16/05/2011 02:02 GMT+7

Không dám ăn!

CHÁNH TÂM (Trà Vinh)
CHÁNH TÂM (Trà Vinh)

TT - 29 là số phản hồi cho loạt bài “Cơm công nhân từ bếp tới bàn”, khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 14-5. Bạn đọc chỉ ra nhiều công ty cho công nhân ăn uống rất kém, trong đó vệ sinh an toàn thực phẩm gần như bị bỏ qua.

tUJn8ibG.jpgPhóng to

* Tôi có người chị ruột năm ngoái đi làm công cho một công ty chuyên chế biến, cung cấp suất ăn cho công nhân làm việc tại các công ty ở Bình Dương. Sau vài tháng đi làm, chị trở nên gầy guộc và xanh xao thấy rõ. Gia đình thắc mắc, chị cho biết do thiếu ăn, ít ngủ. Ngạc nhiên, gia đình hỏi tại sao làm cho cơ sở cung cấp suất ăn mà lại đói thì chị bảo không phải thiếu ăn mà là... không dám ăn.

Chị cho biết nguyên tắc chung của cơ sở chị làm là không được bỏ bất cứ thứ gì, từ rau củ, thịt cá mới mua về hay trữ trong kho. Theo chị, việc xử lý nguyên liệu bữa ăn bằng... chân là bình thường, cũng như việc chủ cơ sở sử dụng rau già, rau héo cùng những gì Tuổi Trẻ nêu là hoàn toàn chính xác, song vẫn chưa thấm vào đâu so với việc chế biến bữa ăn nơi chị từng làm. Do cơ sở chị làm rất đắt hàng nên người làm công đôi khi được huy động sang làm nhiều khâu khác nhau. Công việc chính của chị là chuẩn bị, chia suất ăn và phụ vận chuyển suất ăn ra xe để chở đến các công ty. Tuy nhiên nhiều lần chị được điều xuống phụ ở khâu xử lý nguyên liệu và nấu ăn.

Chị nói sợ nhất là khâu xử lý nguyên liệu. Nhiều lần chị và các bạn làm chung phát nôn khi xử lý thịt gà. Hàng đống bao thịt gà nghe nói mới nhập về được bốc từ xe tải xuống nước nhỏ ròng ròng, mùi hôi tanh nồng nặc. Khi mở bao ra, chất lỏng từ trong bao chảy tràn ra nền nhà, trông sền sệt, đùng đục, thịt gà đã rã như bắt đầu giai đoạn phân hủy. Nhiều thau nước tẩm hóa chất được bày ra, thanh niên mạnh tay khiêng bao thịt gà đổ ào vào thau. Nước hóa chất trong thau bỗng chốc “sủi tim”. Thịt gà được vớt ra, tiếp tục cho vào thau khác tương tự... Nhiều lần như thế, thịt gà từ trạng thái nhầy nhụa, vàng đục bỗng dưng được “hóa kiếp” trắng phau, rắn lại. Rửa qua nước lạnh một lần, thế là xong công đoạn xử lý thịt gà và đưa vào chế biến.

Ngoài ra, củ cải trắng, cà chua, rau xanh được mua về bất kể non già, cũ mới, tươi úa mục ruỗng gì cũng đều được trộn chung (cùng loại). Không phải ngâm và rửa trong thau, chúng được để trong rổ và rửa bằng cách dùng vòi nước xịt như người ta... rửa xe vậy. Gọi là cắt rau cho sang chứ thật ra là... băm trên những cái thớt to đùng ít khi được rửa.

Chị bảo trước kia khi chưa được điều vào phụ khâu nấu ăn thì còn dám ăn cơm tại cơ sở, nhưng từ khi xuống phụ ở khâu này thì chị sợ thức ăn của chính cơ sở mình làm ra. “Nấu cho người ta ăn chứ hầu hết người làm ở đây không ăn” - chị bảo vậy. Cơ sở chị làm rất xa chợ, lại là người ở xa đến không rành đường đi nước bước nên chị đành trung thành với mì gói và trứng luộc cùng với ít rau chọn kỹ khi cơ sở mua về. Sau vài tháng, chị phải “bỏ của chạy lấy người” do sức khỏe ngày càng sút giảm...

* Thời này ăn bữa cơm một người 8.000-9.000 đồng thì hỏi họ sẽ được ăn gì ngon? Các cơ quan chức năng nên can thiệp mạnh tay hơn, chứ cứ tình trạng này cơm công nhân cũng chỉ là món đồ ăn không hơn không kém thức ăn thừa cho heo.

* Tôi làm công nhân trong một khu công nghiệp ở TP.HCM, nhìn vào khay cơm là thấy bẩn liền, nhưng không ăn thì đói, sao làm việc nổi. Công ty không cho phép mang thức ăn vào, ngay cổng khu công nghiệp đã có bảo vệ xét rồi. Nhưng đành phải ráng ăn thôi, nhiều bữa ăn canh còn có cả miếng rửa chén trong đó!

CHÁNH TÂM (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên