21/09/2023 08:19 GMT+7

Khóa họp 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: Khoảnh khắc đáng nhớ của quan hệ Việt - Mỹ

BÌNH AN
và 1 tác giả khác

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc đến Việt Nam và quan hệ hai nước ngay trong phần mở đầu bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở TP New York (Mỹ) vào ngày 19-9 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở TP New York (Mỹ) vào ngày 19-9 - Ảnh: Reuters

Ngày 19-9, tuần lễ cấp cao và phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78 đã khai mạc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), với sự tham gia của khoảng 150 nhà lãnh đạo thế giới.

Ông Biden đề cao quan hệ Việt - Mỹ

Khác với bài phát biểu tháng 9 năm ngoái cũng tại kỳ họp này của Liên Hiệp Quốc khi ông Biden nhắc tới các khủng hoảng chung của thế giới như thiên tai, lương thực, chiến tranh…, năm nay ông chủ Nhà Trắng mở đầu theo một cách rất đặc biệt:

"Thưa ngài Chủ tịch, ngài Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các nhà lãnh đạo! Khoảng một tuần trước, tôi đã đứng ở bên kia địa cầu, tại Việt Nam, trên mảnh đất từng đẫm máu chiến tranh. Tôi đã gặp một nhóm cựu binh Mỹ và Việt Nam, chứng kiến lễ trao kỷ vật chiến tranh. Thật xúc động khi thấy sự biểu cảm của các cựu binh Mỹ và Việt Nam".

Ông Biden nhấn mạnh trong khoảng 50 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực giải quyết những hậu quả đau thương của chiến tranh, lựa chọn con đường cùng nhau hướng tới hòa bình và tương lai tốt đẹp.

Ông nhấn mạnh rằng với sự nỗ lực, đối thủ có thể trở thành đối tác, những thách thức to lớn có thể được giải quyết, và những vết thương sâu sắc có thể được chữa lành.

"Trong nhiều thập niên, không ai tưởng tượng nổi có một ngày tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và cùng cam kết đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên cấp độ cao nhất. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng lịch sử không nhất thiết phải quyết định tương lai của chúng ta" - ông Biden nói.

Từ sự kiện này, ông Biden khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết tranh chấp và Mỹ cũng cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Lo ngại thế giới chia rẽ

Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này có chủ đề "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người".

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định về tình hình thế giới:

"Quả thật sự chia rẽ đang ngày càng sâu sắc. Đó là sự chia rẽ giữa các cường quốc kinh tế và quân sự, giữa Đông và Tây".

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra cam kết đáng chú ý trước các nhà lãnh đạo thế giới. Ông tuyên bố Nhật Bản sẽ đóng góp 3 tỉ yen (20 triệu USD) để giúp đạt được mục tiêu: một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Ông Kishida mô tả mục tiêu đó là công việc cả đời của ông với tư cách là nghị sĩ đại diện cho khu vực bầu cử ở Hiroshima (nơi bị bom nguyên tử của Mỹ tàn phá vào năm 1945 và là thành phố đầu tiên trên thế giới bị tấn công hạt nhân).

Kỳ họp lần này còn có sự tham gia trực tiếp lần đầu tiên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Zelensky đã mời các nhà lãnh đạo thế giới tham dự "thượng đỉnh hòa bình" để chấm dứt cuộc chiến này nhưng chưa cung cấp thông tin về thời gian và địa điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại New York ngày 20-9 (giờ Mỹ) - Ảnh: UN WebTV

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại New York ngày 20-9 (giờ Mỹ) - Ảnh: UN WebTV

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên đất Mỹ

Rời thủ đô nước Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao lên đường đến New York vào đêm 19-9 (giờ Mỹ) với một loạt các hoạt động tiếp xúc song phương, phát biểu ở các hội nghị quan trọng của Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào ngày 20-9 (giờ Mỹ, tối cùng ngày giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các nước phát triển, các tổ chức quốc tế thể hiện trách nhiệm và dành nhiều nguồn lực hơn nữa để giúp các nước ven biển đang phát triển ứng phó với thách thức này.

Thủ tướng khẳng định mặc dù là một quốc gia đang phát triển, còn gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần hành động vì Trái đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Trước đó, ngày 19-9, ngay sau khi đến thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến ĐH Georgetown và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại đây.

Thủ tướng cũng đã tiếp bộ trưởng Bộ Thương mại, đại diện thương mại Mỹ; gặp chủ tịch Hạ viện, chủ tịch các ủy ban đối ngoại thuộc Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Thủ tướng: Hợp tác kinh tế là động cơ vĩnh cửu thúc đẩy quan hệ Việt - MỹThủ tướng: Hợp tác kinh tế là động cơ vĩnh cửu thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có bài phát biểu chính sách đáng chú ý tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington (Mỹ).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên