giá rẻ rất khó "có cửa" để cạnh tranh" - ông Hồng nói và khuyến nghị thêm: không nhất thiết phải xây dựng thương hiệu "ghê gớm", mà quan trọng là mẫu mã, nâng cao chất lượng để từng bước đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nội địa.

Cạnh tranh tạo cơ hội

Ông Đỗ Việt Anh, giám đốc và là người sáng lập thương hiệu thời trang Boo - Bò Sữa, đánh giá thị trường ngành thời trang rất lớn, các phân khúc còn nhiều chỗ để phát triển.

Dù cho rằng DN thời trang Việt đang gặp khó khăn rất lớn trong tìm kiếm mặt bằng khi khối ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng đầu tư để chiếm lĩnh những vị trí đẹp nhưng ông Việt Anh đánh giá trong giai đoạn 2-3 năm tới, cơ hội vẫn dành cho tất cả các DN.

Hơn nữa, việc thương hiệu nước ngoài đổ bộ vào thị trường VN có thể giúp DN Việt học hỏi, thích ứng với thay đổi nhanh chóng của thời trang quốc tế.

Ông Việt Anh cho rằng dù đến nay chưa chịu sức ép quá lớn từ thời trang ngoại, nhưng chắc chắn DN nội có những thiếu sót cần cải tiến. "Việc cải tiến mẫu mã phải diễn ra hằng năm và luôn phải cải tiến chất lượng dịch vụ, hình ảnh... Đây là điều cực kỳ quan trọng để cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài" - ông Việt Anh nói.

NGỌC AN - THÚY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên