22/01/2024 08:26 GMT+7

Hợp tác Việt Nam - Romania: Nhiều dư địa khai mở, cửa ngõ vào EU

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Là cửa ngõ để thâm nhập thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU), hợp tác giữa Việt Nam - Romania được kỳ vọng có nhiều tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội mới nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania sáng 21-1 giờ địa phương - Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania sáng 21-1 giờ địa phương - Ảnh: NHẬT BẮC

Romania là đối tác truyền thống của Việt Nam kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1950. Theo ông Tạ Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt do cơ cấu hàng hóa giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau.

Hai nước cũng đang có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Dấu ấn hợp tác dầu khí

Những cơ hội này đã được lãnh đạo hai nước nhìn nhận từ kết quả thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU được ký kết và Romania là thành viên chính thức.

Dẫn chứng giai đoạn 2019 - 2023, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước đã tăng hơn 1,65 lần, từ 261,4 triệu USD lên 431 triệu USD (tăng trưởng bình quân 15%/năm).

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Romania tăng 1,46 lần, từ gần 194 triệu USD lên 282,3 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ nước này tăng 2,2 lần, từ 67,5 triệu USD lên 148,6 triệu USD.

Tuy vậy, nếu so với tiềm năng thì đây vẫn là những con số khiêm tốn. Thực tế thương mại hàng hóa song phương hai nước chỉ bằng 0,06% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, và bằng 0,2% kim ngạch xuất nhập khẩu của Romania.

Về đầu tư, nước này mới có năm dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,56 triệu USD, trong khi Việt Nam mới chỉ có một dự án đầu tư tại Romania với 0,6 triệu USD.

Đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bộ Công Thương cho hay Romania là một trong số ít các thị trường tại châu Âu có tăng trưởng thương mại trong năm 2023 với Việt Nam khi đạt mức thặng dư thương mại năm 2023 là 133,6 triệu USD.

Là một trong những chuyên gia từng gắn bó với Romania, kỹ sư Bỳ Văn Tứ cho hay sự phát triển của ngành dầu khí có nhiều dấu mốc quan trọng gắn bó với Romania. Đó là việc ta nhập khẩu giàn khoan của bạn để thực hiện tìm kiếm, thăm dò dầu khí, hợp tác chuyên gia, đào tạo nhân lực dầu khí, bảo dưỡng các nhà máy đạm Phú Mỹ, lọc dầu Dung Quất...

Do vậy, ông Tứ cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng cùng những kết quả đạt được sẽ tạo nên động lực mới cho lĩnh vực dầu khí nói riêng. Trong đó bao gồm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, thăm dò khai thác dầu khí trên biển, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nâng cao hệ số thu hồi dầu khí ở các mỏ cũ...

Tháo gỡ các rào cản

Nhắc lại nội dung đã đạt được tại kỳ họp thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Romania mới đây, ông Tạ Hoàng Linh cho biết Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania - ông Stefan-Radu Oprea - bày tỏ mong muốn tìm kiếm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, truyền tải điện, nông nghiệp, công nghệ thông tin, dược phẩm, du lịch... cũng như sẵn sàng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào châu Âu.

Trong bối cảnh mới, Romania quan tâm thúc đẩy hơn nữa xuất nhập khẩu nông sản, dược phẩm, khoa học, công nghệ (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số...). Bạn cũng ghi nhận hợp tác về lao động, khẳng định sẽ nghiên cứu tích cực đề nghị của Việt Nam về việc thành lập tổ công tác về lao động.

Tuy vậy, để tận dụng tốt dư địa hợp tác và cơ hội của hai nước, ông Linh cho rằng cần tháo gỡ các rào cản còn tồn tại. Đó là việc doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin của nhau nên hợp tác chưa hiệu quả, đàm phán thương mại mất nhiều thời gian. Cùng với đó là khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển cao, mất nhiều thời gian và cả các hàng rào phi thuế quan khác.

Do đó, ông Linh đề xuất hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường; xác định các mặt tiềm năng mà hai bên có thế mạnh cũng như có khả năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu...

Việt Nam - Romania đã có sẵn lòng tin

Hoạt động đầu tiên trong ngày thứ hai thăm chính thức Romania (21-1) của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thăm Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania (ICI). Đây là viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu và có bề dày lịch sử hơn 50 năm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Romania.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó ông đề nghị Viện ICI Romania đặt Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vừa qua có chủ đề "Tái thiết lòng tin". Điều đó cho thấy lòng tin là yếu tố hết sức quan trọng, trong khi Việt Nam và Romania đã có sẵn lòng tin. "Trở ngại lớn nhất giữa hai đất nước là khoảng cách địa lý, song hợp tác về khoa học, công nghệ thông tin khắc phục được hạn chế này" - ông nhấn mạnh.

Tại sự kiện, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, Viện ICI và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác. Cùng ngày, Thủ tướng gặp lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Phòng Thương mại và công nghiệp Prabova, thăm Đại học Kỹ thuật xây dựng Bucharest và tiếp đại diện Hội Hữu nghị Romania - Việt Nam.

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam với Romania, HungaryThúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam với Romania, Hungary

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Hungary và Romania phối hợp tổ chức thành công các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với Romania và Hungary.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên