01/04/2024 09:30 GMT+7

Kiểm toán vô can vụ SCB?

Nhà đầu tư, xã hội trông cậy vào kiểm toán để đánh giá đúng báo cáo tài chính doanh nghiệp và ngân hàng. Nhưng ở một số vụ đại án vừa qua, kiểm toán đã không phát hiện ra vấn đề. Vì sao? Trách nhiệm của họ đến đâu?

Khách hàng giao dịch tại SCB - Ảnh: T.T.D.

Khách hàng giao dịch tại SCB - Ảnh: T.T.D.

Bốn doanh nghiệp kiểm toán lớn trên thế giới, thường được gọi là Big4, thì ngoại trừ PwC, có ba đơn vị - KPMG, Deloitte, Ernst & Young - đã tham gia kiểm toán SCB trong nhiều năm.

Nhiều "ông lớn" đã kiểm toán SCB ra sao?

Phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát đang diễn ra (từ ngày 5-3 và dự kiến đến ngày 29-4) trở thành tâm điểm chú ý khi số tiền "rút ruột" tại SCB lên tới vài trăm nghìn tỉ đồng. Ngoài trách nhiệm các bên, dư luận không khỏi thắc mắc về vai trò các đơn vị kiểm toán.

Hồi tháng 5-2023, sau khi vụ việc "vỡ lở", kiểm toán KPMG chi nhánh TP.HCM ban hành báo cáo xác định SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỉ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 9-2022.

Nhưng cần nhấn mạnh KPMG cũng là đơn vị đã kiểm toán báo cáo tài chính SCB trong năm 2020 và bán niên 2021. Tại báo cáo bán niên 2021, kiểm toán viên KPMG kết luận: "Chúng tôi không thấy có vấn đề gì khiến chúng tôi cho rằng báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã không phản ánh trung thực và hợp lý...".

Ở mục vấn đề cần nhấn mạnh năm 2020, KPMG lưu ý người đọc về đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Lúc này, trên sổ sách, SCB vẫn có vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỉ đồng, lãi sau thuế sáu tháng đạt 453 tỉ đồng.

Ngoài KPMG, hai công ty kiểm toán danh tiếng khác là Deloitte Việt Nam và Ernst & Young Việt Nam cũng từng kiểm toán SCB. 5 năm (2012 - 2016), Ernst & Young Vietnam đều đặn nhận xét báo cáo tài chính hợp nhất của SCB phản ánh trung thực và hợp lý hoặc nhất quán trên các khía cạnh trọng yếu...

Riêng 2012, cũng là năm đầu tiên bà Trương Mỹ Lan tiếp quản SCB, kiểm toán viên của Ernst & Young Vietnam lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới rủi ro thanh khoản ngân hàng.

"Ngân hàng có các khoản nợ đã quá hạn thanh toán bao gồm tiền vay Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi và vay TCTD khác và các khoản nợ khác.

Ngân hàng đồng thời cũng có một số khoản phải thu đã quá hạn nhưng chưa thu hồi được gây ra khó khăn về thanh khoản và hoạt động của ngân hàng...", kiểm toán viên lưu ý.

Với Deloitte Việt Nam, khi kiểm toán SCB từ 2017 - bán niên 2019, công ty hàng đầu này cũng đều nhận xét báo cáo tài chính hợp nhất trung thực và hợp lý, nhất quán...

Cũng cần nói thêm về những "khó hiểu" thể hiện trên các báo cáo tài chính SCB. Như báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022 (báo cáo gần nhất SCB công bố trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt) ghi nhận hết tháng 6-2022, tổng tài sản đạt hơn 761.000 tỉ đồng.

Với tổng tài sản nêu trên, thời điểm giữa năm 2022, SCB nằm trong top 5 ngân hàng lớn nhất, chỉ sau BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank.

Chưa kể tỉ trọng cho vay khách hàng cũng ở mức cao, 350 - 390.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế SCB chỉ loanh quanh vài chục tỉ đồng hoặc hơn mức 100 tỉ đồng. Đến năm 2021 "bỗng dưng" đột biến lãi hơn 1.000 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, thực trạng tài chính SCB tại thời điểm ngày 30-6-2017 "rất xấu", bản chất thời điểm này SCB đã âm vốn chủ sở hữu.

"Nếu tính đúng, tính đủ thì vốn chủ sở hữu âm 22.289 tỉ đồng, lợi nhuận âm 35.038 tỉ đồng, số lỗ lũy kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm 238%, hệ số CAR âm (-4,24%)", kết luận điều tra nêu rõ.

Sau khi việc "vỡ lở", SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022, kết quả kiểm toán lập tức cho thấy số lỗ lũy kế khổng lồ và khoản âm vốn chủ sở hữu đến gần nửa triệu tỉ đồng.

Kiểm toán trả lời về vụ SCB

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cựu lãnh đạo Deloitte chỉ bình luận về mặt kỹ thuật: sau các cuộc thanh tra, điều tra mới phát hiện hồ sơ ma, hồ sơ khống, còn kiểm toán trên hồ sơ có đầy đủ các tính pháp lý do đơn vị cung cấp.

Kiểm toán viên kiểm toán trên các bằng chứng do đơn vị cung cấp (các đơn vị này phải chịu trách nhiệm về những bằng chứng đưa kiểm toán viên). Nếu các hồ sơ sai thì kiểm toán viên rất khó với cách kiểm tra thông thường, khi không có điều tra, thanh tra.

Liên hệ KPMG, phía đại diện truyền thông hãng cho biết từ chối cung cấp thông tin bình luận liên quan đến cuộc điều tra, xét xử đang diễn ra tại SCB. Trong khi đó, phía Ernst & Young chưa phản hồi thông tin.

Phải tăng giám sát

Thời gian qua, nhiều kiểm toán viên đã bị phạt, đình chỉ, tước giấy phép hành nghề, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, như ở vụ án FLC và Tân Hoàng Minh.

Như vụ án ông Trịnh Văn Quyết, hai công ty kiểm toán ký báo cáo "khống" giúp cổ phiếu ROS lên sàn. Tương tự vụ Tân Hoàng Minh, cũng "đặt hàng" kiểm toán, từ đó "phù phép" báo cáo tài chính nhằm đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết dù là đơn vị kiểm toán lớn nhưng không phát hiện bất thường trong thời gian dài thì có ba khả năng: thứ nhất, đơn vị được kiểm toán xử lý quá tinh vi, kín kẽ về mặt hình thức, từ đó qua mặt kiểm toán; thứ hai, do năng lực kiểm toán viên hạn chế; thứ ba, thông đồng, bắt tay.

Theo vị này, số liệu kế toán không phải thứ mà doanh nghiệp/ngân hàng dễ "làm mượt".

Chuẩn mực kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên phải tìm hiểu về khách hàng, phải nhận diện được, đánh giá được rủi ro có sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính.

Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên luôn phải giữ thái độ hoài nghi nghề nghiệp, trung thực, độc lập.

Trường hợp báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu nhưng ý kiến của kiểm toán viên là chấp nhận toàn phần thì rủi ro kiểm toán xảy ra.

PGS.TS Phạm Văn Đăng, nguyên phó giám đốc Học viện Tài chính, cho hay kiểm toán có thể có "ý kiến ngoại trừ" với những gì kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán.

Với từng trường hợp cụ thể, ông Đăng cho rằng đơn vị kiểm toán nào làm sai phải chịu trách nhiệm.

"Báo cáo kiểm toán như dịch vụ đảm bảo thông tin tài chính cho những người sử dụng nó. Những sai sót, bất cẩn hay hành vi "bắt tay", thông đồng trong nghề kiểm toán đều có thể để lại những thiệt hại không nhỏ", ông Đăng nói.

Ông Đăng nhấn mạnh các công ty kiểm toán về bản chất cũng là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, nên đâu đó vẫn có trường hợp cố tình làm sai vì lợi ích. Để ngăn chặn, đòi hỏi sự vào cuộc giám sát của nhiều bên, cả phía cơ quan quản lý lẫn người sử dụng báo cáo tài chính.

Ngân hàng SCB tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngân hàng SCB tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Kiểm toán chặt quá, lo sang năm khách không ký hợp đồng

Bàn về các vụ kiểm toán bỏ "lọt" bất thường, một kiểm toán viên lâu năm trong nghề cho hay theo quy định, đơn vị kiểm toán nếu phát hiện sai phạm, gian lận, phải báo cáo nhưng lúc này họ sẽ phải đối mặt với những cân nhắc khác nhau:

"Nếu tố cáo sai thì phải bồi thường, và ngay cả đúng thì ảnh hưởng việc tìm kiếm, ký hợp đồng với khách hàng sau này. Do vậy, trên thực tế vẫn có những trường hợp sẽ xử lý theo hướng chưa đúng chuẩn mực".

Bên cạnh đó, kiểm toán viên chỉ kiểm tra bề mặt chứng từ, không phải làm điều tra và cũng không có chức năng này. Nếu đối tượng được kiểm toán quá tinh vi, hợp thức hóa được sổ sách thì vẫn qua mặt được kiểm toán viên.

Đình chỉ nhiều kiểm toán viên do vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2-2024, trên cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phạt vi phạm hành chính 22 doanh nghiệp kiểm toán và 5 kiểm toán viên hành nghề; đình chỉ có thời hạn 20 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực; và có công văn nhắc nhở 27 kiểm toán viên.

Còn 2023, Bộ Tài chính đã phạt vi phạm hành chính 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề, đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực...

Luật sư: Tiền bà Trương Mỹ Lan đưa hối lộ có nguồn gốc từ SCBLuật sư: Tiền bà Trương Mỹ Lan đưa hối lộ có nguồn gốc từ SCB

Chiều 28-3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo tiếp tục phần tranh luận. Bảo vệ cho người bị hại là Ngân hàng SCB, luật sư đề nghị hội đồng xét xử thu hồi số tiền bà Trương Mỹ Lan đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn nhưng không sung công quỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên