23/08/2021 14:09 GMT+7

Hãng dược 'chạy đua' cải tiến vắc xin chống Delta

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia từ Đông sang Tây, cả nơi có tỉ lệ tiêm vắc xin thấp lẫn nơi có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, chứng kiến sự bùng phát trở lại số ca nhiễm mới mỗi ngày.

Hãng dược chạy đua cải tiến vắc xin chống Delta - Ảnh 1.

Y tá tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho một phụ nữ tại Sao Paulo, Brazil ngày 16-8 - Ảnh: Reuters

Thách thức này buộc các hãng dược trên thế giới tiếp tục tìm các biện pháp khác nhau để vắc xin COVID-19 hiệu quả hơn trước biến chủng virus có độc lực cao và lây lan nhanh hơn các chủng virus trước đó.

Còn chỗ cho tân binh

Mới đây, ngày 21-8, Cơ quan Quản lý dược Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 ZyCoV-D công nghệ DNA.

Đây là loại vắc xin dựa trên ADN đầu tiên trên thế giới được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người từ 12 tuổi trở lên và hiệu quả khoảng 66% với biến thể Delta. Cho tới nay, đây cũng là loại vắc xin đầu tiên tiêm với lịch trình ba liều, các liều thứ hai và thứ ba cách liều thứ nhất lần lượt 28 ngày và 56 ngày. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ tạo ra các protein gai như của virus SARS-CoV-2 để kích thích cơ thể sinh miễn dịch.

Cũng sử dụng công nghệ DNA, trong tháng 9-2021, Công ty Mỹ Inovio Pharmaceuticals Inc sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên toàn cầu với vắc xin COVID-19 có tên INO-4800. Theo công ty, vắc xin sẽ được tập trung thử nghiệm ở Mỹ Latin, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi. Số liệu sẽ có trong nửa đầu năm sau.

Theo Đài BBC, các nhà khoa học cho rằng ưu điểm của vắc xin công nghệ DNA là giá rẻ, an toàn và ổn định. Vắc xin công nghệ DNA có thể bảo quản ở nhiệt độ từ âm 2 đến 8OC, bảo quản ở nhiệt độ 25OC trong ít nhất 3 tháng, 37OC trong hơn một tháng, thời hạn sử dụng lên tới 5 năm. Đây là những yếu tố khiến việc trữ và vận chuyển vắc xin dễ dàng với bất kỳ quốc gia nào.

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn khát vắc xin, nên ngay cả những ứng viên tiềm năng non trẻ cũng rất được quan tâm. Vắc xin CV2CoV, do Công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức) hợp tác cùng Công ty GlaxoSmithKline (Anh) phát triển, dù mới tạo được phản ứng miễn dịch và hiệu quả bảo vệ trong các thử nghiệm trên khỉ cũng giúp cổ phiếu của các công ty này tăng giá 10%.

Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy ứng viên vắc xin này có khả năng trung hòa kháng thể mạnh hơn với các biến thể Delta, Beta và Lambda.

Các ông lớn cải tiến vắc xin

Cho đến nay, các loại vắc xin COVID-19 đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại các nước vẫn hiệu quả cao trong việc ngăn các ca tử vong và nhập viện. Tuy nhiên, hiệu quả của các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA như của Hãng Pfizer/BioNTech, Moderna giảm dần theo thời gian, nhất là ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Cách đây hơn một tháng, Pfizer và BioNTech thông báo đang chuẩn bị để thử nghiệm phiên bản mới của vắc xin COVID-19 đặc biệt nhắm vào biến thể Delta trong tháng 8-2021. 

Trước mắt, Pfizer công bố các bằng chứng nghiên cứu về mũi tiêm bổ sung và khuyến cáo nên tiêm thêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 vì vắc xin Pfizer giảm hiệu lực theo thời gian. Theo công ty, mũi tiêm bổ sung sẽ tăng cường mạnh mẽ khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.

Lãnh đạo Hãng Moderna cũng ủng hộ việc tiêm liều vắc xin bổ sung với lý do khả năng bảo vệ của vắc xin giảm theo thời gian.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca mặc dù cũng giảm một phần hiệu lực trước biến thể Delta so với biến thể Alpha, nhưng nghiên cứu cho thấy, sau 4 - 5 tháng, hiệu quả của vắc xin này cao tương tự như vắc xin công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech.

Vắc xin COVID-19 một liều của Johnson & Johnson cũng được khẳng định là có hiệu quả với biến thể Delta trong thực nghiệm với 480.000 nhân viên y tế ở Nam Phi. Với hiệu quả giảm tỉ lệ nhập viện 71% và giảm tử vong 96%, ổn định trong 8 tháng, các nhà nghiên cứu cho rằng chưa cần tiêm bổ sung với người tiêm vắc xin Johnson & Johnson.

Mặc dù các loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt hiện nay không bảo vệ người được tiêm 100% khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, các nhà khoa học và chuyên gia y tế các nước kêu gọi hãy tiếp tục tiêm vắc xin vì vắc xin vẫn duy trì hiệu quả cao trong giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở người đã tiêm đầy đủ.

Cuba phê duyệt 2 vắc xin nội chống Delta

Ngày 20-8, Cuba đã cấp phép khẩn cấp cho hai loại vắc xin COVID-19 là Soberana 02 và Soberana Plus. Vắc xin Soberana sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia với 2 mũi tiêm Soberana 02 và 1 mũi tiêm bổ sung Soberana Plus.

Theo Hãng tin Reuters, một số nhân viên y tế và người dân ở các khu vực có tỉ lệ lây nhiễm cao của Cuba đã được tiêm vắc xin Soberana trong giai đoạn thử nghiệm. Cuba cho biết loại vắc xin COVID-19 này có hiệu quả lên đến 91,2%.

Theo trang India Express, vắc xin Soberana 02 là vắc xin tái tổ hợp, được tạo ra bằng cách cấy một gene mã hóa từ protein của virus vào vật chủ (tế bào động vật hoặc vi sinh vật). Chuyên gia Helen Yaffe đến từ ĐH Glasgow (Scotland) cho biết Soberana 02 là loại vắc xin duy nhất của Cuba kết hợp miền liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 với vi khuẩn uốn ván đã bị vô hiệu hóa để tăng cường phản ứng miễn dịch.

Hồi tháng 7, Cuba cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin nội địa Abdala, được cho có hiệu quả lên đến 92,28%.

NGUYÊN HẠNH

Chống dịch COVID-19 biến thể Delta: Cần phủ nhanh vắc xin, giảm ca bệnh nặng Chống dịch COVID-19 biến thể Delta: Cần phủ nhanh vắc xin, giảm ca bệnh nặng

TTO - Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng thời điểm này là dịch nội sinh, khu vực như TP.HCM sẽ khó bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng, nên thực tế hơn bằng tiêm đủ liều vắc xin toàn dân sớm nhất có thể, can thiệp điều trị bệnh nhân nặng, thay vì xét nghiệm rộng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên