24/04/2023 09:00 GMT+7

Hello Clever - Fintech Việt gây “sốt” ở Úc

Tháng 8-2022, truyền thông Úc rầm rộ đưa tin về một thương vụ đầu tư “khủng” lên tới 4,5 triệu USD dành cho start-up trẻ tuổi Hello Clever. Cùng năm, ứng dụng này nằm trong top 50 fintech (công nghệ tài chính) tăng trưởng nhanh nhất ở Úc.

Hello Clever - Fintech Việt gây “sốt” ở Úc - Ảnh 1.

Triệu Vỹ (thứ 3 từ trái sang) và Caroline (giữa) là 2 nhà sáng lập Hello Clever - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đằng sau thành công của Hello Clever là sự kết hợp giữa 2 nhà sáng lập người Việt, gồm Trần Thị Thúy Quỳnh (Caroline Trần) và Nguyễn Hiếu Triệu Vỹ.

Hello Clever - "Đem chuông đi đánh xứ người"

Hello Clever ra đời vào tháng 2-2020. Hello Clever tạo một kênh trung gian cho việc thanh toán và tối ưu hóa tài chính cho các cửa hàng (người bán) và khách hàng.

Cửa hàng sẽ ngay lập tức nhận được tiền thanh toán của khách khi mua hàng, thay vì phải đợi thêm 2-3 ngày đối soát nếu khách trả bằng thẻ tín dụng. "Tiền về túi" tức thời sẽ giúp cho cửa hàng tối ưu hóa dòng tiền.

Làm được điều này, Hello Clever đã sớm tranh thủ được sự phát triển của mô hình "Ngân hàng mở" ở Úc. Điển hình, vào tháng 7-2022, Hello Clever trở thành nền tảng Fintech đầu tiên được sử dụng PayTo - phương thức thanh toán trong "thời gian thực" - của Ngân hàng Trung ương Úc (RBA).

Về phía khách hàng, khi sử dụng Hello Clever, họ sẽ được hoàn một phần tiền như một hình thức khuyến mãi mà bên bán đưa ra. Những khoản hoàn tiền từ vài đô đến vài chục đô, tùy theo chính sách ưu đãi, giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản kha khá ngay trong lúc mua sắm.

Các hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng sẽ được thống kê, từ đó Hello Clever có thể gợi ý các lựa chọn "kinh tế" hơn cho người tiêu dùng.

Hello Clever - Fintech Việt gây “sốt” ở Úc - Ảnh 2.

Ứng dụng Hello Clever - Ảnh: Chụp màn hình

Hiện, Hello Clever đã có hơn 40.000 người dùng với hơn 100 ngân hàng và hơn 1.000 cửa hàng tham gia hệ sinh thái.

Luật sư Vinson Lương - Hiệp hội hỗ trợ Doanh nghiệp trẻ tại Australia - nhận xét ứng dụng Hello Clever có những tính năng đặc biệt nhưng vô cùng dễ sử dụng, ít thấy ở các app công nghệ phổ biến.

"Ứng dụng thông báo cho người dùng thông tin họ cần biết để quản lý tài chính của họ, những tính năng đi kèm như thông báo về những ‘deal’ giá tốt mang lại giá trị tích cực cho khách hàng", anh Vinson nói.

Coi trọng văn hóa công ty và tận dụng thời gian

Từng tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp, anh Vinson Lương chia sẻ, các start-up do doanh nhân trẻ người Việt thành lập tại Úc hiện rất ít. Con số thành công còn hiếm hơn nữa.

Thách thức lớn nhất là môi trường làm việc nước ngoài, nơi họ phải cạnh tranh với những công ty bản địa. Hiểu được văn hóa của khách hàng bản địa cũng cần rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các mối quan hệ kinh doanh nơi xứ người cần rất nhiều nỗ lực để xây dựng, vốn không hề dễ dàng cho các bạn trẻ từ Việt Nam.

Theo anh Vinson Lương, những trở ngại kể trên càng cho thấy thành công bước đầu của Hello Clever là rất đáng ngưỡng mộ.

"Caroline và Vỹ xây dựng được văn hóa công ty rất chuyên nghiệp và trẻ trung, nơi mọi người được cống hiến và được công nhận", anh Vinson nói.

Hello Clever - Fintech Việt gây “sốt” ở Úc - Ảnh 3.

Caroline chia sẻ với truyền thông Úc sau sự kiện trở thành Fintech đầu tiên được triển khai PayTo của Ngân hàng trung ương Úc - Ảnh: Chụp màn hình

"Văn hóa công ty" cũng là tiêu chí được Caroline và Vỹ cố gắng định hình từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Dù là những đầu việc nhỏ vẫn sẽ có những KPI rõ ràng. Quá trình chinh phục KPI có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người đứng đầu, khi thì mềm dẻo, khi thì cứng rắn, để start-up luôn đảm bảo được KPI ngay từ đầu.

"Bên cạnh đó, bọn mình thường làm rõ ý nghĩa của từng đầu việc, tác vụ cho đội ngũ. Khi cùng hiểu được ý nghĩa, giá trị của việc mình làm, mọi người mới có thể dành hết cái tâm cho những thứ đang làm", Vỹ nói.

Ở Úc, sự cạnh tranh giữa các fintech khá lớn. Vì vậy, Caroline cho rằng điều tiên quyết là sẽ phải tận dụng được thời gian.

Trên tinh thần này, đội ngũ công nghệ, vận hành, sale,… đều luôn dành ra hơn 100% sức lực, sẵn sàng "cày" ngày đêm trong những giai đoạn cao điểm để hoàn thiện sản phẩm hoặc kịp thời cho những buổi trình bày trước khách hàng, nhà đầu tư.

"Mình nghĩ sự chịu khó và không ngại làm việc với cường độ cao là lợi thế rất lớn của các start-up công nghệ Việt Nam khi bước ra sân chơi thế giới", Caroline nói.

Sự kết hợp hoàn hảo của nhà sáng lập Hello Clever

Caroline Trần và Nguyễn Hiếu Triệu Vỹ là đôi bạn thân từng học chung ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Sau đó, Caroline chọn con đường du học ngành tài chính và kế toán thương mại, ĐH Công nghệ Sydney. Ra trường, Caroline thử sức với một số tập đoàn lớn như WPP, IPG và James Hardie.

Trong khi đó, hiện tại Vỹ chuẩn bị hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin tại ĐH RMIT. Đồng thời, Vỹ cũng từng tham gia vào một số công ty công nghệ lớn ở châu Âu, Úc, Canada,…

Chị Moni Vương - nhà sáng lập start-up PTE Magic - nhận xét Caroline luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm của bản thân trong quá trình thành lập start-up. Caroline có mối quan hệ thân thiết và rộng rãi với các founders và các nhà đầu tư Úc và luôn được các bạn khác yêu mến và kính trọng.

Còn Vỹ, chị Moni ấn tượng với kiến thức sâu trong mảng phát triển công nghệ và kinh nghiệm làm cho một số công ty lớn. "Caroline và Vỹ là sự kết hợp hoàn hảo giúp cho Hello Clever đạt được những thành công", chị Moni nói.

Mời bạn đặt câu hỏi và đăng ký dự talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp"

Hội đồng thẩm định đã chọn được 22 start-up tiêu biểu cùng một giải start-up truyền cảm hứng và giải start-up xanh của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023. Các dự án này nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức... Trong đó, dự án được trao giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.

Lễ vinh danh các start-up tiêu biểu sẽ diễn ra tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM ngày 26-4. Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - là diễn giả chính tại sự kiện này.

Ngoài ra còn có các diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu (GIBC); ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC); ông Lê Yên Thanh - sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Forbes Under 30; bà Phạm Khánh Linh - sáng lập và CEO Logivan, Forbes Under 30.


Hello Clever - Fintech Việt gây “sốt” ở Úc - Ảnh 7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên