19/06/2012 21:42 GMT+7

Hướng đến báo chí "di động"

V.V.THÀNH - Đ.BÌNH thực hiện
V.V.THÀNH - Đ.BÌNH thực hiện

TTO - Ông Lê Quốc Minh, tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam), là người đã có nhiều nghiên cứu về báo chí hiện đại.

Về xu hướng phát triển của báo chí thế giới, ông Minh cho biết:

Qua nhiều cuộc hội thảo quốc tế gần đây, có thể thấy báo chí thế giới đang chú trọng vào ba xu hướng chính dựa trên sự phát triển vũ bão của công nghệ.

Thứ nhất, tính di động. Một nghiên cứu của Morgan Stanley nói vào năm 2015, số người truy cập Internet bằng thiết bị di động sẽ cao hơn máy tính để bàn. Giám đốc điều hành (CEO) Eric Schmidt của Google từng nhận định trong vòng năm năm tới, người dùng sẽ phần lớn truy cập thông tin qua các thiết bị di động, ví dụ như điện thoại, máy tính bảng.

Khi quyền tác nghiệp bị xâm phạm

Thứ hai là sử dụng nhiều video, bởi video giúp nội dung trang web thêm sống động, giúp kéo dài thời gian người dùng ở lại trang web và hiệu quả hơn cho nhà quảng cáo.

Thứ ba, gắn với các mạng xã hội. Cách làm của những tờ báo đi tiên phong là tích hợp ứng dụng “social reader” của Facebook vào website của họ, hoặc đưa nội dung web của họ lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter. Như vậy, khi có tin nóng, hàng triệu người dùng mạng xã hội sẽ được cập nhật.

zsF1jwZQ.jpgPhóng to
Ông Lê Quốc Minh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ở nhiều nước, người dân dùng Twitter rất phổ biến và thường xuyên, đầu mục tin nóng được đưa lên mạng xã hội này và người dùng muốn đọc kỹ hơn thì theo đường dẫn để vào đọc ở website chính của tờ báo.

Một cái hay của mạng xã hội là chúng ta có thể biết bạn bè vừa đọc tin gì, và người dùng sẽ có xu hướng nhấp chuột vào những tin tức mà bạn bè họ quan tâm.

Đương nhiên trong xu hướng di động, nhiều người vẫn muốn giữ thói quen đọc báo in truyền thống. Thật ra công nghệ đã cho phép dung hòa sở thích này bằng việc đọc báo in trên máy tính bảng. Nghĩa là chúng ta không phải chuyển toàn bộ nội dung báo in sang báo điện tử theo kiểu website, mà vẫn dàn trang báo in như bình thường rồi đưa lên mạng để khách hàng đọc trên máy tính bảng.

Trong các dự đoán xu hướng phát triển của báo chí đến năm 2020, có một nghiên cứu từng nói khoảng năm 2017, tờ New York Times sẽ trở thành báo plastic điện tử, nghĩa là không phải in ra giấy mà tự động cập nhật qua đường truyền.

Nay với máy tính bảng thì chúng ta thấy vấn đề dường như đã được giải quyết. PressReader là một “cửa hàng” nhật báo đang phát triển theo hướng này. Với tạp chí thì có Zinio chẳng hạn.

Thật ra khi nói về xu hướng tương lai, cái mới chắc chắn sẽ đến nhưng không hẳn cái cũ mất đi, vấn đề là cái cũ thay đổi cách làm sao cho phù hợp.

Mới giữa tháng 5 vừa qua, tỉ phú Mỹ Warren Buffett đã mua lại hàng loạt tờ báo in, và ông nói rằng báo in vẫn có một tương lai tươi sáng nếu cung cấp những thông tin “chẳng nơi nào có được”.

* Nhưng nguồn thu của các tờ báo có được đảm bảo khi chuyển đổi theo xu hướng trên, khi báo in vẫn đang đưa đến nguồn thu chủ yếu?

- Nhiều chuyên gia báo chí quốc tế cho rằng một trong những sai lầm của các tờ báo là làm báo điện tử miễn phí cho người đọc. Các tờ Financial Times Wall Street Journal đã kiên định với việc thu phí ngay từ đầu và đến nay các báo khác phải thừa nhận họ làm đúng.

Khi Internet mới phát triển thì chúng ta suy nghĩ làm thế nào để báo điện tử đến với công chúng càng rộng rãi càng tốt và cho truy cập miễn phí, nhưng rõ ràng cần có chi phí để làm ra những sản phẩm báo chí chất lượng tốt. Tờ Financial Times chỉ sau bốn tháng ra phiên bản đọc báo trên máy tính bảng đã thu được 1 triệu USD từ phí thuê bao. Nhiều báo lớn trên thế giới đã chuyển sang phương thức thu phí cho phiên bản website và ứng dụng di động.

Tờ The New York Times trước đây miễn phí nhưng nay đã dựng tường thu phí (pay wall) khoảng 35 USD/tháng, tương đương với bỏ tiền ra mua báo in. Điều đáng nói là sau khi họ dựng pay wall thì số lượng truy cập không hề thay đổi. Về phía các nhà quảng cáo cũng hài lòng, vì rõ ràng chất lượng quảng cáo trên báo điện tử hoặc phiên bản báo in cho máy tính bảng ấn tượng hơn nhiều, nhất là nếu quảng cáo đó tích hợp video hoặc cho phép tương tác với người dùng...

T0aZRL4B.jpgPhóng to
Ngày càng nhiều người đọc báo trên thiết bị di động - Ảnh: 123rf.com

* Đó là xu hướng của thế giới, còn Việt Nam thì sao?

- Việt Nam nắm bắt xu hướng rất nhanh nhưng cách triển khai thường thiếu bài bản. Từ năm 2009, khi TTXVN bắt đầu phát triển phiên bản đọc báo trên điện thoại di động, chúng tôi đi các hội thảo trên thế giới và nhận thấy trong nhóm 5-10% cơ quan báo chí (tham dự phiên hội thảo) đã phát triển ứng dụng mobile.

Nhưng chỉ một năm sau, quay lại hội thảo đó, hầu như tất cả các báo nước ngoài đều đã phát triển mạnh mẽ các phiên bản đọc báo trên điện thoại, còn số báo Việt Nam phát triển phiên bản di động không tăng được bao nhiêu và vẫn đang ở cấp độ phát triển cơ bản.

Có thể thấy là chiến lược phát triển cũng như việc đầu tư nghiên cứu công nghệ của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây là xu hướng thế giới và rất có triển vọng. Phiên bản đọc báo trên điện thoại di động của chúng tôi làm ba năm không bán được quảng cáo, nhưng đến nay bắt đầu có khách hàng quảng cáo và có số lượng người đọc rất ấn tượng, lên đến gần 300.000 người với trung bình mỗi ngày có 500 người đăng ký mới.

Hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin nước ta hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, thậm chí mạng 3G của chúng ta còn tốt hơn, rẻ hơn nhiều nước trong khu vực.

Vấn đề còn lại là sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo cũng như đội ngũ làm báo.

V.V.THÀNH - Đ.BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên