Không thất nghiệp nhưng chẳng có việc làm

TRỌNG NHÂN 17/06/2023 06:20 GMT+7

TTCT - Có lẽ, hầu hết mọi người thường có ít nhất một đồng nghiệp mà họ vô cùng thắc mắc: "Rốt cuộc ông bà này làm gì ở công ty vậy".

Ảnh: Vecteezy

Ảnh: Vecteezy

Giữa làn sóng sa thải rộng khắp nhiều ngành nghề với quy mô toàn cầu, có những người vẫn giữ được chỗ làm, nhưng lại rơi vào tình huống éo le: không thất nghiệp nhưng chẳng có mấy việc để làm. Tất nhiên có người không lấy đó làm phiền, bởi vẫn lãnh lương đều đều.

"Người có việc nhưng không có việc" (jobless employed) là cách gọi rối rắm nhưng phản ánh đúng thực tế mà trang Vox dành cho những người vẫn được thuê, nhưng không có gì để làm.

Có việc mà không có việc

Theo hợp đồng, Nate phải làm việc 40 giờ mỗi tuần cho một công ty công nghệ tài chính lớn, song thực tế mỗi ngày anh chỉ phải "động tay động chân" chừng một tiếng, tức tổng thời gian làm việc là 5 giờ mỗi tuần nếu công ty cho nghỉ thứ bảy, chủ nhật.

Là nhân viên làm từ xa, Nate chỉ phải lên máy tính tập trung làm việc khi nhận được tin nhắn "ting ting" từ sếp thông báo anh có chuyện cần giải quyết. Nate làm rất nhanh và hiệu quả, xong việc là anh tha hồ đọc sách, ngủ nghỉ. 

Phải chăng Nate nên nhận thêm việc? "Không nha", Nate bác bỏ ngay. Theo anh, chẳng có lý do gì để làm nhiều hơn trong khi nhiệm vụ mà công ty giao cho chỉ có vậy. Nate vẫn được đánh giá là nhân viên có thành tích tốt. Anh còn lên văn phòng đều đặn mỗi tuần để kết nối - thực chất là "tám chuyện" - với các đồng nghiệp làm offline. 

"Làm thêm việc với tôi không có sao cả, nhưng vấn đề là không ai thực sự yêu cầu làm thêm gì hết. Và bạn nghĩ tôi nên mở lời với sếp thế nào đây: Sếp à, em đang rảnh lắm đây, cho em thêm việc đi anh?" - Nate nói.

Theo Vox, tình trạng này không chỉ tồn tại ở cấp nhân viên, mà còn ở cấp quản lý. Nói đúng hơn là bỗng nhiên ít việc hẳn từ khi lên sếp. 

Charlie - chuyên gia dữ liệu tại một công ty tài chính - khá bận rộn với hàng loạt dự án lớn nhỏ khi mới vào công ty. Từ khi được thăng chức cách đây năm năm, Charlie cảm thấy khối lượng công việc tự dưng nhẹ bẫng - anh chỉ phải quản lý chung, còn các đầu việc cụ thể được giao cho cấp dưới.

Có tuần, Charlie làm việc từ xa cả hai ngày thứ năm, thứ sáu và gần như không có gì để làm. Tuần sau đó, anh lại có thêm một ngày nhàn hạ ở công ty, có thể thong thả đọc hai chương tiểu thuyết và làm một giấc ngắn. 

Công ty của Charlie cắt giảm nhân viên trong năm nay, nhưng anh không quá lo lắng về điều đó, thậm chí theo anh còn muốn… bị sa thải để nhận tiền thanh lý hợp đồng.

Tất nhiên, Charlie cũng biết công việc an nhàn cũng là một sự đánh đổi. Với những người làm về kỹ thuật như Charlie, càng làm càng lên tay. Kể từ thời điểm lên làm sếp, Charlie cảm nhận rõ tay nghề mình đi xuống. "Tôi quên cách làm những việc mà trước đây tôi đã biết" - anh thừa nhận.

Một trường hợp khá hy hữu mà Vox trao đổi được là Tom - nhân viên kinh doanh. Sếp cũ của Tom đã… quên thông báo cho phòng nhân sự rằng anh đã nghỉ việc, nên lương cứ được chuyển đều đều. 

Về phần mình, Tom cũng làm ngơ như không biết khi mỗi tháng tài khoản ngân hàng được cộng thêm vài chữ số. Phải vài tháng sau mới có người phát hiện; khi đó, thậm chí không ai biết Tom đang ở đâu.

Tom nói anh thường chọn công việc có một mức lương rất cơ bản. Lương sẽ tăng tùy theo hoa hồng. Thường thì Tom hiếm khi đạt đủ doanh số để nhận thêm hoa hồng. 

Vậy thì việc Tom không đủ doanh số do "làm việc kém", "không làm việc" hay "nghỉ việc" cũng không khiến bộ phận trả lương thấy gì khác biệt. Vậy là Tom thêm được chút đỉnh một cách may mắn.

Chung quy cũng tại...

Giáo sư Joseph Fuller - giảng viên về quản trị tại Trường Kinh doanh Harvard - cho rằng hiện tượng "không thất nghiệp" nhưng "chẳng có việc làm" được ghi nhận khá rộng rãi. 

Có lẽ, hầu hết mọi người thường có ít nhất một đồng nghiệp mà họ vô cùng thắc mắc: "Rốt cuộc ông bà này làm gì ở công ty vậy". Và, sẽ càng bất ngờ hơn khi bạn thấy họ tiếp tục thăng tiến.

Có vô số lý do của tình trạng đi làm mà không có việc gì làm: Có thể dự án mà họ đảm nhiệm trước đây đã không còn là ưu tiên; hoặc công việc mà họ đảm nhận, dù lớn hay nhỏ, hiện đang được công nghệ xử lý. 

Cũng có thể, những nhân sự này không nên được tuyển dụng từ đầu, hoặc họ đã được tuyển dụng quá sớm so với nhu cầu của công ty. Ngoài ra, có thể họ làm việc rất nhanh, hoặc họ rất giỏi trong việc "lười biếng một cách bí mật".

Giáo sư Fuller đưa ra thêm nguyên nhân lối mòn trong cách xếp đặt công việc. Chẳng hạn, một tổ chức trước nay luôn có một vị trí "kiểm tra viên". Dù sau này, vai trò thật sự của vị trí ấy càng mờ nhạt nhưng người ta vẫn giữ lại vị trí ấy một phần vì guồng máy đã quen với sự xuất hiện của bộ phận ấy. Họ tham gia vào công ty, tổ chức như một quy trình đã có với một khoản ngân sách "truyền thống" đã định trước.

Dù lý do là gì đi chăng nữa, theo Alison Green - một cây bút về kỹ năng quản lý, đồng thời là người điều hành trang web Ask a Manager - cho rằng cốt lõi vấn đề là do sếp - những người quản lý trực tiếp những nhân sự "không có việc".

Phải chăng, sếp đã bị mất tương tác đến mức không nhận ra tình hình công việc hiện tại? Người quản lý không có cảm giác cấp dưới của mình đang quá rảnh, hay không đánh giá hết được khối lượng công việc của nhân viên mình quản lý? Cũng có trường hợp, quyền lực lãnh đạo của sếp với một nhóm nhân viên không thật sự quá mạnh mẽ để kiểm soát công việc của nhân viên.

"Người quản lý có thể nhận ra rằng họ không sử dụng nhân viên của mình tốt. Nhưng họ có nhận ra hay không đi chăng nữa thì việc thay đổi các quy trình sẽ trở nên khó khăn nếu không ai xem đó là việc ưu tiên - giáo sư tâm lý học Carrie Bulger của Đại học Quinnipiac (Mỹ) nói - Nếu cảm thấy mọi thứ bình thường thì không ai sẽ đề cập đến việc chỉnh sửa quy trình làm gì".

Chuyện những người "thiếu việc" ở Việt Nam

Ngọc Trân được nhận vào làm trưởng nhóm content (phát triển nội dung) của một sản phẩm du học ở viện đào tạo quốc tế thuộc một trường đại học tại TP.HCM. Nhiệm vụ của Trân là duyệt các bài viết để đăng trên website hoặc gửi bài viết đăng trên các báo. Khi thảo luận hợp đồng với bộ phận nhân sự, ngoài phần duyệt bài, Trân nhận luôn sẽ viết một số bài mỗi tháng, thường sẽ là những bài "đinh".

Quy trình khá ổn cho đến khi bộ phận marketing thuê thêm một người cứng cựa về viết lách về làm người gác cửa cuối cùng cho các bài viết, còn Trân chuyển sang làm trung gian giữa người viết và người duyệt cuối.

Ban đầu, khi nhận bài viết do các thành viên nhóm content gửi lên, Trân miệt mài chỉnh sửa rồi chuyển cho người duyệt cuối. Anh này lại yêu cầu sửa tiếp với quan điểm rất khác biệt so với Trân, từ cấu trúc lại bài viết, thay đổi cách dùng từ, thêm bớt câu trích, từ khóa, thêm hình ảnh. Có những đoạn Trân chỉnh sửa khá tâm huyết nhưng cuối cùng bị gạt bỏ.

Vấn đề là người phải chỉnh sửa lại bài viết là người viết bài chứ không phải Trân. Sau vài lần chỉnh sửa qua hai khâu như vậy, Trân nhận thấy mình sửa nhiều hay ít cũng vô nghĩa, bởi ý kiến cuối cùng là ở người duyệt cuối.

Vốn là người suy nghĩ tích cực, Trân không thấy phiền lòng, ngược lại còn xem đây là cơ hội để mình nhẹ việc hơn. Từ đó, khi phải duyệt bài ở khâu "bước một", Trân chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả. Những yêu cầu thêm bớt sâu hơn về nội dung, Trân hoàn toàn không đụng vô mà dành phần cho người duyệt cuối.

Công việc của Trân từ đó cũng trở nên nhẹ nhõm hơn. Thay vì duyệt một bài thật kỹ lưỡng có thể mất 1-2 tiếng như trước kia, Trân giờ tốn chưa tới 15 phút. Thậm chí, Trân làm xong trong 10 phút nhưng đợi 30 phút sau mới chuyển sang người duyệt cuối, ra vẻ như cũng rất cố gắng. "Các sếp không thể nói tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi luôn làm hết những gì được giao. Họ giao tôi việc gì, tôi làm như thế. Nhưng tôi không cần thể hiện, chỉ cần làm đúng phận sự của mình là đã đủ" - Ngọc Trân nói.

Trần Thương có hơn ba năm làm trưởng nhóm marketing cho một công ty bất động sản, nhưng khi thị trường "đóng băng" nhiều tháng qua, Thương quyết định nhảy việc. Đầu tháng 4-2023, anh về làm trưởng phòng marketing cho một trường tư thục ở TP.HCM.

Do tiếp quản bộ phận marketing quá muộn so với mùa chạy truyền thông của các trường tư thục - thường đã phải nhộn nhịp ngay đầu năm dương lịch - chưa kể lĩnh vực giáo dục lại có rất nhiều khác biệt so với bất động sản, Thương gặp nhiều trục trặc khi lên các kế hoạch marketing để tăng số lượng nhập học đúng yêu cầu của ban giám đốc.

Vậy là đầu tháng 6, ban giám đốc - cũng là những người mới - trước áp lực số lượng tuyển sinh đã quyết định thuê thêm một đơn vị bên ngoài để làm marketing. Cùng một trường, lại có đến hai đơn vị, một trong một ngoài, làm cùng nhiệm vụ.

Công việc của Thương từ chỗ chạy dẫn dắt các chiến dịch đã gần như giao lại cho bên thứ ba. Anh giờ chỉ giữ vai trò kết nối chung, cung cấp những dữ liệu mà bên thuê ngoài yêu cầu.

Thương hiện có việc làm, mà cũng lại không có việc làm. Éo le hơn, đơn vị thuê ngoài đã tư vấn trường nên đợi đến đầu tháng 9 hãy chạy marketing cho nguyên năm sau, chứ giờ làm gì cũng muộn. "Nếu vậy tôi sợ mình sẽ không có việc làm trong hai tháng tiếp theo. Chúng tôi đâu được nghỉ hè như các giáo viên" - anh nói.

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận