10/04/2014 19:17 GMT+7

Intel và BofA đồng loạt "rút lui" khỏi Costa Rica

CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)
CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)

TTO - Trước thềm tổng thống mới của Costa Rica Luis Guillermo Solis tuyên thệ nhậm chức (ngày 8-5), cả hai công ty nước ngoài là Intel và Ngân hàng Bank of America (BofA) đồng loạt tuyên bố đóng cửa sản xuất tại quốc gia Trung Mỹ này.

Đây thật sự là một cú sốc lớn cho nền kinh tế trị giá 45 tỉ USD.

gIDzNPyJ.jpgPhóng to
Intel sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất và thử nghiệm tại Costa Rica - Ảnh: crhoy.com

3.000 nhân sự bị cắt giảm

Hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới Intel sẽ cắt giảm 1.500 nhân sự khi đóng cửa một cơ sở sản xuất và thử nghiệm tại Costa Rica - nhà máy đã từng là biểu tượng cho mối quan hệ kinh tế toàn cầu của nước này những năm 1990.

Chỉ vài giờ sau khi Intel tuyên bố đóng cửa nhà máy, BofA cũng cho biết ngưng hoạt động tại Costa Rica và không tiết lộ số lượng nhân viên bị cắt giảm. Tuy nhiên, cơ quan đầu tư nước ngoài của Costa Rica cho biết BofA sẽ sa thải 1.500 người.

Năm 1997, công ty có trụ sở tại bang California (Mỹ) Intel đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất vi xử lý tại Costa Rica. Intel nhấn mạnh nước này có thể trở thành một trung tâm sản xuất, chứ không chỉ là một nhà xuất khẩu nông nghiệp, với khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á.

Tại thời điểm đó, Intel đầu tư vào Costa Rica 600 triệu USD, chiếm khoảng 4,2% GPD nước này. Nghiên cứu còn dẫn lời phó tổng giám đốc Intel Bob Perlman so sánh việc Intel đến Costa Rica tựa như "đặt một con cá voi trong bể bơi".

Người đứng đầu Cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài Costa Rica Gabriela Llobet nói "việc đóng cửa của BofA không liên quan đến công bố của Intel".

Trước khi cắt giảm, Intel có khoảng 2.500 nhân sự tại Costa Rica. Hãng vẫn tiếp tục trả lương cho 1.000 kỹ sư và những người làm việc nghiên cứu, phát triển tại đây, đồng thời sẽ mở thêm 200 vị trí "cấp cao" mới.

Ngày 8-4, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Costa Rita Anabel Gonzalez phát biểu: "Bằng việc đưa Costa Rita vào bản đồ các địa điểm đầu tư trên thế giới, Intel đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử quốc gia chúng tôi. Hôm nay, Costa Rica không còn phụ thuộc vào một ngành hay một công ty nào khác, vì chúng tôi xuất khẩu gần 4.763 sản phẩm đi 153 quốc gia trên thế giới".

Theo Cơ quan xúc tiến đầu tư CINDE, khoảng 21% hàng hóa xuất khẩu của Costa Rica trong năm 2013 là sản phẩm Intel.

Nhà sản xuất vi xử lý hơn 80% máy tính cá nhân hằng năm trên khắp thế giới, cho biết đã từng chọn Costa Rica sau khi xem xét kỹ các nhà máy ở Indonesia, Thái Lan, Brazil, Argentina, Chile và Mexico, theo một nghiên cứu của Trung tâm phát triển quốc tế thuộc ĐH Harvard (Mỹ).

Hiện tại, Intel đang tìm cách cắt giảm chi phí khi thị trường máy tính để bàn ghi nhận sụt giảm năm thứ 3 liên tiếp. Tập đoàn sản xuất chip điện toán cố gắng bù đắp doanh thu thất thoát bằng các sản phẩm cho nhiều thiết bị khác, như máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Phát ngôn viên Intel Chuck Mulloy cho biết Intel cũng đang củng cố lại hoạt động thử nghiệm tại ba nhà máy ở Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc.

Hãng có các nhà máy sản xuất chip tại Mỹ, Ireland, Israel và Trung Quốc. Trong khi đó các cơ sở sản xuất và thử nghiệm, thường được đặt tại các quốc gia có giá nhân công thấp, sẽ hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất chip chính. Tính đến cuối năm 2013, Intel có tổng cộng 107.600 nhân sự trên toàn cầu.

Xếp hạng tín dụng sụt giảm trầm trọng

Ngay sau tuyên bố của Intel và BofA, Ngân hàng Citigroup đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2014 của Costa Rica còn 3,1% từ mức 3,5%. Tăng trưởng GDP năm 2015 được dự báo thấp hơn, giảm còn 2,2% từ mức 4%.

Chỉ trong vòng hai ngày, lợi tức trái phiếu đôla của Costa Rica năm 2023 tăng 23 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2014. Lúc 15g59 chiều 9-4-2014 (giờ New York), lợi suất trái phiếu đôla của Costa Rica năm 2023 đã tăng 8 điểm, cơ bản lên 5,62%.

Trong tháng 9-2013, Investors Service thuộc hãng xếp hạng tín dụng Moody cũng hạ triển vọng của Costa Rica xuống mức "tiêu cực", từ mức “trung bình” vì nợ nần gia tăng và thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. Moody đánh giá Costa Rica ở hạng Baa3, chung "bảng" với Thổ Nhĩ Kỳ và Iceland.

Chính phủ dự báo thâm hụt ngân sách của Costa Rica năm nay sẽ tăng lên 6% GDP, từ mức 5,4% năm 2013. Trái phiếu đôla nước này năm 2014 trở lại mức 3,3%, so với 4,4% trong các nền kinh tế mới nổi, theo chỉ số EMBIG của JPMorgan Chase & Co.

Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg công bố hồi tháng trước, Costa Rica được xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia đánh mất niềm tin của nhà đầu tư, sau Nga, Argentina và Ukraine. Khảo sát trích dẫn số liệu về chi phí hợp đồng hoán đổi tín dụng tăng cao và hiệu suất của đồng tiền trong nước so với USD.

Việc Intel cắt giảm việc làm diễn ra sau khi Tổng thống Costa Rica Laura Chinchilla, người sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng tới, đạt được những bước tiến tích cực trong quá trình giảm tỉ lệ thất nghiệp - vốn đã leo thang lên 10,5% trong quý 2-2013. Đến nay, tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế 45 tỉ USD này giảm còn 8,3%.

CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên