28/04/2019 11:18 GMT+7

Giấy mực cũng phải đổi thay

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Thử nghĩ: khi trẻ xem từng trang sách, tay chạm vào mực in, nếu mực không an toàn, nguy hiểm, hóa chất sẽ từ tay vào miệng trẻ. Thử nghĩ: mỗi quyển sách tiêu tốn nguyên liệu làm giấy, mỗi người sẽ chọn đọc và giữ sách như thế nào?


Giấy mực cũng phải đổi thay - Ảnh 1.

Sách của NXB Trẻ được in với loại giấy nhẹ, không lóa mắt người đọc, thông tin về mực in được in rõ kèm theo từng quyển sách - Ảnh: CẨM PHÔ

Thói quen đọc và giữ sách đang dần thay đổi. Và những quyển sách cũng đang thay đổi...

Giữ sách, còn cần nữa không?

Tuổi thơ tôi trôi qua theo từng trang sách màu vàng sậm, chữ nho nhỏ. Tôi luôn cẩn thận lật giở vì sợ rách, quen mùi gáy sách được dán bằng hồ tự chế cùng những lần cõng sách trên đầu để chuyển lên cao mùa lũ lụt.

Tôi còn nhớ mẹ thường giúp ba làm vệ sinh sách, đóng lại gáy mỗi năm. Về sau tôi mới biết do độ ẩm trong không khí ở nước ta quá cao, mối mọt thích gặm nhấm sách. Với những cuốn sách quý, ba tôi còn tỉ mẩn đóng riêng một chiếc tủ chống ẩm, một số sách được bọc kín trong nilông để kéo dài tuổi thọ cho chúng.

Tôi giữ gìn sách sau khi đọc như mới nguyên. Ban đầu cũng giữ lại cho riêng mình, chỉ chia sẻ với một số ít người bạn biết quý sách. Nhưng rồi đi nhiều hơn, tôi hiểu dần việc sở hữu và cất giữ sách gần như chẳng còn cần thiết nữa. Tôi mượn sách của thư viện, của bạn bè, đọc, ghi chú, tóm tắt rồi trả lại. 

Sách tôi mua, sau khi đọc đều được tặng cho người khác. Bởi sách là vốn quý, càng có nhiều người đọc, chúng càng phát huy được giá trị; nếu chỉ được trưng bày trong tủ, chúng chỉ còn là vật trang trí, sẽ rất đáng tiếc.

Từ năm 2014, tôi và bạn bè, đồng nghiệp đã tham gia quá trình phát triển mạng lưới thư viện mini miễn phí (Book Box - mô phỏng theo nguyên mẫu The Free Library của Bắc Mỹ và châu Âu) cùng với một vài người bạn, đồng nghiệp. Sách nhờ đó được luân chuyển đến tay nhiều người, phong trào này từng gây được sự chú ý của công chúng yêu sách một thời gian. Về sau, số lượng người tham gia đổi sách giảm đi nhiều.

Điều này cũng xảy ra tương tự ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, nơi có nền phát hành sách phát triển hơn ở ta. Ngày nay, phần lớn người dân ưa chuộng sử dụng điện thoại thông minh với những thú tiêu khiển về game, video, xem phim, các chương trình giải trí hơn là đọc sách. 

Vì thế, số lượng sách được xuất bản hằng năm hay mức tiêu thụ sách khó lòng cạnh tranh với các ngành khác ở lĩnh vực văn hóa giải trí. Nhu cầu đọc sách mỗi ngày của người Việt không cao, nhưng chúng tôi vẫn mong nhiều người có thể san sẻ sách để cùng nhau đọc.

Sách cho tương lai

Nhiều người vẫn giữ thói quen đọc sách một lần rồi đem cất. Trong khi cùng với nhiều loại sản phẩm giấy khác, mỗi một cuốn sách hoặc một trang giấy được tạo ra chúng ta cần có nguyên liệu bột giấy. 

Tôi lại thấy hình ảnh những quả đồi ở miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi... được phủ xanh bằng cây keo lá tràm, keo tai tượng. Những cây trồng làm nguyên liệu giấy dần thay cho những loại cây lâu năm hay hoa màu. Tuy những cây này phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn ở các vùng trung du, nhưng chúng thường được trồng độc canh khiến thảm thực vật bị ảnh hưởng ít nhiều. Người dân địa phương về sau muốn quay lại canh tác cũng khó đạt được năng suất cao, bởi đất đai đã nhanh chóng bạc màu do các loại cây này.

Nhiều người đã chuyển sang đọc trên điện thoại, máy tính. Tôi thường đọc sách trong các chuyến đi. Nhưng rồi vì không thể mang vác nặng, nên tôi đành chọn mua những cuốn sách được in bằng loại giấy nhẹ, có màu vàng nhạt. Một số nhà xuất bản (NXB) trong nước đã chuyển hướng in nhiều đầu sách với loại giấy này.

Mới đầu tôi nghĩ giấy này có giá thành rẻ hơn. Nhưng không! Trao đổi với người của NXB, tôi mới vỡ lẽ NXB Trẻ đã nhập loại giấy đặc biệt này từ châu Âu vì lợi ích của người đọc: không gây lóa mắt (như giấy trắng), xốp, nhẹ, dễ mang theo. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết nóng ẩm của Việt Nam khiến giấy ố nhanh. Từ phản ảnh của khách hàng, có NXB in sách bằng giấy chống ẩm nhập từ Nhật Bản để đảm bảo vẻ đẹp của sách.

Nhiều phụ huynh xung quanh tôi quan tâm đến mực in dùng cho sách của trẻ em. Thử nghĩ nếu mực in không an toàn thì việc sờ vào sách rồi ngậm tay vào miệng hay cầm nắm thức ăn sẽ ảnh hưởng nguy hiểm, nhất là trẻ em ra sao! 

Được biết từ tháng 4-2018, NXB Trẻ đã làm việc với 4 nhà in dùng mực in gốc dầu thực vật, dung dịch làm ẩm, rửa lô... thân thiện với môi trường. Mực in gốc đậu nành và thực vật dễ dàng tách ra khỏi vật in, đây là điều đặc biệt quan trọng trong việc tái chế giấy. Rất mừng là các NXB đã lưu tâm đến các loại giấy mực vì sức khỏe người đọc và vì môi trường tương lai.

Sách trong tương lai, nhất là sách cho trẻ em cần an toàn hơn cho trẻ, giấy in sách cũng sẽ thay đổi theo hướng nhẹ, dễ đọc, dễ mang đi. Thật mong ngày càng nhiều nhà in sử dụng các loại mực in giảm thiểu tác động xấu đến môi sinh và sức khỏe con người.

Mực in dùng trong sản xuất bao bì và in ấn được các chuyên gia về môi trường xếp vào danh sách một trong những loại nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường nhất. Bởi mực in gốc dầu mỏ (Petroleum-based) có hàm lượng 30-35% hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), lúc in ấn thì lượng dung môi này sẽ tạo ra lượng khí gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và ô nhiễm bầu khí quyển.

Trong khi đó, mực in gốc đậu nành thì chất VOCs chỉ ở mức 0-5%. Các sản phẩm đậu nành và thực vật được sử dụng làm dầu trong mực in hoạt động như phương tiện dẫn truyền chất màu của mực in lại không gây tác hại tương tự loại mực in gốc dầu mỏ.

Đọc sách: Con cái luôn trông vào cha mẹ Đọc sách: Con cái luôn trông vào cha mẹ

TTO - Thói quen, tất nhiên, không thể xây dựng trong một ngày, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ không bao giờ hình thành. Muốn con cái đọc sách, trước hết các bậc cha mẹ hãy tự mình cầm sách lên và đọc đã.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên