26/09/2023 10:40 GMT+7

Khủng hoảng di cư có thể làm tan rã EU?

Cuộc tranh luận về cách thức châu Âu xử lý số lượng lớn người di cư đến từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi lại bùng lên, khi những chiếc thuyền chở hàng ngàn người cập vào đảo Lampedusa của Ý.

Tàu hải cảnh Ý chở những người di cư được giải cứu trên biển và các tàu du lịch di chuyển ở đảo Lampedusa (Ý) vào hôm 18-9 - Ảnh: REUTERS

Tàu hải cảnh Ý chở những người di cư được giải cứu trên biển và các tàu du lịch di chuyển ở đảo Lampedusa (Ý) vào hôm 18-9 - Ảnh: REUTERS

Cuối tuần qua, trong thông điệp đáng chú ý, Giáo hoàng Francis kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu mở các cảng để tiếp nhận những người di cư đang cố thoát khỏi khó khăn và nghèo đói.

Ông nhấn mạnh châu Âu không phải đang đối mặt với "tình trạng khẩn cấp" do vấn đề người di cư, mà đây thật ra là một thực tế lâu dài mà chính phủ các nước phải giải quyết.

Tâm điểm Lampedusa

Lời kêu gọi được Giáo hoàng Francis đưa ra tại thành phố cảng Marseille của Pháp, trong bối cảnh làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu một lần nữa lại gây sự chú ý.

Hồi giữa tháng này, gần 7.000 người di cư - thông qua các tàu buôn lậu từ Tunisia - đã cập vào hòn đảo nhỏ bé Lampedusa của Ý chỉ trong vòng một ngày. Con số này còn đông hơn cả dân số của hòn đảo.

Vụ việc trên đã gây ra sự phẫn nộ tại Ý và làm dấy lên cuộc tranh luận trên khắp châu Âu về cách thức chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người di cư.

Một số chính khách hàng đầu châu Âu, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã đích thân đến Lampedusa để xem tình hình.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết bà từng hy vọng sẽ làm "tốt hơn" trong việc kiểm soát tình trạng di cư bất hợp pháp, nhưng hiện "kết quả không như những gì chúng tôi mong đợi".

Trong khi đó, Giáo hoàng Francis kêu gọi chính phủ các nước châu Âu chào đón những người di cư thay vì coi họ là những kẻ "xâm lược".

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu nghiêm trọng tới mức Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borell mới đây cảnh báo: Vấn đề người di cư có thể "làm tan rã EU" do sự khác biệt sâu sắc về văn hóa giữa các nước châu Âu và việc họ không thể đạt được chính sách chung trong thời gian dài.

Trong khi một số nước châu Âu, chẳng hạn Tây Ban Nha, từ lâu chào đón và cho người di cư hòa nhập vào xã hội của mình, thì một số quốc gia khác tại lục địa già lại không muốn thay đổi cách tiếp cận.

"Có một số thành viên EU đi theo phong cách Nhật Bản: Chúng tôi không muốn hòa trộn và chúng tôi không muốn nhận người di cư. Chúng tôi không muốn chấp nhận những người từ bên ngoài. Chúng tôi muốn duy trì sự tinh khiết" - ông đề cập việc một số nước trong EU từ chối tiếp nhận người di cư.

Tuy nhiên, với dân số già, châu lục này hiện đang rất cần bổ sung lực lượng lao động. "Châu Âu cần người di cư vì chúng ta có tốc độ tăng dân số chậm. Nếu chúng ta muốn tồn tại xét từ quan điểm lực lượng lao động, chúng ta cần người di cư" - ông Borrell giải thích.

Đâu là giải pháp?

Phản ứng với làn sóng di cư mới đây, chính phủ theo đường lối cực hữu của Ý đã dọa tổ chức cuộc phong tỏa Tunisia bằng hải quân và tăng cường hồi hương người di cư.

Trong khi đó, Pháp đã tăng cường tuần tra ở biên giới phía nam để ngăn chặn người di cư tại Ý vượt biên. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin tuyên bố nước này sẽ không tiếp nhận bất kỳ người di cư nào đến đảo Lampedusa của Ý.

Tunisia là một trong những điểm xuất phát chính của những chiếc thuyền chở người di cư đang cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, hầu hết đều hướng đến Ý, đặc biệt là đảo Lampedusa.

Hồi tháng 7, Tunisia và EU đã đạt được thỏa thuận "đối tác chiến lược" nhằm ngăn tình trạng di cư ồ ạt bất thường, đổi lại là hỗ trợ tài chính cho nước này.

Vào thời điểm ký kết, bà Von der Leyen nói rằng thỏa thuận này có thể trở thành hình mẫu cho những thỏa thuận với các nước khác khi EU nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư trái phép qua Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp EU và các tổ chức từ thiện đã đặt câu hỏi liệu thỏa thuận của EU với Tunisia - vốn được chính phủ theo đường lối cực hữu của Ý ủng hộ mạnh mẽ - có đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền con người của châu Âu hay không.

Giữa cuộc khủng hoảng di cư hiện tại, bà Ursula von der Leyen đã đề xuất kế hoạch hành động 10 điểm dành cho đảo Lampedusa để hỗ trợ Ý.

Kế hoạch này bao gồm việc hỗ trợ đưa người di cư sang các quốc gia thành viên EU khác và sau đó hồi hương. Tuy nhiên, một số nước như Ba Lan đã bác bỏ kế hoạch di cư Lampedusa, khẳng định "không ai có thể buộc chúng tôi làm điều này".

Nhìn chung, các nước thành viên EU hiện nay chưa đạt được tiếng nói chung về cách giải quyết vấn đề người di cư.

Theo báo Politico, các nhà lập pháp EU đang gây áp lực buộc các nước thành viên phải hoàn tất thỏa thuận về vấn đề người di cư, trong đó có các biện pháp hỗ trợ những nước dọc biên giới EU đang phải đối mặt với số người xin tị nạn tăng đột biến.

Vùng biển chết chóc

Theo báo Washington Post, trong hơn một thập niên qua, vùng biển xanh bao la nằm giữa khu vực Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu là nơi diễn ra hàng loạt cái chết.

Trong số hơn 2 triệu người (hầu hết đến từ khu vực Sahara ở châu Phi và Trung Đông) tìm cách vượt biển, ít nhất 28.000 người mất tích, được cho là đều đã thiệt mạng.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đánh giá quý đầu tiên của năm 2023 là quý "chết chóc nhất" ở khu vực trung tâm Địa Trung Hải kể từ năm 2017.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ước tính trong số những người di cư thiệt mạng trên biển, chỉ có khoảng 13% số thi thể được nhà chức trách châu Âu tìm thấy. Phần lớn thi thể không bao giờ được xác định danh tính.

Giáo hoàng Francis: Người di cư "không xâm lược" châu ÂuGiáo hoàng Francis: Người di cư 'không xâm lược' châu Âu

Giáo hoàng Francis kêu gọi chính phủ các nước châu Âu chào đón những người di cư thay vì coi họ là những kẻ xâm lược.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên